Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa

08/07/2012 03:00 GMT+7

Biết nhau gần 30 năm nhưng chưa một lần ông đồng ý cho tôi viết bài về ông. Lúc nào ông cũng khiêm nhường: “Đời tôi đâu có gì đáng để người ta đọc”.

Với tôi và có lẽ cả nhiều người khác, cuộc đời ông rất đáng để thế hệ trẻ noi theo.

Tuổi thơ bần hàn

Bước sang tuổi 83, trông ông Bùi Văn Ngọ vẫn còn rất khỏe, dù mái tóc bạc trắng. Ông cười tự nhận mình là dân Sài Gòn chính hiệu vì cụ cố cũng sinh ra và lớn lên trên đất này, hiện mồ mả còn ở Gia Định (nay là quận Bình Thạnh). Ông cố Bùi Văn Nên từng là thợ cơ khí tại xưởng đóng tàu Ba Son thời Pháp. Ông nội Bùi Văn Trà làm giáo viên thực hành Trường kỹ thuật Đỗ Hữu Vị (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Ba ông, Bùi Văn Bảy tốt nghiệp Trường Đỗ Hữu Vị, còn người bác ruột Bùi Văn Mạnh đoạt giải khôi nguyên Đông Dương về kỹ thuật. Ông Mạnh từng là bạn học và làm chung xưởng Ba Son với bác Tôn Đức Thắng những năm đầu thế kỷ 20.

Sinh tại Q.5, thời niên thiếu ông Ngọ liên tục bị gián đoạn chuyện học hành vì chiến tranh. Năm 1942, Nhật chiếm Sài Gòn, chiếm Trường Paul Doumer nơi ông đang theo học làm nơi đóng quân. Đầu năm 1945, ông chuyển sang trường khác trên đường Duranton (nay là đường Sương Nguyệt Anh) nhưng rồi phải theo gia đình tản cư tận Bình Trị Đông (Q.Bình Tân ngày nay) do quân đội đồng minh và Nhật Bản đánh nhau dữ dội. “Thời đó khu vực Tổng lãnh sự quán Anh và Mỹ trên đường Lê Duẩn bây giờ hứng chịu nhiều bom nhất do quân đội Pháp có một đồn trú rất lớn ngay mảnh đất thuộc Tổng lãnh sự Mỹ ngày nay”, ông kể.

 Họa sĩ Bùi Văn Ngọ bên tác phẩm Sơn nữ tắm thác Pongour - Ảnh: Đ.T
Họa sĩ Bùi Văn Ngọ bên tác phẩm Sơn nữ tắm thác Pongour - Ảnh: Đ.T

“Ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu ở chung trong căn nhà lá gần Bệnh viện Chợ Quán, phải ăn cơm cháy khô rồi uống nước lã vì không tìm đâu ra thức ăn. Tôi và ba bị bệnh phù thũng nặng do thiếu muối. Ký ức tôi vẫn mãi nhớ hình ảnh ngôi nhà lá của gia đình 3 lần bị cháy vì bom đạn”, ông nhớ lại.

Một họa sĩ tài ba

Ông Ngọ tự nhận mình chẳng học hành gì nhiều dù có thể viết nói thông thạo tiếng Pháp. Nhìn thân phụ vẽ các chi tiết máy, ông học lóm và làm theo. Vậy mà ông đã tự thiết kế rồi sản xuất chiếc máy ép dầu dừa đầu tiên năm 17 tuổi. Năm 1948, xưởng đóng tàu Ba Son cần người vẽ họa đồ chi tiết máy. Ông nộp đơn thi vào và được nhận với mức lương 850 đồng rồi gần 1.000 đồng tiền Đông Dương thời đó. Có việc làm, gia đình ông thoát nghèo, cuộc sống sung túc hẳn lên. 

