Chi phí tuân thủ pháp luật

15/04/2014 03:00 GMT+7

Một quan chức Quốc hội đã chính thức đề nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, trong phiên giải trình về phí, lệ phí mà Ủy ban Tài chính và Ngân sách vừa thực hiện. Lý do là bởi chi phí tổ chức thu phí tốn kém, gây mất thời gian, trong khi số tiền thu được quá ít ỏi.

Một quan chức Quốc hội đã chính thức đề nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, trong phiên giải trình về phí, lệ phí mà Ủy ban Tài chính và Ngân sách vừa thực hiện. Lý do là bởi chi phí tổ chức thu phí tốn kém, gây mất thời gian, trong khi số tiền thu được quá ít ỏi.

Thực ra kết quả này đã được dự báo trước khi quy định về thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực. Không chỉ nói về chuyện  phương thức thu phí không hợp lý, khi đó dư luận đã phân tích rất nhiều về tình trạng phí chồng lên phí, về tính khả thi của bộ máy vận hành, quản lý quỹ này. Rất tiếc, tất cả những ý kiến đó đều đã không được tiếp nhận và xử lý một cách nghiêm túc.

Sở dĩ, không chỉ việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, mà rất nhiều chính sách bị đẩy vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” như thế này là bởi chúng ta đã không khi nào có đánh giá chi phí tuân thủ luật pháp một cách đầy đủ, trước khi ban hành chính sách mới - một yêu cầu đã trở thành bắt buộc ở các nước.

Chi phí tuân thủ gồm các chi phí hành chính, giấy tờ, mua sắm thiết bị. Đó cũng có thể là các chi phí khó nhận thấy như: chi phí liên quan đến việc nắm bắt các quy định mới (thuê kế toán, dịch vụ pháp lý, nghiên cứu, phần mềm); thuê nhân viên mới, tập huấn nhân viên cũ để đáp ứng yêu cầu của quy định mới; chi phí theo dõi việc thực thi quy định mới;… Theo tính toán của Tổ chức hợp tác kinh tế châu u (OECD), chi phí trực tiếp bỏ ra cho việc tuân thủ chính sách, pháp luật kể trên thường chiếm từ 4-12% của GDP. Chính vì vậy, việc ban hành chính sách mới bất kỳ, thường được quản rất chặt ở các nước. Bởi nếu chi phí tuân thủ quá cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, tác động đến người dân, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hơn nữa, nó có thể khiến cho đối tượng điều chỉnh của chính sách không muốn tuân thủ, tức là không đạt được mục đích của chính sách.

Cũng trong phiên giải trình kể trên, con số gần 400 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu khiến người dân phải giật mình và nhiều đại biểu Quốc hội bất bình. Nhưng đáng lẽ ra, từ bài học phí bảo trì đường bộ với xe máy, Quốc hội cần phải yêu cầu cơ quan chấp hành báo cáo chi phí tuân thủ cho việc thực hiện các chính sách phí, lệ phí ấy, để đi đến việc yêu cầu bãi bỏ những chi phí không hợp lý, hơn là chỉ bày tỏ sự bức xúc về việc người dân đang phải oằn mình gánh phí.

Phí và lệ phí liên tục được đưa ra, biến thành công cụ “tận thu” của nhiều địa phương. Nhìn trên góc độ vĩ mô, việc tăng và áp dụng các khoản thuế, phí sẽ làm giảm nghiêm trọng năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực. Việc áp các phí này cũng làm tăng chi phí của toàn xã hội và đánh trực tiếp vào giá của từng quả trứng, mớ rau. Khi người dân không chi tiêu nhiều, giá thành bị đội lên sức mua của nền kinh tế giảm. Nói chúng ta “bóc ngắn, cắn dài” là thế.

An Nguyên

>> Chưa xử phạt chủ xe máy không đóng phí bảo trì đường bộ
>> Phí bảo trì đường bộ: Cứ thu rồi sửa
>> Phí bảo trì đường bộ: Cần sự hợp lý, hợp pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.