Chuyện một nhà sư và vườn hoa lan

09/12/2004 15:15 GMT+7

Khi phong trào trồng địa lan ở Đà Lạt thoái trào (năm 1989), có một nhà sư tập tễnh vào nghề trồng địa lan (Cymbidium). Ông đến các vườn lan ở Đà Lạt tầm mua bằng hết. Nhiều người vừa ngạc nhiên vừa mừng, vì giữa lúc khốn đốn lại có người đến "rước" giùm của nợ. Mười lăm năm sau nhà sư ấy trở thành chủ trang trại địa lan lớn nhất thành phố hoa và nay ông là Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa lan thành phố Đà Lạt.

Chúng tôi đến trang trại Thanh Quang khi mùa hoa địa lan bắt đầu nở, đúng lúc thượng tọa Thích Huệ Đăng vừa trở về từ châu u. Dẫn chúng tôi tham quan vườn lan bậc thang rộng 5.000m2 nằm chênh vênh bên sườn đồi, tất cả được phủ lưới che mát và hệ thống tưới phun tự động đa chiều khá hiện đại. Nhà sư cho hay: "Đây chỉ là vườn ươm lan từ phòng cấy mô ra đến năm 2 tuổi thôi. Trang trại chính rộng hơn 1 hécta của Thanh Quang ở thung lũng sâu trong hồ Tuyền Lâm kia". Theo chân nhà sư chúng tôi đến "thung lũng địa lan", một luồng không khí mát lạnh từ mặt hồ Tuyền Lâm nhè nhẹ thổi vào trang trại, cả trang trại như chiếc máy lạnh khổng lồ, nhiệt độ chỉ từ 18-20 độ C quả thích hợp cho địa lan phát triển. Tết này trang trại sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 chậu lan các loại. Nhiều năm qua, cứ mỗi độ xuân về nhà sư lại thuê xe chở lan về tham dự chợ hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Đức Tấn - Chủ tịch Hiệp hội Hoa lan Đà Lạt cho biết: "Nhà sư Huệ Đăng là người chịu khó học tập nghiên cứu nên đã thành công, vườn lan trên 60.000 chậu của ông không hề bị bệnh, trong khi hầu hết các vườn lan ở Đà Lạt đang bị dịch bệnh hoành hành". Ngoài sự đam mê, nhà sư rất chịu khó tìm tòi học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Từ năm 1994 đến 1997, mỗi năm vài lần từ Đà Lạt ông về Đại học Nông Lâm (TP.HCM) xin làm sinh viên dự thính để học phương pháp nuôi cấy mô hoa lan và kỹ thuật trồng lan. Học tới đâu nhà sư về Đà Lạt thực hành tới đó, có gì khúc mắc ông gọi điện trao đổi với các giáo sư tiến sĩ; "ngộ" ra vấn đề gì hay và bổ ích ông sẵn sàng chia sẻ lại. Nhiều cô cậu sinh viên chính quy trẻ tuổi nhìn vào tấm gương hiếu học của nhà sư đã tăng thêm nghị lực học tập nghiên cứu.

Trong phòng làm việc.

Nhà sư Huệ Đăng còn là người tiên phong nhập những giống lan mới từ Nhật Bản, Úc châu về khảo nghiệm và nhân giống bằng phương pháp cấy mô (invitro) cung cấp cho các cơ sở trồng lan ở Đà Lạt. Ông đã kiên trì suốt 12 năm nghiên cứu sử dụng vỏ cà phê làm giá thể trồng lan thay cho cây dớn, điều mà trước đó nhiều người đã làm nhưng đều thất bại, nhờ đó giảm được đáng kể chi phí đầu tư. Thượng tọa Huệ Đăng bộc bạch: "Nếu tất cả những người trồng lan đều sử dụng vỏ cà phê thì rừng sẽ không bị chặt hạ để lấy dớn, có nghĩa mọi người cùng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái!".

Trong chuyến đi châu u vừa qua, nhà sư Huệ Đăng được Hiệp hội Hoa lan thế giới mời tham dự hội nghị tổ chức tại Ý. Qua hội nghị, nhà sư học hỏi được nhiều kinh nghiệm canh tác hoa lan, ông cũng tranh thủ đến 4 nước khác để nghiên cứu học tập kỹ thuật bảo quản, đóng gói lan xuất khẩu. Ông cho rằng: "Tiềm năng và điều kiện tự nhiên để trồng địa lan không đâu sánh bằng Đà Lạt, so với các nước châu u chi phí sản xuất hoa lan ở Đà Lạt chỉ bằng 1/5. Đây là cây trồng siêu lợi nhuận, có thể mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Đà Lạt, Lâm Đồng, nhưng tiềm năng ấy chưa được khơi dậy!". Bởi vậy, sau khi từ châu u trở về nhà sư Huệ Đăng quyết định thành lập công ty xuất khẩu hoa lan. Nhà sư mơ ước trong một tương lai gần Đà Lạt sẽ trở thành "vương quốc hoa lan", ông đang làm thủ tục xin tỉnh Lâm Đồng cho thuê 10 héc ta đất để mở rộng trang trại. Mùa xuân mới đang đến với trang trại Thanh Quang, hy vọng những dự định và mong ước của nhà sư sẽ thành sự thật.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.