Hoàng Kiều: Triệu phú của người nghèo

09/12/2006 22:36 GMT+7

Một ngày bình thường của ông bắt đầu bằng việc dậy sớm, thực hiện bài chạy bộ hơn 8 cây số trên con đường gần nhà ở Westlake, bang Cali. Hoàng Kiều, doanh nhân gốc Việt từng có dịp gặp gỡ Tổng thống George Bush khi ông đoạt giải Doanh nhân của năm tại Mỹ năm 2005 là một người nghiện công việc và nghiện... làm từ thiện.

Hiện là Tổng giám đốc của Tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm từ huyết tương RAAS (Rare Antibody Antigen Supply Inc) có mạng lưới rộng khắp nước Mỹ và chi nhánh tại Trung Quốc, Hoàng Kiều vốn nổi tiếng là người chi mạnh tay cho các dự án từ thiện. Riêng tại Việt Nam, chỉ từ tháng 6.2006 đến nay, Công ty RAAS Hoàng Gia của ông đã chi đến 20 tỉ đồng để xây hơn 1.000 nhà cho người nghèo, cứu trợ lũ lụt và giúp đỡ các trẻ em tàn tật. Thông qua quỹ từ thiện của Báo Thanh Niên, ông đã đóng góp 1,5 tỉ đồng, trong đó 1,3 tỉ dành riêng cho việc xây 130 căn nhà tình nghĩa.     

Rời Việt Nam năm 1975,  Hoàng Kiều cùng vợ và 5 người con sang định cư tại Thousand Oaks, bang Cali. 31 năm sau, ông trở thành chủ nhân của một tập đoàn lớn có hai nhà máy sản xuất ở Thượng Hải và tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Dưới quyền ông là 1.000 nhân viên, trong đó 80% có bằng đại học, nhiều người có học vị tiến sĩ. Hiện nay, Shanghai RAAS  chiếm 50% thị trường Trung Quốc và là công ty đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ huyết tương tại Trung Quốc, đồng thời có mặt trong top 500 công ty lớn nhất tại quốc gia này.

Đối với thị trường trên thế giới, công ty của RAAS tại Trung Quốc chỉ xuất cảng 20% tổng số lượng sản phẩm sản xuất ra hằng năm. Trao đổi với Thanh Niên, ông Kiều cho biết  3 sản phẩm chính yếu của tập đoàn này như  GammaRAAS, HemoRAAS, AlbuRAAS hiện chiếm lĩnh 100% thị trường ở một số nước Trung Mỹ.  Trong thời điểm hiện tại, chỉ có 10 công ty trên thế giới tham gia sản xuất các sản phẩm từ huyết tương với doanh thu mỗi năm 10 tỉ USD. Ông tự hào nói rằng RAAS là 1 trong 2 đại diện của Mỹ trong số 10 công ty này. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên: liệu ông có ý định xây dựng tại Việt Nam một nhà máy tương tự như ở Trung Quốc không, ông Hoàng Kiều cho biết:  "Đó là mơ ước của tôi. Tôi đã từng tiên phong giúp Trung Quốc trong lĩnh vực này, cho nên không có lý do gì để tôi không muốn lập lại vai trò đó ở Việt Nam. Nhưng hiện tại tôi  đang nghiên cứu giải bài toán kinh tế bởi thị trường Việt Nam còn nhỏ, chỉ ở mức 5,7  triệu đô la mỗi năm".  

Sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Hoàng Kiều xuất thân từ một gia đình nho giáo. Ông nội ông vốn là một vị quan triều đình Huế. Khi tâm sự với chúng tôi về ký ức tuổi thơ mình, Hoàng Kiều cho biết đó là những mái tranh nghèo. Ông còn nhớ, thuở ấy trong làng, chỉ duy nhất nhà của ông nội mình được lợp ngói đỏ. Sau bao nhiêu năm xa cách, ông về thăm lại quê hương, tuy là người có nhiều của cải trong tay, Hoàng Kiều vẫn đồng cảm với nỗi khổ của nhiều người dân nghèo phải sống dưới những mái nhà tạm bợ. Chỉ riêng 6 tháng trở lại đây, ông đã bỏ tiền xây 101 căn nhà cho đồng bào Quảng Trị, trong đó có căn nhà trị giá 500 triệu đồng cho một bà mẹ Việt Nam anh hùng.


