Những chiến binh động vật

14/12/2010 08:48 GMT+7

(TNTS) Sau nhiều thế kỷ sử dụng động vật vào mục đích quân sự, giờ đây ý tưởng này được thực hiện trở lại khá rộng rãi tại một số quốc gia.

1. Sử dụng động vật để thực hiện các nhiệm vụ quân sự hầu như bắt đầu từ khi loài người thuần hóa các con chó hoang dã. Từ xa xưa, con người đã dùng voi để đánh trận, dùng ngựa cho kỵ binh, dùng lừa để vận chuyển vũ khí, đạn dược. Hay sử dụng chim bồ câu để phóng hỏa cả một thành phố, hoặc dùng chuột để reo rắc dịch bệnh. Lần cuối cùng động vật được sử dụng khá phổ biến cho mục đích quân sự là trong Thế chiến II và một thời gian ngắn sau đó.

Gần đây nhất việc sử dụng động vật có quy mô lớn nhằm phục vụ chiến tranh được thực hiện vào cuối thập niên 1950. Ngày 1.4.2004, báo chí cho rằng Cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh có tài liệu mật về việc sử dụng bom hạt nhân Blue Peacock (Con công xanh) nhằm ngăn chặn quân đội Xô Viết tiến sâu vào châu u sau khi xảy ra Thế chiến III (!?). Báo điện tử Lenta.ru cho biết: quả bom nặng 7 tấn được chôn tại phía bắc nước Đức. Theo dự kiến, nó sẽ được kích nổ khi quân đội Anh bắt đầu rút lui.

Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Aldermaston, Anh, đơn vị chế tạo Blue Peacock đã đề nghị sử dụng những con gà sống để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trái bom. Người ta cho rằng, mùa đông lạnh có thể sẽ tác động gây hại cho trái bom nên quyết định chế tạo một thùng lớn, chứa nước và nuôi gà nhằm giữ ấm cho trái bom cất giấu trong đó.

Song song với kế hoạch trên, còn có một kế hoạch tương tự với trái bom mang tên Blue Bunny. Chỉ khác là thay thế đàn gà bằng các con thỏ. Thời gian đó, quân đội Anh đã đặt hàng 10 trái bom như thế. Cũng cần biết rằng, kế hoạch trên thực tế đã không hoàn tất do Bộ Quốc phòng Anh đóng chương trình này vào tháng 2.1958.


Huấn luyện chuột

2. Một dự án khác được nhiều người biết đến là Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng chim bồ câu nhằm dẫn đường cho tên lửa. Lãnh đạo dự án này là nhà tâm lý học Burrhus Skinner. Vào Thế chiến II, các kỹ sư của Mỹ cho một con bồ câu đã huấn luyện vào tên lửa. Con bồ câu này sẽ điều khiển tên lửa đến đích theo hình vẽ trên màn hình radar. Trong phần đầu của trái tên lửa sẽ được gắn một thấu kính thể hiện hình ảnh mục tiêu trên màn hình radar. Nếu như hình ảnh thay đổi, con bồ câu sẽ dùng đầu để làm các động tác điều khiển nhằm hướng tên lửa đến đích.

Dự án "Bồ câu" (Project Pigeon) được đóng lại sau Thế chiến II. Tuy thế đến năm 1948, hải quân Mỹ khôi phục dự án này dưới tên gọi Orcon (Organic Controlled), đến năm 1953 thì ngừng thực hiện vì khi đó hệ thống điều khiển điện tử mang lại hiệu quả cao.


Huấn luyện chó

Trước đó, vào đầu những năm 1940, Mỹ còn tiến hành dự án "Bom dơi" (Bat Bomb). Đây là loại bom nhỏ nhất trong lịch sử chiến tranh. Trái bom chỉ nặng 17g và được sử dụng vào mục đích đốt nhà cửa của đối phương. Mang loại bom có ngòi nổ chậm này là những con dơi giống Brazil. Người ta hạ nhiệt độ xuống còn 4 độ C để những con dơi chìm vào giấc ngủ, rồi buộc bom nổ chậm vào mình chúng, sau đó đưa lên máy bay và cho nhảy dù xuống thành phố của đối phương. Khi rơi xuống mặt đất, các con dơi sẽ tỉnh giấc, bay vào nhà, kho của đối phương và bom sẽ phát nổ gây cháy. Khi thử nghiệm, các ngôi nhà làm bằng gỗ đều bị cháy, rất hiệu quả. 

