Nơi lòng tốt lan tỏa

22/07/2012 03:20 GMT+7

Sau hơn 1 tháng ra quân, chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2012 đã khép lại vào chiều 21.7 tại TP.HCM, với sự tham dự của hơn 700 sinh viên tình nguyện - đại diện cho hàng chục ngàn tình nguyện viên trên cả nước.

 

Chương trình Tiếp sức mùa thi 2012 đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 670.733 lượt thí sinh và phụ huynh, vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, giới thiệu 47.414 chỗ trọ miễn phí và 210.966 chỗ trọ giá rẻ; tặng 301.156 cẩm nang tư vấn và 667.888 bản đồ, 111.012 suất ăn miễn phí...

Ban tổ chức đã trao 36 bằng khen của T.Ư Hội Sinh viên VN, 35 bằng khen của UBND TP.HCM, nhiều giấy khen của Thành đoàn và Hội Sinh viên TP.HCM cho những tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực cho chương trình.

Tại buổi tổng kết, anh Vũ Thanh Mai - Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên VN, nhận xét: Chương trình năm nay mở rộng quy mô và địa điểm hoạt động ở 12 tỉnh, thành lớn trên cả nước, đạt nhiều kết quả thiết thực và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho xã hội và đông đảo thí sinh, phụ huynh. Còn ông Bùi Văn Huống - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, khẳng định sự tự hào của doanh nghiệp này khi được chung vai sát cánh, chia sẻ bớt những khó khăn để thí sinh tập trung vào việc thi cử.

Thể hiện tinh thần tương thân tương ái sâu sắc, chương trình luôn là nơi kết nối, hội tụ và lan tỏa của hàng triệu trái tim nhân ái trong xã hội. Điều này được bộc bạch qua những lời chia sẻ chân chất của đôi vợ chồng Võ Thị Nguyệt - Thạch Ngọc Khanh (hành nghề xe ôm lâu năm ở Bến xe Miền Đông): “Người ta giàu thì giúp tiền bạc, còn mình nghèo thì giúp sức lực và tấm lòng”. Ông Khanh cho hay, năm nào cứ tới mùa thi, ông và một số xe ôm khác chủ động hỏi những tình nguyện viên xem có thí sinh nào khó khăn sẽ lập danh sách đưa rước giá rẻ. Trước câu hỏi cắc cớ là “rẻ” cỡ nào, ông Khanh nói:  “Ví dụ chở người ta lấy 50.000 đồng, thì thí sinh chỉ lấy 15.000 đồng. Nếu hoàn cảnh quá khó khăn thì tụi tui không lấy tiền”. Bà Nguyệt cho biết thêm, do quá “ghiền” Tiếp sức mùa thi và sinh viên nên khi có điều kiện mở quán cơm nho nhỏ trong bến xe, vợ chồng bà đã đặt tên quán là Sinh viên.

Bà Nguyễn Thị Như Hòa - một chủ nhà trọ tại TP.HCM, bộc bạch: “Mẹ con tôi từng nằm trong cảnh khổ nên thấu hiểu hoàn cảnh của những em vùng sâu vùng xa. Căn gác của chúng tôi rất nhỏ bé, hầu như không có vật dụng gì nhưng năm nào cũng đón những thí sinh nghèo về sống chung, để các em đỡ được đồng nào hay đồng đó”.

Nơi lòng tốt lan tỏa
Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trao bằng khen cho các tình nguyện viên xuất sắc - Ảnh: Như Lịch

Mặc dù phải làm thêm để kiếm kế sinh nhai nhưng Nguyễn Thành Trường - sinh viên Trường ĐH Sài Gòn vẫn tranh thủ tham gia trực đêm đón thí sinh. Trong khi đó, Nguyễn Thị Hồng Thái - sinh viên ĐH Tây nguyên kể lại kỷ niệm bản thân đã nhận được sự “tiếp sức” chu đáo từ những tình nguyện viên: “Năm 2011, do nhà nghèo nên chỉ mình em lặn lội đi thi với rất nhiều áp lực, trong đó có nỗi lo về nơi ăn chốn ở. May em được các tình nguyện viên đưa về phòng trọ cho ở miễn phí”. Và như một lời tri ân chương trình, tri ân xã hội, đến khi trở thành sinh viên, Hồng Thái tự nguyện chìa cánh tay mình ra để tiếp tục “rước người đi sau”.

Như Lịch

logo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.