Bìa phải là Hoàng Kiều, bên cạnh ông là Nữ hoàng trang sức 2005 Vương Thị Thanh Tuyền, bìa trái là Linh mục Phan Khắc Từ trong một lần đến Trung tâm Thiên Phước thăm trẻ bị nhiễm chất độc da cam

Khi mới lên 5, cậu bé Hoàng Kiều được người chú - cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - đưa vào Sài Gòn nuôi ăn học. Năm 1975, vài tháng sau khi đến Mỹ, Hoàng Kiều xin được việc làm tại Công ty dược phẩm Abbott. 5 năm sau, từ một nhân viên, ông đã lên đến vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương. Trong thời gian này, ông vừa học vừa làm. Công ty Abbott gửi ông đi học ngành Quản trị ở Đại học Santa Barbara từ năm 1976-1979. Bắt đầu từ năm 1980 đến năm 1994, trong vòng 14 năm ông đã xây dựng 11 trung tâm thâu huyết tương tại Mỹ, chỉ thâu phần nguyên liệu chứ không chế biến thành sản phẩm cuối cùng. Năm 1987, ông đặt nền móng cho cơ ngơi của mình tại Trung Quốc bằng việc thành lập Công ty sản xuất huyết tương Shanghai RAAS tại Thượng Hải.  Đó là kết quả của nhiều năm trời làm việc mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến tận 11, 12 giờ khuya.

Sau hơn ba thập kỷ lập nghiệp trên xứ người, đến nay Hoàng Kiều vẫn hằng ngày để tâm coi sóc việc kinh doanh. Hiện tại, Công ty RAAS Hoàng Gia ở Việt Nam đã giúp bán được các loại trái cây khô và tươi của Việt Nam vào các hệ thống Walmart, Carrefour, Metro, Lotus và các chợ lớn tại Trung Quốc. Theo ông, thị trường rộng lớn này rất hấp dẫn và chúng ta cần phải thâm nhập nhằm giúp nông dân trồng trái cây ở Việt Nam có đầu ra ổn định.  

Càng lớn tuổi, doanh nhân Hoàng Kiều càng đam mê làm từ thiện. Vài ngày nay, từ Mỹ, ông liên tục cập nhật thông tin từ website Báo Thanh Niên về số nạn nhân của cơn bão số 9. Tối nay (10.12), ông Hoàng Kiều sẽ ủy nhiệm nhân viên của mình trao tặng 2,91 tỉ đồng tại đêm ca nhạc có chủ đề Nỗi đau nhân loại nhằm gây quỹ giúp các trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam tại Nhà hát Thành phố (TP Hồ Chí Minh). Trong đó, 1,6 tỉ  đồng sẽ dành riêng cho việc cứu trợ các nạn nhân bão số 9 tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; 660 triệu đồng được dùng để tài trợ cho Hội Thiên Phước do linh mục Phan Khắc Từ sáng lập để phục vụ cho dự án xây dựng trung tâm nuôi dưỡng các trẻ em nhiễm chất độc màu da cam và trẻ mồ côi mắc bệnh hiểm nghèo tại quận 8, TP.HCM.  Số tiền 650 triệu đồng còn lại sẽ được trao cho một số chương trình xây nhà tình thương và quỹ học bổng cho trẻ em nghèo.   

Từ ngày xa xứ, ông Hoàng Kiều vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê hương. Những mái tranh nghèo ở Bích Khê ngày ấy chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí ông. Thông qua Báo Thanh Niên, ông Kiều muốn kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hãy hành động để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Khi được hỏi: "Ông có lời nhắn gửi nào dành cho các bạn trẻ ngày nay?", ông chỉ trả lời ngắn gọn: "Đời là một sự học không ngừng, vì vậy phải luôn luôn cố gắng vươn lên".

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.