Nguồn cung của thị trường lao động Việt Nam hụt cả lượng và chất

22/12/2009 11:06 GMT+7

Trong số LĐ có việc làm ở VN có tới 70% việc làm không ổn định, dễ bị tổn thương và rơi vào nghèo đói. LĐ trong nông nghiệp vẫn giữ tỉ lệ lớn nhất và có tới 84% trong tổng số việc làm ở khu vực nông thôn là những LĐ tự làm việc hoặc làm việc cho gia đình không được trả lương...".

Đó là một vài nét trong bức tranh về thực trạng cung-cầu LĐVN do Bộ LĐTBXH vừa tổng kết, báo cáo Chính phủ.

Thiếu, mất cân đối lớn về lượng

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy: LĐVN tập trung phần lớn ở nông thôn (chiếm 73,5% lực lượng LĐ cả nước), trong khi đó nhu cầu tập trung ở trung tâm các tỉnh, TP thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tổng hợp từ các trung tâm GTVL, sàn giao dịch cả nước năm 2009, có trên 100.000 chỗ làm việc còn trống cần LĐ, nhưng số người đăng ký tuyển dụng chỉ bằng 17% so với nhu cầu và số LĐ được tuyển dụng vào làm việc chỉ chiếm khoảng 6% nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Trong các vị trí tuyển, có tới 80% là nhu cầu LĐPT, chủ yếu của các DN ngành may, giày da, chế biến nông, lâm sản. Tuy nhiên, TT GTVL các tỉnh mỗi năm chỉ có thể cung ứng 20% nhu cầu của các DN, cơ sở SX trên địa bàn. Ví như ở Đồng Nai, theo báo cáo của Sở LĐTBXH, hàng năm tỉnh này thiếu hụt khoảng 20.000 LĐ, trong đó thiếu khoảng 5.000 LĐ đã qua đào tạo và 15.000 LĐPT; TPHCM năm 2009 cần 61.527 người, tỉnh Bình Dương là 41.600 người...

Bất ổn về chất

Số liệu khảo sát thị trường LĐ tại một số tỉnh, có trên 50% DN gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ mà nguyên nhân là chất lượng LĐ không đáp ứng được yêu cầu của DN. Theo đánh giá của các chủ sử dụng LĐ nước ngoài, LĐVN làm việc khéo léo, chăm chỉ nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc cường độ LĐ cao, cần sức dẻo dai. Bằng chứng là khi DN tổ chức khám lại sức khoẻ cho LĐ, có tới 15% LĐ sức khỏe yếu và khoảng 5% phải chú ý về sức khỏe như nhẹ cân, huyết áp cao...

Hơn nữa, trình độ, tay nghề của LĐVN còn quá thấp với 65,25% LĐ không qua đào tạo, 78% thanh niên trong độ tuổi 20-24 khi tham gia thị trường LĐ chưa được đào tạo nghề hoặc được đào tạo nhưng hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp (SV tốt nghiệp ĐH ra trường cũng chỉ có khoảng 30-40% là làm việc được ngay, 60-70% phải đào tạo bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng...).

Trước những thách thức trên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà cho biết, bộ vừa trình Chính phủ một số giải pháp nhằm cân đối cung-cầu LĐ, như: Củng cố, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các tổ chức hoạt động dịch vụ GTVL; phát triển mạng lưới giao dịch việc làm xuống thôn, bản; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường LĐ...

Cả nước hiện có 47,25 triệu LĐ có việc làm, trong đó: LĐ làm việc trong các ngành nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 47,7%, công nghiệp-xây dựng 21,5% và thương mại-dịch vụ 30,8%. Người LĐ làm việc trong kinh tế gia đình không hưởng lương chiếm tỉ lệ cao nhất (42%), những người làm công ăn lương chiếm gần 23% tổng số người có việc làm.

(Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Ngọc Bảo / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.