Cô bé sinh ra bằng dao thái rau - Kỳ 2: Bé Xuyến

11/12/2008 00:27 GMT+7

Sương chiều giăng giăng, từng cơn gió lạnh cứ làm mắt người như nhòe đi trong ánh đèn thưa thớt hắt ra từ những căn nhà ở hai bên đường. Câu chuyện thương tâm về cặp vợ chồng cùng cực và cô bé Xuyến cứ ám ảnh chúng tôi...

Mẹ nuôi

Người phụ nữ đón chúng tôi là chị Trần Thị Mau, mẹ nuôi của cháu Trần Thị Mỹ Xuyến (con ruột của người mẹ quá cố Nguyễn Thị Mủn). Chị Mau cho biết Xuyến đang đi học ở trường gần nhà và nhờ chú bé “bạn của Xuyến” đến lớp xin cô cho về sớm để gặp khách phương xa.

Không giấu giếm gì về bản thân, chị Mau bộc bạch: “Hồi đó, tui có chồng nhưng miết mấy năm không có con nên ổng bỏ tui đi lấy vợ khác. Thấy hoàn cảnh tang thương nhà chị Bống (tên khác của chị Mủn - PV), tội nghiệp con bé quá, tui nhận về nuôi. Lúc đó ba tui còn sống cũng rất ủng hộ. Chăm bẵm từ lúc đỏ hỏn tới giờ, nếu không ai nhắc lại chuyện cũ thì tui cũng quên luôn nó là con nuôi”.

Vừa mới gặt lúa, gặp lúc mưa nên phải phơi ngay trên sàn phòng khách; bước qua những nhúm lúa lổn nhổn, chị chỉ tay lên tường, khoe ảnh chồng con: “Trời phù hộ mình nên sau khi nhận nuôi con Xuyến là tui có chồng khác đàng hoàng liền, rồi đẻ hẳn một thằng con trai! Má tui và vợ chồng - con cái đùm bọc nuôi nhau. Tính tình con Xuyến rất dễ thương, hòa đồng, tình cảm với cha mẹ, bạn bè, em út...”.

Hồi tưởng lại chuyện 13 năm qua, chị Mau vẫn còn rưng rưng: “Con bé sanh trong hoàn cảnh ngặt nghèo nên yếu lắm. Cha mẹ già của tui phải thay nhau ẵm nó để tui đi làm mướn kiếm tiền mua sữa, mua thuốc... Nó toàn uống sữa bình, chẳng chịu bú nhờ. Có lẽ không có sữa mẹ nên nó bệnh đau liên miên. Đêm nào hai mẹ con tui cũng thay nhau dỗ nó. May mà có ông bác sĩ ở Tuy Hòa kê cho thuốc mà nó đỡ khóc...”.

Theo chị Mau, không hiểu sao từ nhỏ mắt Xuyến cứ mờ dần, chơi đồ chơi, viết chữ hay ăn cơm đều phải cúi sát vào. Thương con quá, nghe có đoàn bác sĩ nước ngoài tới Tuy Hòa khám mắt, dẫu chưa lần nào đi Tuy Hòa, nhưng chị Mau cùng chồng cũng liều bồng Xuyến vô tận nơi có bác sĩ, chen lấn xin khám. “Không biết tui nghe có đúng không khi người ta bảo nó cận tới... 22 độ gì đó” -chị Mau nói. Sau khi khám, biết hoàn cảnh ra đời của Xuyến, có người trong đoàn khám đã “lén” cho Xuyến một lô kính, đủ cỡ cận. Sau khi đeo kính, xem ra tầm nhìn của Xuyến có đỡ hơn. Còn trước đó, vì không có kính, không nhìn được chữ nên Xuyến phải nghỉ học mất mấy năm, giờ mới lớp 3, chứ không thì đã lớp 6, lớp 7 rồi...

Chị Mau cho biết: “Hồi chị Mủn mới mất, cũng có nhiều người trợ giúp nhưng chủ yếu bên phía anh Dưỡng nhận, sau đó có cho lại một ít để mua cho bé Xuyến sữa, quần áo, bánh kẹo... Riêng ông Chủ tịch Công ty Minh Phụng nghe nói có hứa tặng con Xuyến mỗi tháng năm trăm ngàn đồng. Hồi đó năm trăm ngàn lớn lắm. Nhưng, mới gửi được 3 tháng thì công ty ông ấy bị đổ bể. Kể cũng tội...”. Chị Mau tỏ ra quyết tâm: “Ở nhà quê, cũng như nhiều người khác, nhà mình thiếu thốn tứ bề nhưng đã nhận làm con mình thì phải ráng sức, bất kể làm mướn, làm thuê gì cũng phải lo nuôi nấng con nên người. Ai cho gì, giúp gì thì ở đây rất cảm ơn. Có thêm cái áo, cuốn sách cho nó bằng chị bằng em thì cũng ấm lòng...”.  

