Việc làm “treo”

07/12/2005 23:17 GMT+7

Nếu như trong lĩnh vực đất đai có dạng quy hoạch “treo”, trong thương mại có hàng tồn kho thì trong thị trường lao động cũng đang có những việc mà doanh nghiệp tìm “đỏ con mắt” vẫn không có ứng viên ưng ý.

Nhận dạng các việc "treo"

Tại công ty Phát triển nguồn nhân lực NetViet, một số công việc nhà tuyển dụng có nhu cầu nhưng tìm hoài chẳng ra ứng viên. Quản lý kinh doanh dược phẩm, phụ trách chi nhánh, quản lý tài chính, kế toán trưởng, nhân viên in bao bì mềm, nhân viên sản xuất gỗ, gốm sứ...  nằm trong top ten những loại việc này. Những công việc trên có mức lương rất hấp dẫn, trung bình từ 1.000 USD đến 1.500 USD/tháng, thậm chí có những vị trí lên đến 3.500 USD/tháng (như vị trí giám đốc tài chính). Tuy vậy, chúng bị "treo" từ tháng này qua tháng khác, thậm chí cả trên 1 năm mà vẫn không có ứng viên khiến công ty tuyển dụng phải trả lại nhu cầu cho "thân chủ".

Trong khi đó, những loại việc "treo" tại Trung tâm (TT) dịch vụ việc làm Thanh niên (4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) thường rơi vào những chuyên ngành kinh doanh đặc thù về dược phẩm, hàng công nghiệp; phiên dịch tiếng Hoa, tiếng Nhật; quản lý các dự án... Một cán bộ tuyển dụng lao động tại TT dạy nghề và giải quyết việc làm (145 Pasteur, Q.3, TP.HCM)  đưa cho chúng tôi một danh sách khá dài các vị trí cần tìm mà họ "bó tay" mấy tháng nay, trong đó doanh nghiệp (DN) cần tuyển thủ kho chuyên nghiệp, nhân viên kinh doanh hóa chất - xử lý nước, trưởng ban quảng cáo... Tại TT dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM), TT Giới thiệu việc làm Votec (Liên đoàn Lao động TP.HCM), các loại việc tồn đọng và khan hiếm lại tập trung vào lao động phổ thông (may, giày da, thủy hải sản, lao động kỹ thuật...).

“Treo” ảo

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế chuyên ngành marketting, Minh Thanh bước vào con đường tìm việc với một tinh thần lạc quan. Thanh nghĩ học lực của mình loại khá, nói tiếng Anh lưu loát, sử dụng vi tính thành thạo. Trong thời gian đi học, mặc dù kinh tế gia đình khá giả nhưng Thanh là một sinh viên năng động, luôn chịu khó đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Một ngày nọ, Thanh đọc được mẩu rao từ một công ty: "Cần tuyển nhân viên kinh doanh với các tiêu chuẩn sau...". Thanh mang đơn đi nộp, lòng phơi phới mơ về một ngày được tự tin làm việc với đối tác, được chủ động xây dựng các dự án kinh doanh cho DN. Thế nhưng, sau 3 tháng làm việc, Thanh vẫn chỉ là một nhân viên tiếp thị suốt ngày chạy ngoài đường mời chào khách mua sản phẩm. Nhảy sang công ty thứ hai, rồi thứ ba, Thanh cũng chỉ là một nhân viên tiếp thị không hơn gì công việc từng làm thêm lúc còn là sinh viên. Gặp lại chúng tôi, Thanh ngao ngán phàn nàn: Họ tuyển các tiêu chuẩn trên trời nhưng cho bọn em làm các công việc dưới đất. Em phải làm việc vất vả mà lương thì quá "bèo"!

Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó giám đốc TT dịch vụ việc làm TP.HCM khẳng định hiện đang có tình trạng "treo" việc ảo. Theo bà Nhung, có những DN cần các vị trí lao động bình thường, thậm chí là lao động phổ thông nhưng khi đăng tuyển thì đưa ra các tiêu chuẩn "hoành tráng", nhằm vắt kiệt người lao động (LĐ) trong nhiều việc "không tên" khác. Sau một thời gian ngắn, người LĐ không chịu nổi phải bỏ cuộc, thế là DN được lợi vì không phải giải quyết việc nâng lương, thưởng và các chế độ khác. Trong khi đó, các DN này cứ đăng tìm người dài dài ở các trung tâm giới thiệu việc làm.

Làm gì để bớt “treo” ?


Nghề may đang rất cần công nhân - Ảnh: N.Lịch

Hiện nay, số lượng những loại việc "treo" chất lượng cao chiếm khoảng 10% - 20% tổng số đầu việc tại Công ty NetViet. Mặc dù chưa phải là con số to tát nhưng theo bà Tam Thanh Thiên Trang - Phó giám đốc Công ty NetViet thì đây cũng là một "vấn đề bức xúc, vì rõ ràng nhu cầu giữa ứng viên LĐ và nhà tuyển dụng không gặp nhau". Trên thực tế, đa số người LĐ ở các vị trí cao thường đã có việc làm ổn định. Do đó, họ rất ngại khi chuyển sang một công ty mới vì ở đó chưa chắc thu nhập, điều kiện làm việc, khả năng thăng tiến... tốt hơn ở nơi họ đang làm. Vậy trong trường hợp không tuyển được người và việc cứ "treo" thì làm sao? "Chúng tôi phải tư vấn với khách hàng hạ bớt một số yêu cầu có thể hạ hoặc đề nghị họ chấp nhận đào tạo thêm cho người LĐ, hoặc phải mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn hơn để đáp ứng nhu cầu của người LĐ" - Bà Thiên Trang nói.

Tại TT dịch vụ việc làm TP.HCM, số việc "treo" và việc khan hiếm chiếm tỷ lệ 30%. Phó giám đốc TT này, bà Nguyễn Thị Nhung cho biết, nếu không tuyển dụng được thì chỉ trong 1 tuần là TT "trả" lại cho DN. Theo bà Nhung, việc "treo" là bài toán khó mà lời giải do chính các DN phải đưa ra. Trong đó, DN phải có kế hoạch giữ người, phải có sự điều chỉnh mức lương, độ tuổi tuyển dụng cho phù hợp với thực tế và cải thiện điều kiện làm việc cho người LĐ. Cùng quan điểm trên, ông Trương Minh Chí - trợ lý giám đốc TT giới thiệu việc làm Votec cho rằng nhiều DN hiện không dám bỏ kinh phí đầu tư đào tạo người LĐ, không chịu nhận những SV chưa có kinh nghiệm... trong khi mặt bằng đào tạo, điều kiện thực hành chuyên môn của học viên, sinh viên còn nhiều bất cập. Ông Chí phát biểu: "Các TT giới thiệu việc làm không nên thụ động mà phải có thông tin hai chiều và tư vấn cho DN để họ hiểu rõ hơn về thị trường LĐ và có những điều chỉnh phù hợp". Dĩ nhiên, xu hướng tuyển dụng ngày càng gắt gao cũng đòi hỏi ngược lại ở người LĐ một sự nỗ lực nâng chất ở chuyên môn nghiệp vụ và khả năng thử thách trong những vị trí mới.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.