Thầm lặng một cung đàn

21/01/2014 14:03 GMT+7

Suốt mấy chục năm qua, nghệ sĩ ưu tú Kim Nghinh (Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh - Trà Vinh) vẫn miệt mài gìn giữ âm nhạc truyền thống.

Thầm lặng một cung đàn
NSƯT Kim Nghinh có hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer - Ảnh: Quỳnh Lam

Con nhà nòi

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Nghinh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại xã Lương Hòa, H.Châu Thành (Trà Vinh). Cha anh là nghệ nhân Kim Lượm nổi tiếng trong vùng. Do hoàn cảnh khó khăn, mới hết lớp 9, Kim Nghinh phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Sau những buổi làm đồng, Kim Nghinh dành thời gian rảnh rỗi tham gia vào các nhóm chơi nhạc của đồng bào Khmer. Anh kể: “Lúc đó, nghe ở đâu có chơi nhạc là tôi quyết làm xong công việc thật sớm để đến xem. Nhìn những bậc tiền bối chơi nhạc ngũ âm tôi rất ngưỡng mộ. Thấy tôi mê quá, cha mới chỉ tôi chơi đàn cò. Những lần đầu kéo đàn nghe rất chói tai, sau thời gian miệt mài rèn luyện, tôi đã chơi thành thạo”.

 

Qua những cung bậc, tôi có thể thả trôi cảm xúc, lắng lòng mình để tìm về những giá trị tốt đẹp của âm nhạc dân tộc

NSƯT Kim Nghinh

Sau khi rành đàn cò, Kim Nghinh bắt đầu tập chơi những nhạc cụ khác trong dàn nhạc ngũ âm. Chính sự say mê đã giúp anh tiếp thu và phát triển nhanh vốn âm nhạc của mình. Bước ngoặc đến với anh vào năm 1982, khi Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tuyển học viên đào tạo nhạc công. “Trước đây, tôi biết đàn cũng chỉ qua học lóm nhưng không rành nhạc lý. Sau 3 năm theo học tại đoàn, tôi có thể chơi các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và lên sân khấu biểu diễn phục vụ đồng bào”, anh Kim Nghinh nói.

Giữ gìn nghệ thuật dân tộc

Được tham gia vào Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, NSƯT Kim Nghinh đã miệt mài lao động nghệ thuật và cùng đoàn có những đêm diễn thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Là một nhạc công, anh không nổi tiếng, không được công chúng biết đến nhiều như những diễn viên, ca sĩ khác. Tuy nhiên, tài năng chơi nhạc cụ của anh đã góp phần không nhỏ tạo nên các bài hát hay, trích đoạn Dù Kê hấp dẫn, tiết mục biểu diễn ngũ âm sâu lắng... Anh tâm sự: “Hơn 30 năm qua, những nghệ sĩ khác đã có một bộ sưu tập thành tích cho riêng mình. Tôi vẫn chưa có gì nhưng được cái là thỏa niềm đam mê. Qua những cung bậc, tôi có thể thả trôi cảm xúc, lắng lòng mình để tìm về những giá trị tốt đẹp của âm nhạc dân tộc”.

Không phải là nhạc sĩ nhưng NSƯT Kim Nghinh cũng thử sức mình ở lĩnh vực sáng tác. Tác phẩm Tình ca (năm 1988) đánh dấu một bước chuyển mới trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh. Từ đó đến nay, anh luôn tự  hoàn thiện khả năng sáng tác nhạc của mình. Nếu ai đã từng nghe các ca khúc như Ơn mẹ, Cô gái đồng quê, Tình chung thủy, Bóng cây thốt nốt, Mùa hoa nở... sẽ thấy xuyên suốt trong các sáng tác của anh là tình yêu quê hương đất nước, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi trong sáng...

Hơn 3 thập niên gắn bó với Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, NSƯT Kim Nghinh đã âm thầm cống hiến cho những thành công của đoàn. Danh hiệu NSƯT được Nhà nước phong tặng vào năm 2007 là ghi nhận cho những đóng góp của anh trong việc giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Nói về những dự định trong tương lai, NSƯT Kim Nghinh chia sẻ: “Hiện nay, nhạc truyền thống vẫn được lưu giữ rất nhiều trong các phum, sóc nhưng chưa có ai đứng ra sưu tầm, ghi chép. Loại nhạc này chủ yếu được bà con truyền miệng nên dễ có nguy cơ mai một. Tôi sẽ sưu tầm lại và tiếp tục mở lớp dạy nhạc lý để các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận sâu hơn với âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer”.

Quỳnh Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.