Giống lúa của 'Hai Lúa' xứ Nghệ xuất ngoại

02/06/2014 14:00 GMT+7

Giống lúa màu tím do ông Phan Văn Hòa, một nông dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) lai tạo và sở hữu đang mang lại thu nhập cho người trồng cao hơn 1,6 lần so với giống lúa khác.

Giống lúa màu tím do ông Phan Văn Hòa, một nông dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) lai tạo và sở hữu đang mang lại thu nhập cho người trồng cao hơn 1,6 lần so với giống lúa khác. 

Giống lúa của “Hai Lúa” xứ Nghệ xuất ngoại
Ông Phan Văn Hòa (thứ ba, trái sang) giới thiệu giống lúa màu tím đang được trồng khảo nghiệm tại huyện Yên Thành với lãnh đạo tỉnh Nghệ An - Ảnh: K.Hoan

Sau thành công của giống lúa thuần AC5, người cựu binh, nông dân Phan Văn Hòa tiếp tục mày mò lai tạo giống lúa màu tím. Sau gần 2 năm mò mẫm hết đồng ruộng đến phòng kín, năm 2007, ông chính thức cho ra đời giống lúa màu tím khác lạ. Tuy nhiên, để giống lúa này đứng được trên đồng ruộng, ông Hòa phải tiếp tục đổ rất nhiều mồ hôi, công sức.  

Khi ruộng lúa trổ bông với những bông lúa màu tím Huế khác thường, nhiều người tưởng lúa bị sâu bệnh lạ. Một số cán bộ đến xem không tin, lắc đầu nguầy nguậy. Thuyết phục bằng lời, rồi cam kết thu mua với giá cao gấp đôi loại lúa lai, thậm chí sẽ bồi thường cho dân nếu năng suất không đạt…, cuối cùng, ông Hòa mới thuyết phục được người dân và cán bộ địa phương để được trồng thử nghiệm. Sau khi thu hoạch, thấy lúa đạt năng suất, cam kết thu mua của ông được thực hiện, người dân bắt đầu an tâm.  

Năm 2013, sản phẩm gạo màu tím này được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) đánh giá là loại gạo chứa nhiều hàm lượng canxi, sắt, vitamin A, Omega…, có tác dụng tốt cho sức khỏe, kháng ung thư, tốt cho tim mạch. Vì vậy, ông Hòa đã đặt tên cho giống lúa này là lúa thảo dược.  

Vụ hè thu năm nay, giống lúa thảo dược này đã được trồng khảo nghiệm ở nhiều tỉnh trong nước với gần 1.000 ha, với năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha. Đặc biệt, ông còn mang sang Lào trồng khảo nghiệm 112 ha ở tỉnh Champasak, đạt năng suất 9 tấn/ha. “Người dân và cán bộ chính quyền địa phương, thậm chí cả tôi cũng kinh ngạc vì năng suất đạt cao như thế”, ông Hòa nói. Ông cũng cho biết loại lúa này dễ trồng, được hướng dẫn kỹ thuật chu đáo nên dễ chăm sóc và đang được nhiều địa phương tìm đến đề nghị trồng thử nghiệm. 

Loại lúa này hiện nay đang được ông Hòa thu mua với giá 9 triệu đồng/tấn và mua cả rơm với giá 1.000 đồng/kg (tương đương khoảng 16 triệu đồng/ha). Ông Nguyễn Sĩ Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Nghệ An, đánh giá: “Với giá thu mua này, hiện giống lúa màu tím của ông Hòa cho thu nhập cao 1,6 lần so với các loại giống lúa khác”. 

Ông Hòa cho biết nhu cầu thị trường đối với loại gạo này đang rất lớn, doanh nghiệp của ông vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Hiện một số đối tác từ Nhật, Hàn Quốc cũng đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác để xuất khẩu sang các nước này. 

Điều đặc biệt đối với loại lúa này là rơm của nó rất có giá trị. Ông Hòa vừa cho ra đời loại trà được làm từ rơm và gạo của loại lúa này. “Nhờ lúa được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, không sử dụng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nên nó rất an toàn cho người sử dụng”, ông Hòa khẳng định. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy trong loại trà này chứa nhiều hàm lượng Vitamin A, Omega 3, Omega 6, Omega 9, can xi. 

Ông Hòa cũng cho biết sau thành công của giống lúa màu tím này, ông đang tiếp tục lai tạo giống lúa với các màu sắc khác, với hy vọng giúp người nông dân có thêm cơ hội khá giả hơn từ ruộng đồng.

Khánh Hoan 

>> Giống lúa chịu mặn, năng suất cao
>> Viện lúa ĐBSC cung cấp 60 - 70% giống lúa cả khu vực
>> Đột phá về giống lúa chống hạn
>> Sản xuất thành công giống lúa “siêu chịu mặn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.