“Nếu chỉ kiếm tiền tôi đã chọn con đường làm thợ. Ngày đó vì nỗi nhục mất nước nên tôi tham gia biểu tình chống Pháp nhân sự kiện anh Trần Văn Ơn bị bắn đầu năm 1950. Anh Ơn bằng tuổi tôi, hy sinh khi đang là học sinh Trường Pétrus Ký nên thế hệ chúng tôi rất cảm kích. Tôi và anh em làm chung xưởng Ba Son xuống đường, giương biểu ngữ ở bùng binh Quách Thị Trang (chợ Bến Thành). Hôm sau, những đồng nghiệp lớn tuổi bị mật thám Pháp vào tận xưởng Ba Son bắt, đánh đập dã man. Tôi xin nghỉ việc từ đó”, ông Ngọ nhớ lại thời thanh niên đầy sôi nổi của mình.

Năm 1955, ông cùng cha nhận đơn hàng làm các chi tiết máy cơ khí ở nhà, nhưng thu nhập chỉ đủ sống. Năm 1959, ông thuê miếng đất ở quận 6 để lập xưởng cơ khí tại đây. Ông cất tạm cái chòi để ở, làm việc cật lực dành dụm từng đồng tiền ít ỏi sắm chiếc máy tiện đầu tiên trong đời. “Nhìn cái máy dù cũ người nhưng mới ta, nước mắt tôi lăn dài. Để có nó, tôi đã lao động quá sức, ho cả ra máu”, ông bùi ngùi nói. 

Từ chiếc máy đó, ông gầy dựng sự nghiệp để 53 năm sau công ty cơ khí mang tên ông giờ do 9 người con quản lý với hơn 1.000 công nhân. Con gái lớn Bùi Thị Xuân Đào làm giám đốc tài chính, thay ông xuất khẩu máy cơ khí nông nghiệp đi khắp thế giới, từ Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia đến Panama, Brazil, Israel… với giá bằng 1/5 máy của Nhật nhưng không thua kém nếu không muốn nói vượt trội hơn về năng suất và chất lượng.

Không chỉ có biệt tài vẽ kỹ thuật, ông Ngọ còn cầm cọ suốt hơn 60 năm. Hiện ông đang sở hữu gần 1.000 bức họa đủ thể loại: sơn dầu, màu nước, sơn mài, bút chì… Ông bôn ba khắp đất nước hình chữ S để vẽ. Tranh ông kết hợp đậm kỹ thuật của phương Tây với chất mềm mại, thâm trầm của phương Đông nên tạo dấu ấn rất riêng. Đặc biệt, ông là người duy nhất ở VN sở hữu nhiều bức tranh thuộc hàng “khủng”, với kích thước có tấm lên đến 3 m x 20 m. Ông còn sưu tập đá với hàng trăm viên kích thước lớn, có giá trị rất cao.

Giàu có, thành đạt nhưng con cháu ông không ai ra vẻ “đại gia” chi xài tiền như nước. Ông nói đó là cái phước của gia đình, một phần do ông giáo dục con cháu rất cẩn thận từ bé. “Tiền kiếm khó khăn lắm nên phải biết quý. Còn nhiều người nghèo nên mình không thể phung phí tài sản vào các cuộc chơi vô bổ. Đó là điều tôi luôn tâm niệm và dạy con cháu”.  

Chia tay ông, tôi vẫn nhớ giọng sang sảng: “Tôi chỉ mới 38 chứ không phải 83 đâu nhe. Sài Gòn là thành phố tôi yêu vì nó gắn bó với tôi cả đời. Tôi đã lưu giữ Sài Gòn trong tim mình bằng vô số tranh, chép lại từng con đường góc phố, trong đó có cả các khu bị giải tỏa như bến Bình Đông, cầu chữ U, kênh Nhiêu Lộc... Sài Gòn với tôi như cô gái trẻ đẹp, vẫn mãi lung linh”. 

Ông Bùi Văn Ngọ đã nhận 3 kỷ lục: Đồi tiên nữ bằng đất lớn nhất VN (2007), Họa sĩ vẽ bức tranh sơn dầu Toàn cảnh lăng Tự Đức lớn nhất VN (2011) với khổ (2,9 m x 20,1 m) và Tác giả có nhiều tác phẩm tạo hình nhất VN (2012) do Trung tâm sách kỷ lục VN cấp.

Đỗ Tuấn

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.