Thương lắm đôi chân trần

20/11/2010 10:57 GMT+7

5 giờ sáng, nắng sớm chưa kịp lên, đôi tay nhỏ khẳng khiu của cô bé tuổi 13 đã dắt díu đàn em, lội bộ, băng dốc đến trường. Đôi chân trần rướm máu mỗi khi mưa gió vì đường trơn sợ trợt nên dép phải xách tay. Hành trình có khi gần 40 cây số mỗi ngày ấy, với em rất đỗi bình thường. Nhưng dưới mắt tôi, đó đích thực là một cuộc đua ma-ra-tông tìm chữ.

Măng, điều và... hũ gạo trơ đáy

Từ trung tâm xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đến nhà cô bé người dân tộc Stiêng học giỏi Điểu Thị Oanh phải qua hàng chục cây số đường núi, nhiều đoạn dốc lởm chởm đá sắc. Căn nhà vách lá mái tranh tềnh toàng, chỉ khoảng 35m2, lọt thỏm giữa những tán cây rừng, nằm giáp biên giới Campuchia. Nhà tối om, không có gì đáng giá. Một cái bàn gỗ, trên đó có vài quyển tập, cây bút, đặt sát chiếc giường tre cũ kỹ. Sau vách nhà trên, một gian bếp trống hoác, 3 miếng đá được kê hình tam giác làm bếp lò. Trong không gian ấy, khuôn mặt bé Oanh sáng rực với nụ cười và ánh mắt hồn nhiên, trong vắt.

Nhưng câu chuyện với chúng tôi dường như ngay lập tức biến cô bé ấy trở thành một con người khác với nỗi lo toan cơm áo. “Nhà cháu di cư từ Bù Gia Mập đến nên không có nương rẫy. Ba mẹ cháu phải đi hái măng thuê tận Tây Ninh, thường cuối tháng mới đem tiền về mua gạo”, miệng nói nhưng tay chân cô bé vẫn thoăn thoắt dọn cơm. Bữa trưa của bốn chị em và bà ngoại già 70 tuổi là nồi cơm lưng lửng một phần gạo hai phần sắn, dĩa măng luộc và chén nước mắm.

“Từ giữa tháng 7 năm nay, trời nắng hạn, măng mọc không nhiều, ba mẹ nó không gởi tiền về được, nó buổi sáng đi học, buổi trưa nào không học thì lên rẫy mót hột điều để có tiền đong gạo”, bà của Oanh buồn bã. Thấy mấy đứa em vét đi vét lại mấy hạt cơm còn dính đáy nồi, giọng Oanh run run: “Hôm qua cháu mót đến tối nhưng vẫn không đủ tiền mua gạo. Lúc sáng còn vét được ít gạo dưới đáy lu để nấu độn với sắn, chứ chiều nay chắc ăn toàn sắn luộc”.

4 năm, 20 cây số với chiếc xe đạp ước mơ

5 giờ sáng, mặt trời chưa kịp lên rõ đường, Điểu Thị Oanh đã đánh thức các em dậy để đưa chúng đến trường nhánh, rồi mình đến trường điểm. Trưa học xong, Oanh tất tả quay về trường nhánh đón các em về nhà, xong lại vội vã quay lại trường để học buổi chiều. Tính ra, Oanh đi bộ gần 20 cây số mỗi ngày, những hôm học 2 buổi, đường đến trường dài gấp đôi, gần 40 cây số. “Cháu sợ nhất đi học lúc trời mưa, rắn bò ra đường nhiều lắm, trời cũng nhanh tối hơn nên cháu phải vừa đi vừa chạy mới về nhà trước lúc trời tối”, Oanh kể. Vậy mà 4 năm học qua, theo lời cô Nguyễn Thị Quang Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A3 của Oanh, em không vắng buổi học nào. Đầu năm nay, Oanh nhận được 2 suất học bổng của Hội Khuyến học và Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước. Cô Trinh mừng quá, đến nhà vận động gia đình mua cho Oanh chiếc xe đạp mà từ lâu em mơ ước. Thế nhưng, cuối cùng giấc mơ cũng tan biến. 500.000 đồng ấy, Oanh đã dùng để đổ đầy lu gạo, để ba mẹ đỡ lo cái ăn hơn tháng trời!

Nhà có 4 chị em nhưng tập, bút, bảng con… mỗi thứ chỉ có 1, 2 cái. Oanh nhường hết cho em. Với “gia tài” một cuốn tập mỏng và cây bút chì, sách thì đến lớp mượn bạn học ké nhưng cô giáo Mã Thị Linh, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thiện Hưng, cho biết: Tại các cuộc thi vẽ tranh, vở sạch chữ đẹp, toán đố hàng năm của trường, người đứng đầu không ai khác chính là Oanh. 4 năm liền, Oanh luôn dẫn đầu học sinh toàn trường về nhiều mặt, là học sinh xuất sắc, điển hình vượt khó, học giỏi. Năm 2009, Oanh còn mang về cho trường niềm vinh dự lớn với giải nhất cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh cuộc thi “Giao lưu tiếng Việt với chúng em”. Cô Linh, người có thâm niên đứng lớp lâu nhất tại Trường Tiểu học Thiện Hưng, ví von: Oanh không chỉ như cái máy kéo các bạn người dân tộc thiểu số đến trường đều đặn mà còn là thỏi nam châm giúp các thầy cô thêm niềm tin, sức mạnh bám trường, bám lớp.

Câu chuyện cuối cùng được nghe kể về Oanh khiến chúng tôi hết sức bất ngờ. Đó là việc cô bé đã từng bị ép lấy chồng vì nạn tảo hôn khi vừa qua tuổi 12. Không muốn lấy chồng, Oanh tìm đủ cách trốn nhà đi học, đêm ngủ luôn lại trường. Khi biết chuyện, giáo viên, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương phải thay nhau xuống nhà vận động, nhưng cũng khá lâu gia đình em mới thay đổi ý định. Sao không chịu lấy chồng? Oanh thỏ thẻ bằng tiếng Việt rất chuẩn: “Lấy chồng rồi, sao em đi học? Mà không đi học, làm sao trở thành cô giáo để dạy mấy em chưa biết chữ nhưng không được đi học trong ấp…”. Một mơ ước giản đơn nhưng với bé Oanh thật không đơn giản chút nào! Đường dốc, đá lởm chởm… Thương quá đôi chân trần lội mưa của em!

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.