Hành trình Thanh Niên

27/12/2010 11:02 GMT+7

Tôi nhớ lại, lúc tờ Tuần tin Thanh Niên ra đời, nó lẻ loi làm sao. Không có tòa soạn, phải ở nhờ căn nhà 145 Pasteur của T.Ư Đoàn, sau đó chúng tôi chuyển sang 1 ter Nguyễn Thành Ý, rồi chuyển tiếp một lần nữa sang tận quận 5, TP.HCM: 20 ter Trần Hưng Đạo và gần đây mới an cư lạc nghiệp ở 248 Cống Quỳnh.

Chúng tôi khao khát làm một tờ báo cho Hội LHTN Việt Nam, một diễn đàn cho giới trẻ, không phân biệt họ ở thành phần nào, lý lịch gia đình ra sao; họ sinh ra và lớn lên trên dải đất hình chữ S này, không kể quá khứ giàu, nghèo, và họ xuất thân như thế nào và theo như cách cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với thanh niên TP.HCM vào thời điểm sau khi nước nhà thống nhất: Không có ai được chọn cửa để mà sinh ra.

Tôi nói một chút về sự có mặt của tờ Thanh Niên, khi nó vừa ra đời. Anh Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, sau đó là Phó tổng thư ký, Thường trực Hội LHTN Việt Nam, nói với tôi rằng: Phải có một tờ báo dành cho đối tượng rộng rãi của thanh niên Việt Nam. Trước đó, tôi còn làm phóng viên kinh tế của Báo Phụ Nữ Việt Nam, thường trú ở TP.HCM. Phải có một tờ báo dành cho mọi thành phần đối tượng của thanh niên Việt Nam sau khi nước nhà thống nhất và đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh giải phóng với đầy những thách thức mới là điều vô cùng cần thiết.

Tôi nhớ lúc đó anh Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch Hội, anh Nguyễn Minh Triết là Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng thư ký Hội LHTN Việt Nam, anh Đặng Thanh Tịnh, nguyên là Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng trước 30.4.1975 vừa chuyển vào TP.HCM để làm công tác Hội. Chúng tôi gặp nhau ở chỗ là cần phải có một tờ báo để làm diễn đàn rộng rãi cho các tầng lớp thanh niên để họ có một nơi bày tỏ nguyện vọng, tiếng nói trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi được các anh xin về “gầy sòng” cho tờ báo với chức danh Phó tổng biên tập. Tôi nhớ là “dùng dằng” mãi trong thời gian “thử nghiệm”, cho mãi đến năm 1987 anh Vũ Mão mới ký quyết định thành lập tờ báo với tư cách là một ban của T.Ư Đoàn, và lúc đó tôi mới chính thức có quyết định là Phó tổng biên tập, dù từ những số báo mang tên Tuần tin Thanh Niên ra thử với giấy phép nhất thời của Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM từ năm 1975, tôi và một số cộng sự thân tín như anh Hoàng Ngọc Biên, Đỗ Trung Quân, Cao Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Nguyên...  đã cho ra mắt một tờ báo có một hình thức đẹp và rất sang trọng vào thời điểm đó. Hồi đó tôi tự tập hợp bài, rồi biên tập, sửa mo-rát, mọi việc đều làm tất. Vợ tôi cũng dành một thời gian dài để làm thư ký đánh máy cho tờ báo. Tôi đặc biệt cảm ơn anh Hoàng Ngọc Biên, người họa sĩ trình bày và là một nhà báo đi trước đã giúp tôi rất nhiều trong việc trình bày diện mạo của một tờ báo mới mang tên Tuần tin Thanh Niên, trong lúc các phương tiện in ấn và cách trình bày của ta vào thời điểm đó là rất cổ lỗ sĩ.

Tôi nhớ rằng lúc đó, gọi là một tòa soạn nhưng chúng tôi không có tiền, nhân sự thì chúng tôi mời gọi cộng tác, vật tư giấy thì chúng tôi đề nghị các nhà in cấp trước và trả tiền sau.  Chúng tôi đã “đánh liều” đến Công ty lương thực miền Nam của chị Ba Thi để mượn 50.000 đồng. Với bản tính hào hiệp, chị liền cho chúng tôi “mượn”, nhưng sau đó tuyên bố ủng hộ luôn, không đòi nợ “bọn trẻ”.

*** 

Trên đất nước Việt Nam sau 30.4.1975, sự có mặt của tờ Thanh Niên là lạ lùng nhất.  Bởi vì sự có mặt rất lâu của tờ báo Tiền Phong ở Hà Nội với tư cách là cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn, ở địa phương có tờ Tuổi Trẻ của Thành Đoàn TP.HCM. Thế thì có những người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị của ta lại đặt câu hỏi rằng: Có cần thiết phải có một tờ báo của Hội chăng? Có cần thiết khi chúng ta đã nắm chính quyền chuyên chính trong cả nước rồi, lại tiếp tục đi vận động thanh niên vào tổ chức Hội LHTN?

