Các nhà khoa học Úc: Thân máy bay MH370 còn nguyên khi chìm

28/03/2014 13:00 GMT+7

(TNO) Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Tây Úc cho rằng việc không thấy các mảnh vỡ của máy bay MH370 chứng tỏ thân máy bay vẫn còn nguyên vẹn khi chìm xuống Ấn Độ Dương

(TNO) Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Tây Úc cho rằng việc không thấy các mảnh vỡ của máy bay MH370 chứng tỏ thân máy bay vẫn còn nguyên vẹn khi chìm xuống Ấn Độ Dương, tờ Telegraph (Anh) đưa tin hôm 27.3.


Màn hình định hướng trên AP-3C Orion của Không lực Hoàng gia Úc cho thấy vị trí chiếc máy bay trinh sát được thể hiện bằng vòng tròn màu trắng trong khi đang đi tìm máy bay MH370 - Ảnh: AFP

Thông qua phân tích dữ liệu khí tượng học và dòng chảy đại dương, kết hợp với nghiên cứu dữ liệu ghi nhận tín hiệu vệ tinh của công ty vệ tinh Inmarsat (Anh), các nhà khoa học Úc tin rằng họ đã xác định được địa điểm máy bay tiếp xúc mặt biển và chuyển động trong nhiều tuần qua của các mảnh vỡ.

Giáo sư Charitha Pattiaratchi, người giám sát cuộc nghiên cứu, cho biết việc không tìm thấy các đồ vật (nổi được) bên trong máy bay cho thấy khoang lái MH370 vẫn còn nguyên vẹn khi chìm xuống biển.

Điều này cũng làm tăng khả năng hộp đen không bị hư hại nặng và hiện đang nằm sâu ngay bên dưới vị trí máy bay rơi ở Ấn Độ Dương, theo giáo sư Pattiaratchi.

“Nếu chiếc mày bay vỡ tan, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều mảnh vỡ trôi nổi. Lẽ ra chúng ta đã phải thấy áo phao và mảnh vỡ ghế ngồi, những thứ sẽ phải nổi trên biển”, vị giáo sư này cho hay.

Ông Pattiaratchi còn nói thêm rằng các vật thể mà vệ tinh các nước phát hiện, nghi là mảnh vỡ của MH370, có thể đã bị cuốn vào trong các dòng nước xoáy.

“Họ nên tập trung tìm các vật thể tình nghi trôi trên biển, chúng có thể là mảnh vỡ của cánh máy bay”, ông Pattiaratchi nói.

Được biết, vệ tinh Nhật Bản đã phát hiện khoảng 10 vật thể tại vùng biển nam Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth (Úc) 2.500 km về phía tây nam, nghi là của chuyến bay MH370 mất tích.

Trung tâm Vệ tinh tình báo nội các Nhật Bản cho biết vệ tinh chụp được ảnh các vật thể nói trên vào ngày 26.3, trong đó vật thể lớn nhất có chiều dài 8 m và ngang 4 m, theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 28.3.

Cũng trong ngày 28.3, chính phủ Úc thông báo  chuyển hướng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích sang phía đông bắc của vùng tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương, sau khi được Malaysia cung cấp “đầu mối mới”.

Cơ quan An toàn hàng hải Úc (AMSA) thông báo dữ liệu phân tích tín hiệu radar do đội điều tra quốc tế tại Malaysia vừa cung cấp, cho thấy chiếc Boeing 777 chở theo 239 người đã bay nhanh hơn, tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn, dẫn đến quãng đường mà nó bay được cũng rút ngắn hơn.

“Do vậy, cuộc tìm kiếm ngày 28.3 sẽ được chuyển hướng sang khu vực cách vùng tìm kiếm hiện tại khoảng 1.100 km về hướng đông bắc”, AMSA cho hay.

Vùng tìm kiếm mới rộng khoảng 319.000 km2 và nằm cách cảng Perth (Úc) khoảng 1.850 km về phía tây.

Hoàng Uy

>> Mỹ gửi thêm 'sát thủ săn ngầm' đến Úc hỗ trợ tìm MH370
>> Chuyển hướng tìm kiếm máy bay MH370 vì có 'đầu mối mới
>> Chi phí tìm kiếm máy bay MH370 đắt đỏ nhất lịch sử thế giới
>> Vụ máy bay MH370: Vệ tinh Nhật phát hiện 10 vật thể ở nam Ấn Độ Dương
>> Vệ tinh Thái phát hiện 300 vật nghi là mảnh vỡ máy bay MH370 ở Ấn Độ Dương  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.