Thử thách cho WTO

07/12/2005 23:33 GMT+7

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ khai mạc hội nghị các bộ trưởng tại Hồng Kông vào tuần tới - khi đó, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra cho tương lai của tổ chức này. Qua 10 năm tuổi, WTO đã và đang trở nên cực kỳ hùng mạnh vì không một nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài nó. Ả Rập Xê Út sẽ trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức này vào thứ bảy tới, Trung Quốc thì đã gia nhập cách đây 4 năm trong khi Nga và Việt Nam đang tiến sát đến cánh cửa gia nhập.


Có thể một số người không ưa WTO vì nó đưa ra tư tưởng tự do thương mại và các tư tưởng thì thường đối chọi nhau. Tuy nhiên, hầu như tất cả các nhà ngoại giao tại tổng hành dinh WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) đều đồng ý rằng sự có mặt của WTO là tất yếu. Nguyên nhân cần có sự tồn tại của một WTO như hiện nay là nhờ vào tính dân chủ của nó.

Về mặt lý thuyết, bất cứ quốc gia nhỏ nào trong tổ chức cũng có thể ngăn chặn các quốc gia hùng mạnh. Tất cả những quyết định được WTO thông qua đều phải được sự đồng ý của các nước thành viên. Ra đời vào ngày 1.1.1995, thay thế Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT), WTO được thành lập dựa trên hệ thống các luật lệ mà các nền thương mại khổng lồ như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu u (EU) phải tôn trọng. Bất cứ quốc gia nào cũng có thể chỉ trích những nước hùng mạnh, giàu có trước tòa trọng tài và - một lần nữa về mặt lý thuyết - thắng kiện. Tuy nhiên trên thực tế, những nước đang phát triển cũng như các tổ chức phi chính phủ cáo buộc các quốc gia giàu mạnh thường có cái nhìn một chiều về tự do hóa thương mại. Trong khi yêu cầu được quyền tự do thâm nhập vào thị trường nước khác, các quốc gia phát triển lại bảo vệ thị trường nước mình hoặc trợ giá cho các mặt hàng xuất khẩu ở mức mà những quốc gia nghèo trên thế giới không thể nào theo kịp. Dẫu vậy, đại diện các quốc gia nhỏ hơn thừa nhận nước nghèo giờ đã có tiếng nói trên thị trường thương mại thế giới vốn trước đây thường bị mất hút giữa những lời lẽ đầy sức mạnh của các thành viên giàu có. Hiện các thành viên WTO đang có xu hướng liên kết với nhau thành những nhóm nhỏ hơn, như nhóm G20 do các nước Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc dẫn đầu... Khối G20 cùng với các nước châu Phi đã khuynh đảo hội nghị thượng đỉnh WTO năm 2003 tại Mexico. Và tại hội nghị lần này ở Hồng Kông, có vẻ như tình hình cũng không khác mấy.

WTO hùng mạnh chỉ khi nào các thành viên còn muốn nó hùng mạnh. Đây là điều mà các quan chức tại tổng hành dinh WTO liên tục cảnh báo. Nếu hội nghị sắp tới đây không đạt được những thành công nhất định, WTO sẽ gặp khó khăn. Và ai là kẻ thất bại trong chuyện này? Hẳn là những nước nghèo! (DPA)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.