Mỹ thông qua dự luật hợp tác hạt nhân với Ấn Độ

09/12/2006 23:00 GMT+7

Ngày 9/12, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn dự luật cho phép bán lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân dân sự sang Ấn Độ, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ. Nhiều người lo ngại nó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua hạt nhân ở châu Á từ việc củng cố kho hạt nhân của New Delhi.

Tiếp sau việc phê chuẩn với số phiếu áp đảo ở Hạ viện Mỹ hôm 8/12, Thượng viện đã nhanh chóng thông qua dự luật vào sáng sớm 9/12 để Tổng thống Bush ký ban hành. Không biết vô tình hay cố ý, cũng trong ngày 9/12, Pakistan phóng thành công tên lửa tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Hatf III Ghaznavi.

Theo Hãng tin Reuters, dự luật đảo ngược 3 thập kỷ chính sách phản đối hợp tác hạt nhân với Ấn Độ do nước này phát triển vũ khí hạt nhân, qua đó vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Và, như những người ủng hộ dự luật tuyên bố, dự luật giúp củng cố quan hệ với một nước dân chủ châu Á từ lâu duy trì cái mà chính quyền Bush coi là một chương trình hạt nhân có trách nhiệm. Việc phê chuẩn của Quốc hội Mỹ là một thắng lợi hiếm hoi về chính sách đối ngoại của Tổng thống Bush trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho ông tụt giảm do nỗi bất bình với tình hình Iraq và phe Dân chủ sẽ tiếp quản Quốc hội từ tay phe Cộng hòa khi kỳ họp mới bắt đầu vào tháng 1/2007.

Tuy nhiên, trước khi giao dịch hạt nhân dân sự bắt đầu, vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua, bao gồm một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội một khi các cuộc đàm phán mang tính kỹ thuật về một thỏa thuận hợp tác toàn diện được giải quyết giữa hai chính phủ.

Những người phản đối cho rằng thỏa thuận đe dọa phá hỏng những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí và công nghệ hạt nhân và gửi một thông điệp đáng sợ cho các nước khác toan tính xây dựng kho hạt nhân của riêng mình. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ D.Kucinich nói với AP rằng Mỹ "không thể bảo Iran và CHDCND Triều Tiên rằng họ không nên đi theo hướng xây dựng một chương trình vũ khí hạt nhân trong khi cho phép một sự dàn xếp y như vậy với Ấn Độ". Một hạ nghị sĩ khác cũng thuộc đảng Dân chủ, E.Markey, nói thỏa thuận là một "sai lầm lịch sử sẽ quay lại ám ảnh Mỹ và thế giới".

Dự luật đưa ra một ngoại lệ trong luật Mỹ cho phép giao dịch hạt nhân dân sự với Ấn Độ nhằm đổi lấy việc bảo vệ và thanh sát 14 nhà máy hạt nhân dân sự của Ấn Độ (8 nhà máy quân sự của Ấn Độ không bị kiểm soát). Việc bỏ phiếu tại Quốc hội là cần thiết vì luật Mỹ cấm giao dịch hạt nhân với các nước, như Ấn Độ, không chấp nhận thanh sát quốc tế. Ngoài ra, hai nước còn phải nỗ lực tìm một ngoại lệ cho Ấn Độ trong các quy định của Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG). Ấn Độ cũng phải đàm phán một thỏa thuận bảo vệ các nhà máy hạt nhân với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Một điểm đáng chú ý nữa là thay vì buộc chính quyền Bush xác nhận Ấn Độ hợp tác hoàn toàn về việc đối đầu với chương trình hạt nhân Iran trước khi cho phép hợp tác hạt nhân dân sự, dự luật chỉ đòi hỏi tổng thống cung cấp cho Quốc hội báo cáo thường niên về các nỗ lực của Ấn Độ về Iran. Theo đài BBC, Ấn Độ đã tuyên bố rõ ràng rằng thỏa thuận cuối cùng không được buộc nước này ủng hộ chính sách của Mỹ về Iran.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.