Đông dược, chớ dùng liều!

07/12/2007 15:12 GMT+7

Nhiều người lầm tưởng đông dược nếu uống chữa không hết bệnh, thì ít ra cũng không gây độc, uống vào "không nở bề ngang cũng nở bề dọc". Thực ra không phải vậy.

Thuốc đông y cũng có độc nếu không biết cách sử dụng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Danh Tài - Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng xoay quanh vấn đề này.

* PV: Thưa bác sĩ, người ta thường nói, thuốc đông y không độc cho nên có thể sử dụng thoải mái?

- Bác sĩ Trần Danh Tài: Cần khẳng định ngay là: bất kể là đông dược hay tân dược đều có độc, đều là con dao hai lưỡi, biết dùng thì có lợi cho sức khỏe, không biết dùng thì chẳng những không có lợi mà nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Thuốc càng có hiệu lực thì có độc lực càng lớn. Các bậc danh y từ xưa đã nói: "Sở dĩ thuốc có tác dụng bởi vì nó độc".

* PV: So tân dược với đông dược thì thuốc nào độc hơn?

- Nếu làm một phép so sánh đơn giản thì rõ ràng tân dược có độc lực mạnh hơn rất nhiều, vì: Tân dược được chế chủ yếu từ các hóa chất tổng hợp, nếu có sử dụng các loại dược thảo thì cũng chiết xuất lấy các hoạt chất là chính. Ví dụ: từ mã tiền lấy ra chất strychnine; cà độc dược lấy ra atropine; từ cây bạc hà lấy ra menthol... Vì vậy lượng thuốc đưa vào cơ thể tuy ít nhưng hoạt chất lại cao cho nên tác dụng nhanh và mạnh, nếu xảy ra tai biến thì rất nặng. Còn đông dược sử dụng các loại  dược liệu thô là chủ yếu cho nên lượng hoạt chất không cao vì vậy độc lực cũng ít hơn tân dược. Tân dược còn sử dụng theo đường tiêm (trong da, dưới da, bắp thịt, mạch máu...) cho nên dễ gây tai biến và khi bị tai biến thì việc cứu chữa khó khăn. Trong khi đông dược dùng qua đường tiêu hóa là chính cho nên nếu có bị ngộ độc cũng nhẹ và việc cứu chữa cũng dễ hơn (gây nôn, rửa dạ dày, rửa ruột nếu mới dùng thuốc).

* PV: Xin bác sĩ cho một số ví dụ về độc tính của đông dược?

- Như đã trình bày ở trên: đã là thuốc thì vị nào cũng có hai mặt: lợi và hại. Ngay cả những vị thuốc được coi là đại bổ như sâm, nhung, quế, phụ cũng đều là những loại thuốc có độc. Sâm (như nhân sâm, hồng sâm...): là một vị thuốc rất quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe, giúp cho cơ thể dẻo dai... nhưng nếu đang bị sốt cao hay ỉa chảy mà dùng sâm, bệnh sẽ nặng thêm. Nhung được coi là một vị thuốc rất quý như sâm nhưng nếu người bị huyết áp cao, bị bệnh goutte (gút) mà dùng nhung thì bệnh sẽ nặng thêm, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Phụ tử là một vị thuốc có tác dụng hồi dương, nhưng dùng cho người bị huyết áp cao thì nguy hiểm lắm. Quế cũng vậy, nếu cao huyết áp hay viêm dạ dày mà dùng thì có khi gây tai biến như chảy máu dạ dày, tăng huyết áp đột ngột. Mã tiền là một vị thuốc có tác dụng bổ gân cốt, nhưng nếu không biết bào chế hoặc bào chế không đúng thì vô cùng nguy hiểm. Đã có trường hợp do thiếu hiểu biết thấy người ta bán rượu mã tiền, bà con cũng lấy hạt mã tiền sống ngâm rượu để uống và hậu quả nạn nhân chết trong tình trạng co cứng và đau đớn cùng cực (như bệnh uốn ván). Có thể nêu ra hàng ngàn ví dụ khác (vì có hàng ngàn vị thuốc).

* PV: Vậy bác sĩ cho bạn đọc một số lời khuyên.

- Để phát huy tác dụng và phòng ngừa tác hại của thuốc (dù là đông hay tân dược), bà con ta cần lưu ý một số điều: Khi có bệnh thì đến thầy thuốc (tôi nói là thầy thuốc theo đúng nghĩa) để được tư vấn. Khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào cũng cần tìm hiểu cặn kẽ tác dụng và tác hại của nó, nếu không biết thì dứt khoát không nên dùng.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bảo Trân  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.