Chuyện buồn thừa kế

13/10/2012 10:40 GMT+7

Giọng người chị buồn não: “Tôi sống đến từng tuổi này làm sao không hiểu đạo lý: người đời trước bất hòa sẽ khiến con cháu đời sau ghét bỏ nhau”.

Nội dung vụ án tranh chấp di sản thừa kế xét xử sơ thẩm tại TAND TP Cần Thơ có thể tóm tắt như sau: Họ có ba anh em. Cha mẹ lần lượt qua đời để lại 3ha đất không di chúc. Em trai canh tác trên 3ha đất đó. Chị và người cháu tên T. (con người em út - đã chết) yêu cầu người em chia lại cho mỗi người vài công đất. Người em không đồng ý nên bị chị và cháu kiện ra tòa.

Nắng nhạt

7g sáng. Nắng mùa hè tràn qua cửa chính rải trên những dãy ghế chỉ có bốn người khiến phòng xử rộng thênh. Dãy ghế bên trái gồm người chị - bà V. trên 60 tuổi, cháu trai trạc 30 tuổi. Dãy bên phải, người em - ông H., và con của ông. Hai bên không nhìn nhau, bóng của họ đổ dài song song, ngăn cách bởi lối đi chỉ khoảng 1m...

Tòa mời hai đương sự lên đứng trước bàn trình bày. Người em lên trước. Người chị lên sau, lỡ chạm vào tay em. Người em vội xích ra xa.

Người em trình bày nguồn gốc đất không phải của cha mẹ, mà là của địa chủ. Sau ngày 30-4-1975, Nhà nước thu hồi, đưa vào tập đoàn sản xuất, khi tập đoàn giải thể giao lại ông canh tác. Sau đó ông đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy đất thuộc chủ quyền của riêng ông. Rồi ông nói thêm: “Huống hồ thằng T. chỉ là cháu, nên nó đâu có quyền gì mà đòi tôi chia đất”. Người chị cho rằng đất do cha mẹ mua lại, được chế độ cũ cấp bằng khoán điền thổ. 3ha đất không bị Nhà nước thu hồi và cũng không đưa vào tập đoàn sản xuất.

Tòa kết luận rằng người chị đã cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh rằng đất do cha mẹ mua. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã xác nhận rằng phần đất không bị Nhà nước thu hồi và không đưa vào hợp tác xã. Vì vậy có cơ sở khẳng định đất là của cha mẹ hai bên. Tuy nhiên do người cha mất năm 1992, đến năm 2009 bà V. mới khởi kiện nên không còn thời hiệu phân chia di sản thừa kế (10 năm). Vì vậy 1,5ha đất của cha, người em được hưởng hết. Riêng phần di sản của người mẹ - mất năm 2000, sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể sẽ được chia đều cho hàng đồng thừa kế thứ nhất gồm ba chị em bà V. mỗi người được 0,5ha. Người cháu T. sẽ được thừa kế phần của cha mình.

Bốn tháng sau. Mưa suốt đêm. 8g sáng bầu trời mùa đông vẫn xám xịt. Không khí giá buốt tràn vào khiến bóng đèn trong phòng xử phát ra ánh sáng lạnh. Phòng xử chỉ có bốn người. Phiên tòa do Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử lưu động tại TAND TP Cần Thơ, bởi người em đã kháng cáo. Người em xoay lưng lại phía chị mình. Còn người con thỉnh thoảng nhìn sang cô và em họ bằng những tia sắc lạnh, rắn đanh.

Giá rét mùa đông

Phiên tòa bắt đầu. Tòa chưa đi vào phần nội dung mà trước tiên hỏi người em có rút kháng cáo để hòa giải không? Chủ tọa giải thích: “Tổng cộng ông được tới 2ha. Còn chị và cháu mỗi người chỉ có 0,5ha. Thôi thì ông rút kháng cáo, để chị em, chú cháu cùng được hưởng một phần lộc của cha mẹ, ông bà mà sống vui vẻ, hòa thuận với nhau. Chắc cha mẹ ông khi tạo lập cơ ngơi cũng muốn như vậy”. Người em vẫn quyết không rút kháng cáo.