Loại vũ khí nêu trên dự tính để chống lại Nhật Bản, hủy diệt các thành phố công nghiệp của nước này ở vịnh Osaka. 10 chiếc máy bay vận tải B-24 Liberator cần phải bỏ 100 container chứa 1 triệu con dơi xuống. Những container này có dù chuyên dụng, nhờ thế mà có thể đáp xuống nhẹ nhàng, tự động mở nắp, để đàn dơi thức giấc bay ra. Cuối năm 1945 dự án này đóng lại sau khi Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki buộc phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện.   

Trong khi đó Liên Xô trước đây lại phát triển dự án dùng chó để tiêu diệt xe tăng. Những con chó được huấn luyện đeo trên mình trái bom nặng 12 kg sẽ lao vào dưới gầm xe tăng và cho trái bom nổ. Để huấn luyện, người ta cài dưới gầm xe tăng loại thức ăn mà những con chó "nghiện". Vì thế cứ thấy xe tăng là chúng lao vào. Loại bom chuyên dụng này, được buộc dọc trên lưng con chó.

Dự án dùng chó tấn công xe tăng được bắt đầu từ năm 1935 và theo một số nguồn tin, vào cuối thập niên 1990, tại một số nơi ở Liên Xô vẫn còn cơ sở huấn luyện chó theo cách này. Trong suốt lịch sử của mình, các chiến binh 4 chân đã tiêu diệt được tổng cộng gần 300 chiếc tăng. Dù vậy, dự án này cũng có nhược điểm, bởi những con chó được huấn luyện bằng xe tăng do Liên Xô sản xuất, nên không ít khi chúng nhầm lẫn giữa xe tăng địch và tăng nhà. Ngoài ra, một số con do hoảng sợ lại mang nguyên trái bom chạy về căn cứ của mình. Có lẽ vì thế mà vào năm 1944, Liên Xô không sử dụng chó để đánh tăng nữa.


Huấn luyện cá heo vào mục đích quân sự -Ảnh: Flickr

Cũng không nên quên rằng, Liên Xô từng huấn luyện cá heo để tấn công tàu ngầm đối phương. Những con cá heo sẽ phát hiện tàu ngầm và cả tàu chiến trên mặt nước của đối phương rồi tấn công. Huấn luyện cá heo cho nhiệm vụ này được Liên Xô thực hiện đến đầu những năm 1980. Thậm chí đến năm 1987, cá heo còn làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ những con tàu của Hạm đội Hắc Hải.

3. Hiện một số quốc gia tiếp tục sử dụng động vật cho mục đích quân sự, tuy phạm vi được thu hẹp lại. Vài căn cứ của hải quân Mỹ được những con sư tử biển giống California và cá heo bảo vệ. Chúng có nhiệm vụ phát hiện ngư lôi, bom hay tàu của đối phương. Tại Nga hiện không có những dự án lớn như Mỹ. Xứ sở bạch dương chỉ sử dụng chó vào việc tìm kiếm bom, mìn. Tuy thế, nhu cầu sử dụng động vật trong quân sự hiện rất được quan tâm, mà trước hết là đối với Mỹ.

Hải quân Mỹ đang xúc tiến việc đào tạo, huấn luyện thêm sư tử biển, cá heo nhằm tăng cường an ninh cho các cảng biển. Ngoài ra, trong tương lai, quân đội Mỹ sẽ sử dụng chuột đã được huấn luyện để tham chiến. Vào cuối tháng 11.2010, có thông tin quân đội Mỹ sẽ sử dụng loại chuột lớn giống châu Phi (Cricetomys gambianus) để dò tìm, phát hiện mìn và thiết bị nổ. Giống chuột này hiện được Tanzania và Mozambique sử dụng trong các nhiệm vụ tương tự. Một nhóm chuyên gia nghiên cứu của Mỹ đang có mặt tại Mozambique để quan sát cách nuôi, huấn luyện loài chuột Cricetomys gambianus. Giới quân sự quan tâm đến loài chuột này vì chúng dễ nuôi mà chi phí lại thấp. Quan trọng hơn, chúng nặng dưới 3 kg, nên trọng lượng này không đủ để kích hoạt bom, mìn nổ được. Nếu phát hiện, tự chúng sẽ đào bới, báo hiệu cho người chủ biết. Tuy thế, điểm hạn chế là một con chuột Cricetomys gambianus trong một ngày chỉ có khả năng ngửi kỹ càng một diện tích rộng 84m2.

Dù khoa học công nghệ đã có những bước tiến như vũ bão, chẳng hạn dùng laser có thể phát hiện nhanh ngư lôi, robot dưới nước hiệu quả, nhưng giới quân sự vẫn thích sử dụng động vật. Bởi sử dụng cá heo, hay chó nghiệp vụ giá thành vẫn rẻ hơn nhiều. Tiền luôn là yếu tố chính để giải quyết nhiều vấn đề, không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.