Giúp trẻ hoạt động thể chất

11/12/2008 14:30 GMT+7

Đối với trẻ, vận động là một quá trình phát triển. Tiến sĩ Mary S.Rivkin của ĐH Maryland - Mỹ có một số gợi ý trong việc tạo hoạt động thể chất trong ngày cho trẻ.

Những kỹ năng phát triển thể chất

Vận động là một phần cơ bản trong việc định hình tính cách trẻ, nên khi đi dạo công viên với cha mẹ, hãy để trẻ tha hồ chạy nhảy và nhào lộn. Cha mẹ hãy cùng chơi khi trẻ thử nghiệm những kỹ năng phát triển thể chất đó.

Trẻ cần tập thể dục nhiều như cần đọc sách. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa sức khỏe toàn diện với kết quả học tập của trẻ. Thể thao có thể ảnh hưởng đến mọi thứ từ cách hành xử của trẻ đến khả năng tập trung học tập. Trẻ cần ngọ nguậy, sung sức và luôn chuyển động.  Kết hợp tất cả các loại hình vận động (nhảy xa, nhảy dây, bò trườn và leo trèo) vào trong chương trình ở trường học.

Những trò vận động cho trẻ cơ hội phát triển về mặt xã hội và tình cảm. Trẻ phát triển sự tự tin khi nó phô diễn các kỹ năng thể chất. Sáng tạo khi chơi với bạn bè, như bày cách chơi cho bạn và biết cách giải quyết những xung đột và đàm phán với nhau theo cách của chúng thông qua những trò chơi khác nhau.

Có 3 kỹ năng thể chất sau đây được xem là cần thiết với trẻ:

- Kỹ năng di động: di chuyển từ điểm này đến điểm kia; gồm đi bộ, chạy, nhảy xa...

- Kỹ năng ổn định: củng cố sự cân bằng trong khi di chuyển thông qua môi trường, như: lăn cán, nhảy bật và chạy bộ...

-Kỹ năng lôi cuốn hấp dẫn: kết hợp trò chơi với thể thao như: ném xa, chụp lấy...

Tạo môi trường vận động

Trẻ nhỏ không nên ngồi nhiều hơn 60 phút, ngoại trừ lúc chúng ngủ. Bạn có thể gợi ý giúp trẻ có nhiều hoạt động trong ngày. Sau đây là một số cách vận động trong cuộc sống hằng ngày:

Chơi ngoài trời: Khuyến khích trẻ rủ một bạn trong xóm đi bộ sau bữa ăn tối, đạp xe đạp... Cũng có thể nhảy lò cò hay chơi trò tìm mật thư ở công viên là dịp để trẻ lăn lê bò toài. Chơi bắt bóng mềm, hay thảy bong bóng.

Chia sẻ việc nhà: làm việc nhà cũng là vận động. Con bạn có thể giúp bạn mang đống áo quần xuống cầu thang bỏ vào máy giặt. Trẻ cũng có thể giúp bạn hút bụi hay quét nhà...

Vượt chướng ngại vật trong phòng: ghế, đệm gối, bàn, nệm sofa và những đồ chơi lớn, nhỏ có thể được dùng để tạo một đường đi đòi hỏi sự phối hợp để vượt qua. Tạo những vòng tròn nhỏ, yêu cầu trẻ nhảy ra vào những vòng tròn đó, bạn cũng có thể xếp hàng ghế làm một đường hầm để trẻ chui người qua đó.

Dùng âm nhạc để truyền cảm hứng vận động: nhạc khiêu vũ truyền cảm hứng cho trẻ muốn đứng lên và di chuyển. Nhạc vui nhộn, trẻ sẽ thích và trẻ có cơ hội dùng thêm các nhạc cụ nhịp điệu như cái trống nhỏ, trống lục lạc hay nó có thể tự  tìm các loại nhạc cụ khác.

Cho những đề tài nghệ thuật đòi hỏi thể chất: ví dụ, nhờ trẻ cột bức tranh lên tường theo cách mà trẻ thích, khuyến khích chúng chia sẻ suy nghĩ vì sao chọn vị trí đó. Cho trẻ nặn đất, bột... một món đồ nó thích.

Khơi gợi ý tưởng của trẻ về toán học: Ví dụ hãy hướng dẫn và sau đó hỏi trẻ: con có thể nhảy bao xa? Hay con có thể chạy nhanh bao nhiêu? Con nhảy cao cỡ nào? Con  có thể nhảy dây bao lâu mà không nghỉ? (ghi lại trên sàn nhà hay trên tường cho thấy quá trình tập luyện này)...

Lê Ngân
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.