Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa

16/05/2014 09:00 GMT+7

Có nhiều kịch bản sân khấu liên quan đến người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi nhưng thường chỉ xoay quanh vụ án Lệ Chi Viên, duy có vở Lam Sơn tụ nghĩa rất được yêu thích trên sóng truyền hình những năm 80 thế kỷ trước là thể hiện giai đoạn Nguyễn Trãi và Lê Lợi “đi tìm nhau” để cùng nuôi chí lớn.

 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
 

Linh Châu vai Nguyễn Trãi, Thanh Tòng vai Lê Lợi trong Lam Sơn tụ nghĩa - Ảnh: T.L
Linh Châu vai Nguyễn Trãi, Thanh Tòng vai Lê Lợi trong Lam Sơn tụ nghĩa - Ảnh: T.L 


Nhà Trần trị vì được 175 năm, sau bị Hồ Quý Ly soán ngôi. Hồ Quý Ly tại vị chỉ 7 năm, rồi đất nước bị quân Minh xâm chiếm. Hồ Quý Ly và nhiều triều thần bị bắt giải sang Trung Quốc, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh - cha của Nguyễn Trãi. Nguyễn Phi Khanh là Hàn lâm học sĩ thời nhà Hồ và Nguyễn Trãi là Thái học sinh, đều là bậc văn tài mưu trí.

Nguyễn Trãi bị tướng Minh là Trương Phụ ra lệnh giết, nhưng Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc tiếc tài ông, nên giam lỏng ở Đông Quan để dụ hàng, mong ông ra phục vụ nhà Minh. Nguyễn Trãi nhất quyết không theo, ngày ngày nhẩn nha làm thơ, dạy học, nhưng vẫn âm thầm viết binh pháp và chiến lược chống Minh, chờ thời cơ tìm được chủ tướng để cùng khởi nghĩa.

Lê Lợi bấy giờ cũng nuôi chí kháng Minh, khoác vỏ ngoài là một hào trưởng khai phá đất đai, trồng lúa, nuôi người, nhưng kỳ thực là để tập hợp lực lượng, dựa vào đất Lam Sơn (Thanh Hóa) làm căn cứ địa. Lê Lợi cũng nghe danh Nguyễn Trãi, sai người đi tìm ông về để hợp sức. Có thể nói, duyên may gặp gỡ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của khởi nghĩa Lam Sơn.

Kịch bản đã viết thật chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa hai người, dĩ nhiên có thêm những hư cấu để hấp dẫn, nhưng cốt lõi là đưa được Nguyễn Trãi và Lê Lợi đến với nhau trong những nỗi niềm khắc khoải trước vận nước, trong những thăm dò, đánh giá, rồi mới dám tin cậy, hết lòng. Vai Nguyễn Trãi do nghệ sĩ Linh Châu đóng đã ra được cái chất tài hoa lịch lãm nhưng cũng đầy khảng khái, anh hùng. Linh Châu vốn có giọng ca đầy đặn và nét diễn chững chạc, nên anh thường vào những vai chí sĩ hoặc võ tướng chính diện. Những câu thơ của Nguyễn Trãi được Linh Châu cất giọng ngâm nghe mà rung động. Rất nhiều bài thơ được lồng vào kịch bản, là cơ hội để khán giả được thưởng thức lại văn tài của Ức Trai tiên sinh. Những vần thơ Nôm cứ lấp lánh như sao Khuê trên bầu trời văn học, lần này lại làm đẹp cho kịch bản, người xem thấm đẫm trong một cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng thơ ấy cũng chứa đựng chí của con giao long muốn bay ra biển lớn, chỉ là ẩn nhẫn nằm chờ xem ai là đồng điệu.

“Ba tám xuân rồi xuân thấy đâu - Cành xuân Đinh Dậu chẳng tươi màu - Thù nhà nợ nước hai vai nặng - Lưới giặc khôn giằng cánh hải âu”

“Năm canh thổn thức lòng Câu Tiễn - Sáu khắc thù nhà tóc Ngũ Viên - Song sách Bình Ngô chưa thấy chúa - Mài son dạy trẻ đã mòn nghiên”

Còn Thanh Tòng vào vai Lê Lợi, Kim Tử Long vai Trần Nguyên Hãn, đều oai phong lẫm liệt. Bên cạnh đó là Lê Sát, Lê Lai, Lê Thạch, Phạm Văn Xảo, Lê Văn Linh… được thể hiện qua dàn diễn viên giỏi như Trọng Nghĩa, Tô Châu, Khánh Tuấn… đủ để làm nên một Lam Sơn bừng bừng lửa dậy. Và những cô đào nổi tiếng như Tài Linh, Thoại Mỹ, Ngọc Đáng… vào những vai hư cấu như nàng Hạnh, nàng Hoa, bà chủ quán nơi bến đò… để làm nên một phông nền dân dã mềm mại cho những nghĩa binh mạnh mẽ kia. Đó cũng là những quần chúng bị quân Minh áp bức, một lòng nổi dậy khởi nghĩa. Kháng chiến phải dựa vào dân, cho nên kịch bản khá đông diễn viên quần chúng, tạo được không khí sôi sục, căm hờn.

Thật sự Lê Lợi lúc ấy trong tay có rất ít quân nên ông rất dè dặt, ẩn mình, có khi chỉ dám lấy vàng ra chuộc những người dân bị quân Minh bắt bớ, và tâm sự của ông cũng khắc khoải như lòng dân Đại Việt. Ôi ta nhớ lại tháng ngày mơ nghiệp lớn, ngựa trắng gươm vàng rong ruổi khắp non sông. Cờ tung bay Ngô tặc hãi hùng, quỳ mọp xuống xin dâng thành trả đất. Hết tủi nhục bao tanh hôi gội sạch, trên dưới ấm no rạng rỡ ánh bình minh. Giữa trời Nam ngự trị ngọn cờ Nam, thỏa chí làm trai thời nước nạn. Tình hình đó khiến Trần Nguyên Hãn bức xúc muốn bỏ đi, muốn nổi loạn. Con nhà võ như Nguyên Hãn chỉ muốn múa gươm đánh trận ngay lập tức. Nhưng Nguyễn Trãi thì khác, ông đủ bình tĩnh như Lê Lợi để nhìn ra cục diện và cũng dư mưu trí để bàn luận chiến lược lớn hơn.

Thế là Bình Ngô sách của ông đã được Lê Lợi tin dùng với chủ trương Nhân nghĩa là gốc, trí dũng là cành, bạo tàn tất bại, nhân nghĩa tất thành. Đại nghĩa chí nhân là vì dân trừ bạo. Ngọn cờ Lam Sơn đã phất cao nơi hội thề Lũng Nhai, kết thúc vở với dư âm hào hùng, tất thắng.

Kịch bản của Nguyễn Xuân Trâm - Trần Huyền Trân, được NSND Thanh Tòng chuyển thể rất ngọt với một phong cách cải lương thuần Việt, không mang hơi hướng tuồng cổ chút nào, và thiết kế nhiều bài lý, bản vắn gần gũi với khán giả, rất thuận lợi để đạo diễn Yên Sơn dàn dựng nên một vở diễn hay.

“Một thời chúng ta có những tuồng sử rất hay, tôi được đóng nhiều vai như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Trực... lòng rất tự hào. Bởi cha ông mình anh hùng quá. Và đóng vai tướng thì mình được diễn oai phong, dõng dạc, thích hơn những vai yểu điệu”. (NSƯT Kim Tử Long)

Hoàng Kim - Vũ Anh

>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
 >> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.