"Tôi sẽ rất lấy làm hạnh phúc nếu được là phóng viên của tờ báo này"

Nhà báo James Thomas Campbell

May thay, những tư tưởng ủng hộ tờ Thanh Niên, diễn đàn của Hội đã đông đảo hơn và giấy phép cho tờ Tuần tin Thanh Niên đã được Ban Tuyên huấn T.Ư đồng ý và Bộ Văn hóa - Thông tin ký cho tờ báo chính thức ra mắt vào ngày 3.1.1986. Hôm nay Thanh Niên chính thức kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của tờ nhật báo, có những lúc đã in ra nửa triệu bản báo giấy mỗi kỳ.  Thanh Niên còn có Thanh Niên điện tử, Thanh Niên tiếng Anh, Tuần san dành cho văn hóa và giải trí, có một giải bóng đá trẻ U.21 quốc gia và quốc tế, có một chương trình Duyên Dáng Việt Nam, một chương trình nghệ thuật lớn của Việt Nam đã dành toàn bộ số tiền thu được cho chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình Quỹ Nhân tài Đất Việt, và đã có trên 8.000 sinh viên học sinh nghèo hiếu học nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn của quỹ này.

***

Sinh thời, nhà báo Trần Bạch Đằng nhiều lần nói với tôi: Báo Thanh Niên đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong một thời kỳ rất đặc biệt của đất nước, giai đoạn chuyển từ bao cấp, tập trung quan liêu sang đổi mới và hội nhập.

Tôi có thể nói rằng, với những gì chúng tôi trải nghiệm, đo đếm được và có thể xác minh được bởi những tác động của tờ báo vào thực tế đất nước và giới trẻ. Vào những ngày tờ báo mới góp mặt, chúng tôi đã hừng hực khí thế với việc phải thay đổi những quy chế tuyển sinh vào đại học của những năm đầu thập niên 1980. Qua cuộc chiến tranh giữ nước hàng thế kỷ của dân tộc ta, trong đó có cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc trong suốt hai mươi năm với người Mỹ, cuộc chiến tranh đã để lại những hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp người Việt với nhau, do đó không có lý do gì việc vào đại học của con em ở những gia đình có liên quan đến chế độ cũ lại được đặt thành vấn đề để con em của họ không được vào đại học vì các lý do do lịch sử để lại.

Báo Thanh Niên lúc đó đã mạnh dạn đưa ra trường hợp của Hà My ở Thuận Hải và đặc biệt là trường hợp của Nguyễn Mạnh Huy ở tỉnh Nghĩa Bình, 3 lần thi đậu vào đại học mà không được đi học. Cách đặt vấn đề đó đã được đưa vào diễn đàn Đại hội Đoàn toàn quốc, đã được lên bàn vấn đề nóng bỏng của giới trẻ với Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Trần Hồng Quân, đã được đông đảo giới trẻ của các thành phần trong xã hội đồng tình.  Tôi nhớ lúc đó, đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư có công văn cho Tỉnh ủy Nghĩa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình Tô Đình Cơ đã có ý kiến để Nguyễn Mạnh Huy được đi học. Và trên thực tế, từ đó các chính sách tuyển sinh không còn ngăn cản những học sinh giỏi nhưng có lý lịch “xấu” vào đại học.

Tôi nhớ lại anh chị em trong tòa soạn, và các phóng viên nội chính của báo đã đối phó như thế nào, khi từ năm 1995 đã vào cuộc với biết bao gian khó để cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật chống lại tội ác của tập đoàn Năm Cam, những thủ đoạn khó lường của một cách hành xử có tổ chức của mafia thực thụ đang bắt đầu có mặt ở Việt Nam. 

Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo kỳ cựu James Thomas Campbell, từng là chuyên gia cố vấn truyền thông cấp cao của Chính phủ Anh, từng là phát ngôn viên của Thủ tướng Anh đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời tham gia giảng dạy khóa bồi dưỡng cho công tác phát ngôn vào năm 2005 lại có những ý kiến giảng dạy cho các học viên của mình, nói về Báo Thanh Niên  như sau: Thanh Niên là tờ báo lên đến 2 triệu bản/tuần khiến nó trở thành một trong những tờ báo có số lượng lưu hành lớn nhất ở Việt Nam. Tôi thấy đây là tờ báo có cách đưa tin ấn tượng nhất, hấp dẫn nhất và chuyên nghiệp nhất. Ông kết luận với các học viên: “Tôi sẽ rất lấy làm hạnh phúc nếu được là phóng viên của tờ báo này”.

Cũng không phải là ngẫu nhiên, khi ông Mel Opotowsky trao đổi e-mail với nhà báo Nguyễn Quang Thông, có đề nghị với tôi cho phép ông sử dụng một bài báo của tôi viết nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng 21.6.2006 để ông dùng như một tài liệu giảng dạy cho lớp hành chính của ông tại Đại học bang California, Fullerton. Sau khi đọc bài báo đó và sử dụng để giảng dạy về báo chí Việt Nam, ông cho anh Quang Thông và chị Thục Minh (phóng viên quốc tế của Thanh Niên) biết rằng, không tưởng tượng nổi là bài báo đó được các cử tọa nhiệt liệt hoan nghênh và tán thưởng đến mức làm ông ngạc nhiên.

Với tôi, một nhà báo “Cộng sản” của Báo Thanh Niên, ở một nước mà Mỹ thường cho rằng chưa có nhiều quyền tự do cho báo chí, lại được một giáo sư đại học nổi tiếng và là thành viên có trọng lượng trong ban giám khảo giải báo chí toàn quốc Mỹ Pulitzer đánh giá cao và được dùng làm tài liệu giảng dạy ở một trường đại học danh giá của nước Mỹ, đó là một sự đánh giá không chỉ dành cho tôi mà là dành cho cả một tờ báo Thanh Niên, một tập thể những người làm Báo Thanh Niên, nơi tôi đang công tác. 

Nguyễn Công Khế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.