Cô bé cận thị

Trong lúc chị Mau kể chuyện thì Xuyến xách cặp từ trường về. Cô bé đeo kính dày cộp nhưng khá linh hoạt. Trông em thấp đậm nhưng khỏe mạnh, áo quần sạch sẽ. Chị Mau cho rằng bé Xuyến giống ba (anh Dưỡng - PV) hơn là giống mẹ. Chúng tôi hỏi: “Xuyến học chậm mấy lớp, có mặc cảm gì không?”. Xuyến hồn nhiên: “Lớp con cũng có mấy bạn học chậm, trong đó có bạn còn cao hơn con nên cũng không có gì mắc cỡ. Hơn nữa, thầy, cô, bạn bè đều rất vui và động viên con. Hồi đó tại con nhìn không rõ chứ không phải học tệ. Bây giờ có kính đeo, và được cô cho ngồi bàn đầu nên nhìn bảng thấy đỡ hơn dù không rõ lắm. Do vậy, chủ yếu là con nghe rồi chép vào vở cho thật kỹ”.

Bé Xuyến cho biết má Mau cũng đã nói rõ hoàn cảnh cha mẹ ruột với em. Ban đầu cũng thấy tủi thân, nhưng nhờ có bà ngoại (mẹ chị Mau), ba má và em Nghĩa (con ruột chị Mau) thương yêu nên em ít nghĩ chuyện cũ.

Chúng tôi hỏi Xuyến có bao giờ gặp ba Dưỡng và hai anh ruột của mình không, Xuyến thưa: “Ba có tới gặp con một, hai lần gì đó, nhưng vì lạ quá nên con không dám nhận. Từ đó ba đi biệt không thấy lại bao giờ. Còn hai anh (tên thường gọi là Chó Anh, Chó Em) hôm trước khi tình cờ gặp nhau trên đường, hai anh có mua cho con một lố sữa hộp”.

Chị Mau kể: “Hai thằng anh cũng rất thương em Xuyến. Hồi tụi nó còn đi xin ở chợ La Hai, có lần tụi nó ghé lại đây nói với con Xuyến “em ơi, em về ở với tụi anh đi” nhưng con Xuyến không chịu. Hai thằng anh con Xuyến bây giờ xóm làng cũng chẳng biết nơi đâu...”.

Chúng tôi tìm đến trường Tiểu học Xuân Phước số 2, nơi em Xuyến đang học lớp 3A. Cô giáo chủ nhiệm Lương Thị Miên cho biết em Xuyến khá ngoan, chăm học dù mắt rất yếu. Cô Miên bày tỏ, rất mong ai đó quan tâm hỗ trợ cho em Xuyến được mổ mắt.

Chúng tôi trở lại thôn Long Hà (La Hai) để tìm căn nhà của anh Dưỡng (bố ruột em Xuyến) ở trước khi bỏ đi biệt xứ. Đường vào nhà Dưỡng là những con suối đá lún đang mùa mưa. Ngôi nhà xây nhỏ ở cuối làng, thường xuyên đóng cửa, bên trong có bàn thờ chung mẹ Dưỡng và chị Mủn. Theo hàng xóm, thỉnh thoảng vợ chồng người anh ruột của Dưỡng là ông Nguyễn Huệ có đến thăm nom, quét tước.

Mới 52 tuổi nhưng ông Huệ trông già hơn tuổi. Ông Huệ trầm ngâm: “Sắp đến giỗ con Mủn rồi, ngày 18.11 âm lịch. Có gì tôi giỗ nấy, coi như thay mặt thằng em dại dột để tưởng nhớ con vợ xấu số của nó...”. Lúc chiều, khi chúng tôi đến gặp Xuyến, chị Mau cũng nói tương tự... Vậy là, vẫn còn người nhớ đến người phụ nữ bất hạnh đó. Ông Huệ cho biết thêm, lâu lâu cũng vào thăm cháu Xuyến, thấy nó lớn và được đi học, vợ chồng ông mừng nhưng nghèo quá nên chẳng giúp cháu được gì...

* * *

Chúng tôi rời phố huyện La Hai khi hoàng hôn đã xuống. Câu chuyện thương tâm về cặp vợ chồng cùng cực và cô bé Xuyến cứ ám ảnh chúng tôi.

Khi còn sống, chị Mủn trong cơn vượt cạn đã phải lựa chọn dứt khoát giữa tính mạng và sự sống của đứa con. Và chồng chị _ anh Dưỡng _ vì nghèo khó, thiếu hiểu biết đã hành động bằng cách mổ bụng vợ mình. Mẹ chết để con được sống, đó là một sự hy sinh. Mặc dù nay, gia đình anh Dưỡng đã mỗi người một phương để lại căn nhà nhỏ lạnh lẽo, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng khi bé Xuyến đang sống trong một mái ấm của chị Mau, mái ấm của tình người.

Phóng sự của Lê Anh Đủ - Hùng Phiên

>> Cô bé sinh ra bằng dao thái rau - Kỳ 1: Đi tìm cô bé đáng thương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.