Một năm của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung

17/12/2005 16:39 GMT+7

Cách đây một năm, lúc nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Dae Jung nói: "Khi phát hiện ra sự thật tổng số nợ nước ngoài lên đến 227,5 tỉ USD, cao hơn 100 tỉ so với con số được công bố cách đây một tháng, tôi đã lặng người và mất ngủ, đồng thời hết sức sửng sốt khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính rằng Hàn Quốc không có một xu nào và không biết nay hay mai sẽ phá sản".

Báo chí nước ngoài nói sân bay Kimpo của Seoul giống như một viện bảo tàng hàng không. Chỉ có một ít hành khách mất hút trong 3 phòng gửi hành lý trước khi mới bắt đầu. Vài hãng hàng không nước ngoài đã hoàn toàn gạch bỏ Seoul trong lộ trình bay của mình. Các cửa hàng miễn thuế vắng lặng như nhà mồ.

Tôi còn nhớ những năm trước đây, sân bay Kimpo là một trong những sân bay sầm uất nhất châu Á. Ngồi trong phòng quá cảnh, tôi có thể đếm cứ 1-2 phút là một máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Thế nhưng, sau đó...

Thật là một năm khủng khiếp đối với Hàn Quốc. Và một năm thử thách ghê gớm đối với ông Kim Dae Jung trong trách nhiệm của một Tổng thống. Còn thời điểm hiện nay thì sao?

Tạp chí Tấm Gương của CHLB Đức số 18/99, đăng bài Những con hổ châu Á đang lấy đà, viết rằng: "Sự im ắng giờ đây đã trôi qua. Sự náo động của thương trường xuất hiện trở lại cũng giống như thời kỳ trước khi diễn ra khủng hoảng - sớm hơn rất nhiều so với sự mong đợi của ngay cả những người lạc quan nhất".

Riêng từ tháng 1 đến tháng 5, lịch giao thông hàng không ở Hàn Quốc tăng gần 1/4. Trong năm nay, hãng hàng không Korean Air sẽ đưa vào sử dụng 4 chiếc máy bay mới, 18 chiếc khác đã được đặt cho năm tới.

Một đất nước đang cất cánh. Hành khách chen chúc nhau trước các quầy làm thủ tục ở sân bay căng đầy những áp phích quảng cáo cho Giải vô địch bóng đá thế giới 2002 - hy vọng của Hàn Quốc đang tăng lên.

Barton Boggs, nhà chiến lược giàu ảnh hưởng của Ngân hàng đầu tư Mỹ Mrogan Stanly thông báo: "Tiền đầu tư châu u sang châu Á".

Bài báo trên viết tiếp: "Khủng hoảng ư? Khủng hoảng nào? Một không khí vững tin ngự trị tại các thị trường chứng khoán, như thể chưa có một thảm họa tài chính. Từ đầu năm, các tỷ giá ở Hàn Quốc tăng gần 30%, ở Hồng Kông khoảng 25%. Ngay Indonesia - đất nước bị rung chuyển bởi những cuộc bạo loạn - cũng cho thấy mức tăng là 20%". Ông Cho Hee Up, nhà môi giới người Hàn Quốc trầm trồ: "Tiền tràn ngập thị trường".
Keneth Courtis - Giám đốc kinh tế của Ngân hàng Đức (DB) ở Tokyo nói: "Với tư cách là nhà đầu tư ngày nay ở châu Á, tôi có nhiều tiền hơn bất cứ nước nào trong thập kỷ vừa qua".

Tờ báo dẫn trên đánh giá Hàn Quốc là một nước tiến bộ rõ nét nhất. Chính phủ nước này đã bắt đầu trả món nợ 58 tỉ USD từ khoản nợ trọn gói mà IMF đã cùng với các nơi khác cho vay cấp cứu. Năm 1998, gần 9 tỉ USD đã chảy vào Hàn Quốc, trong đó gần 2 tỉ là từ Đức.

Ông Chung Ju Jung 83 tuổi, người thành lập hãng Hyundai, cho rằng cuộc khủng hoảng đã làm cho Hàn Quốc còn mạnh hơn lên. Ông nói: "Đất nước chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra một thần kỳ kinh tế thứ hai". Ngay các nước châu Á khác như Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng có những dấu hiệu phục hồi. Ông Mahathir còn trông đợi kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 50% vào năm tới.

Một năm lãnh đạo đất nước Hàn Quốc của ông Kim Dae Jung - từ một nền kinh tế bên bờ vực của sự phá sản trở lại phục hồi - đã cho các nước khác những kinh nghiệm quý báu. Kinh nghiệm đó sẽ có nhiều bổ ích cho cả Việt Nam, nếu chúng ta nghiên cứu hiện tượng Hàn Quốc một cách nghiêm túc.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 5/6/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.