Giọng người chị buồn bã: “Tôi gặp khó khăn trong chuyện mần ăn, nếu không có tiền trả sẽ vỡ nợ. Còn thằng cháu, cha mẹ mất hết, côi cút, vợ chồng nó cũng túng thiếu. Trong khi H. chỉ có một đứa con, lại rất dư dả nên tôi mới yêu cầu chia đất, chứ tôi rất khổ tâm. Ruột rà máu mủ, hơn thua làm gì. Tôi sống đến từng tuổi này, làm sao không hiểu đạo lý khi người lớn bất hòa sẽ khiến con cháu đời sau ghét bỏ nhau”.

Tòa kiên nhẫn hỏi người em rằng giờ chị và cháu gặp khó khăn, ông có nghĩ lại mà rút kháng cáo không? Người em trả lời bằng giọng dứt khoát: “Tôi cũng còn con, cháu. Chẳng qua giờ thấy đất có giá nên mới tham tiền kiếm chuyện thưa kiện. Tôi không rút kháng cáo”.

Tòa bắt đầu vào phần xét xử. Khác với phiên sơ thẩm, người em đồng ý với nguyên đơn rằng nguồn gốc đất do cha mẹ tạo lập. Tuy nhiên ông vẫn giữ lời khai 3ha đất trước đây bị Nhà nước thu hồi và đưa vào tập đoàn. Ông đứng ra nhận sản xuất nên khi hợp tác xã giải thể, số đất đó mới được cấp lại cho ông. Nếu không đất đã bị cấp cho người khác rồi. Tòa đưa ra bằng chứng bác bỏ rằng chính quyền địa phương đã xác nhận rằng phần đất không bị Nhà nước thu hồi và không đưa vào hợp tác xã.

Tòa nghị án. Hai người trẻ đi ra ngoài. Người chị quay sang nhìn người em. Người em vẫn ngồi quay lưng về phía chị mình, mắt hướng ra cửa sổ, nơi gió thổi vật vã những cành cây, ném vào phòng luồng không khí lạnh khiến cả hai người đầu bạc ngồi co ro trong phòng xử rộng thênh...

Hai người trẻ đứng trong đại sảnh. Phía bị đơn nói trỏng: “Thứ tham lam, ngang ngược, rồi cũng không ngóc đầu lên nổi...”. Nguyên đơn cự lại: “Anh có nói ngược không. Đất của ông bà nội để lại, bác và anh hưởng gần hết, cô và tôi chỉ có được mấy công...”. Những lời nặng nhẹ tuôn ra đến khi bảo vệ yêu cầu giữ trật tự thì cả hai mới ngưng.

Tòa bác đơn kháng cáo của người em, tuyên y án sơ thẩm. Mọi người lục tục ra về. Bầu trời vẫn nặng màu chì, mưa lại bắt đầu rơi lâm râm. Gió thổi quất ràn rạt khiến những hạt mưa bay xiên xiên và khiến bước chân người chị xiêu xiêu. Khi cô cháu ra đến bãi xe thì cũng đúng lúc hai cha con người em dắt xe ra khỏi bãi, người con trai nói lớn: “Cha đừng lo. Chưa xong đâu, còn giám đốc thẩm nữa. Thưa tới cùng, tận trung ương. Thứ chỉ biết có tiền chứ không biết gì hết...”. Không biết tại cái lạnh của gió, của mưa hay vì cái lạnh của câu nói mà mặt người chị tái ngắt, người rúm lại. Người cháu một tay nắm chặt tay cô mình, tay bên kia nắm lại thành nắm đấm...

Theo Minh Tâm / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.