Mỏ cá Cửu Long

06/12/2005 14:52 GMT+7

Lượng nước sông Cửu Long đổ ra biển trung bình hàng năm khoảng 500 tỉ m3. Mực nước trên lưu vực sông phân định thành hai mùa tương phản rõ rệt: mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 chiếm đến 90% tổng lượng nước hàng năm. Từ mực nước thấp vào mùa khô có thể tăng khoảng 15m vào đỉnh lũ. Vì thế mùa nước lên của sông Cửu Long cũng chính là mùa cá, mùa làm ăn của ngư dân.

Ký ức chưa xa

Các bậc kỳ lão ở vùng Cao Lãnh kể rằng, cách nay chưa xa, mùa lũ năm 1978, cá linh từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về tràn lên lội bạc sáng cả nước đồng. Muốn ăn cá linh cứ việc cầm vợt đứng trên sàn nhà mà vớt, mỗi dợt dư một người ăn. Cá linh không lớn, chỉ cỡ ngón tay đến ngón chân cái của người lớn, nhưng ăn rất ngon, chế biến đủ loại từ chiên bột, kho mía, làm chả, nấu canh chua bông điên điển…

Do cá linh khó giữ cho sống sau khi bắt được, khó có khả năng chuyên chở xa, sản lượng lại quá lớn nên trước đây ít người khai thác. Thời xa xưa người ta chỉ bắt cá linh để nấu lấy mở thay dầu thắp đèn. Vùng Hòa An, Cao Lãnh nổi tiếng lâu đời với loại thuốc lá ngon, đặc biệt là thuốc Siêm Mẳn. Cái sự nổi tiếng ngon của cây thuốc này là do người dân trồng thuốc đã bón cây bằng một loại phân đặc biệt làm từ cá linh, nên năm nào lũ cao, cá linh trúng mùa, thì mùa thuốc Hòa An càng thêm đặc sắc.

Trên con sông Vàm Nao, một chi lưu nối thông từ sông Tiền qua sông Hậu nằm giữa hai huyện cù lao là Phú Tân và Chợ mới của tỉnh An Giang vẫn tồn tại từ hơn trăm năm qua cho đến bây giờ một xóm lưới chuyên đánh bắt cá hô, một loại cá họ chép nhưng có trọng lượng khổng lồ, có con lên đến 200kg.

Vòng tuần hoàn cá, nước

Di cư liên tục là tập tính sống phổ biến của nhiều loài cá có mặt trên sông Mê Kông. Trước mùa lũ, rất nhiều loài ngược thượng nguồn lên đẻ trứng ở dòng chính trên vùng nam Lào và bắc Campuchia, sau đó nương theo lũ, cá bột và cá con xuôi về những cánh đồng ngập nước hạ nguồn ở nam Campuchia và ĐBSCL cách xa hơn 500 km để sinh sống và phát triển. Ở đây nhịp lũ là yếu tố quyết định tập tính sinh tồn và nhịp sống của mùa cá.

Quá trình khảo sát cho thấy vào tháng 6 và tháng 7 là thời điểm xuất hiện cá con nhiều nhất trong năm ở ĐBSCL. Hệ thủy tộc này có 3 dạng sinh sản:

1. Các loài di cư xa lên thượng nguồn để đẻ trứng gồm có cá tra, cá ba sa, vồ đém, cá chài… Thời gian đẻ trong hai tháng 6 và 7. Bãi đẻ tập trung cao ở tỉnh Strungtreng và Kratie phía bắc Campuchia.

2. Các loài di cư gần, đẻ ở vùng ngập ven sông gồm cá mè vinh, he vàng, mè dảnh… Thời gian đẻ cũng trong 2 tháng 6 và 7.

3. Các loài có thể sinh sản tại chỗ là cá thác lác, cá lóc, lóc bông, rô đồng, bóng tượng, cá trê… Thời gian đẻ trứng của nhóm cá này kéo dài hơn từ tháng 7 đến tháng 9.

Cả 3 nguồn cá giống trên đều tập trung về phát tán và sinh sống trên vùng môi trường ngập lũ hạ nguồn, biến ĐBSCL thành cái túi chứa thủy sản nước ngọt khổng lồ. Và cứ thế, sau mùa lũ, nhưng con cá trưởng thành lại tiếp tục theo các chi lưu về lại sông mẹ, để rồi tiếp tục vòng tuần hoàn.

Mỏ cá nước ngọt của thế giới

Vùng xuất hiện cá bột và cá con của họ cá da trơn nhiều nhất trên lưu vực Mê Kông là từ sông Tonglesap (Campuchia) kéo dài xuống gần biên giới Việt Nam. Từ hơn trăm năm qua, ngư dân vùng Châu Đốc và Hồng Ngự, hai huyện đầu nguồn của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã biết ngược thượng nguồn sang nước bạn để vớt cá bột về ươm nuôi thành nguồn cá giống bán ra cho cả vùng Nam Bộ. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ toàn khu vực khoảng 22.000 ha. Cũng từ đây xuất hiện nghề nuôi cá lồng bè trên sông. Từ năm 2000 đến nay, khi con giống cá tra và cá basa được cho đẻ nhân tạo thành công trên đất Việt Nam, nghề nuôi cá trở nên thịnh phát, biến khu vực ngập lũ sông Cửu Long thành vùng sản xuất cá da trơn lớn nhất thế giới. Sản lượng cá da trơn ở ĐBSCL trong năm 2004 là 450.000 tấn, tăng 150.000 tấn so với năm 2003.

Mê Kông là con sông giàu cá tôm đứng hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Người ta thống kê được trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông thuộc Việt Nam có hơn 1.200 loài thủy sản, trong đó hơn 60 loài có giá trị kinh tế, tập trung ở hai họ cá Chép (Cyprinidae) va cá Tra (Pangaciidae), sản lượng ước tính có đến 2 triệu tấn/năm. Trong thực tế, khu vực này đóng góp đến 85% tổng sản lượng thủy sản nội địa khai thác được của cả nước.

Cho đến hiện nay, cá nước ngọt vẫn là loại thực phẩm phổ biến, nếu không nói là chủ lực ở các chợ Nam Bộ, nhất là Sài Gòn và các tỉnh nằm trong lưu vực sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ.

Chợ cá Chánh Hưng tại TP.HCM hiện là nơi tập kết lớn nhất mặt hàng cá nước ngọt từ ĐBSCL. Từ 3h00 khuya cho đến sáng, cá từ chợ đầu mối này được đưa đến các chợ lẻ khắp thành phố và tỏa ra các tỉnh miền Đông Nam bộ. Buổi sáng, cứ dạo một vòng các chợ thực phẩm trong thành phố sẽ thấy rõ năng lực cung ứng cá nước ngọt của vùng châu thổ cho thị trường tiêu thụ Sài Gòn, một mối cung cầu thiết yếu trong đời sống thường ngày, đã tồn tại lâu đời và bền vững.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.