9h sáng nay (20/12): Khai thông hành lang kinh tế Đông-Tây

20/12/2006 00:42 GMT+7

9h sáng hôm nay 20/12, cầu Hữu nghị số 2 nối tỉnh Mục Đa Hãn (Thái Lan) và Savannakhet (Lào) chính thức khai thông. Như vậy, toàn bộ hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối từ Myanmar đến cảng Đà Nẵng đã hoàn toàn thông tuyến. PV Thanh Niên có mặt tại thành phố Kaysone Phomvihane - thủ phủ của tỉnh Savannakhet và gửi về bài tường thuật sau đây.

Tôi có mặt tại Savannakhet  trước lễ khánh thành cây cầu Hữu nghị số 2 bắc qua sông Mê Kông giữa Thái Lan và Lào. Cây cầu nối hai tỉnh Mục Đa Hãn và Savannakhet rộng 12 mét, dài 1.600 mét này bắt đầu từ ý tưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra từ năm 1992 và được chính thức khởi công từ ngày 21/3/2004 với tổng vốn đầu tư trên 8 tỉ yen do JBIC (Nhật Bản) tài trợ với phần vay chia đều cho hai nước Thái và Lào.

Khắp nơi ở tỉnh có 800 ngàn dân này mấy hôm nay đều trở nên sôi động với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm hàng hóa; cờ treo rợp những con đường từ cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) về đến thành phố tỉnh lỵ Savannakhet. Lúc 9h sáng nay, Công chúa Thái Lan, Phó chủ tịch nước CHND Lào và 3 Thủ tướng Thái, Việt, Lào sẽ cắt băng khánh thành và tham dự buổi lễ long trọng này cùng với hàng vạn người dân hai bên biên giới và doanh nghiệp Việt, Thái, Lào.

Ngay sau lễ thông cầu ngày 20/12 và 22/12 sẽ có các đoàn Caravan với 200 xe du lịch từ Thái Lan lần đầu tiên đi qua cầu Hữu nghị số 2, tham quan các di sản văn hóa miền Trung Lào và qua cửa khẩu Lao Bảo đến Huế, Đà Nẵng, Hội An và trở lại Lào qua cửa khẩu Bờ Y thuộc tỉnh Kon Tum. Trong đoàn Caravan, cũng lần đầu tiên có nhiều xe và du khách các tỉnh ven biển miền Trung nước ta tham dự. Lãnh sự Việt Nam Nguyễn Minh Tâm tại Savannakhet cho biết, chính làn sóng đầu tư nhộn nhịp từ Thái Lan sang miền Trung Lào trong vài năm qua là bắt đầu từ những khách du lịch giàu có tham gia các tour Caravan này. Thống kê cho thấy từ năm 1992 đến nay, đã có 52 công ty nước ngoài đầu tư tại Savannakhet với tổng vốn trên 407 triệu USD; trong đó 6 tháng đầu năm 2006 có 12 dự án với số vốn hơn 46 triệu USD đã được cấp giấy phép. Tuy vậy, nhìn trong danh sách các nhà đầu tư, Việt Nam chỉ có 4 dự án với số vốn khiêm tốn chưa đầy 3,6 triệu USD thuộc các ngành thương mại, sản xuất đồ gỗ và nông nghiệp. Con số này quả là quá nhỏ trong lãnh vực đầu tư.

Trong khi đó, mặc dù trong năm 2006 lần đầu tiên đã có trên 20 ngàn du khách đến Việt Nam theo đường bộ qua hành lang này, nhưng các công ty lữ hành Việt Nam cũng chỉ làm đơn vị vận chuyển, hướng dẫn tham quan, chứ chưa thật sự có sự kết nối trọn gói. Vì vậy, nguồn thu từ du khách cũng còn rất nhỏ. Những cản ngại cho việc phát triển các tour du lịch qua đường 9 là ở chỗ: 1- Xe tay lái nghịch vào VN còn hạn chế, phải có xe dẫn đường và khóa đuôi để bảo đảm an toàn, và 2- Xe buýt Việt Nam không được chạy xe không đi đón khách trên lãnh thổ Lào. Ông Nguyễn Minh Tâm nói: Tất cả những cản ngại như vậy đang chờ những hiệp định chính thức của lãnh đạo các ngành giao thông vận tải, du lịch của ba nước (sắp họp tại Champasac).

Cùng ý kiến đó, người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan nói thêm: Vấn đề tay lái nghịch hạn chế tham vọng của những nhà tổ chức loại hình tour này ở Thái và ảnh hưởng đến sự giao lưu văn hóa với nhân dân các nước láng giềng.

Cửa khẩu Lao Bảo giữa VN và Lào. Ảnh: T.Đ.T

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp ở Savannakhet trong mấy ngày qua, ngoài 19 tỉnh thành phố ở vùng Đông Bắc Thái Lan thì các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam có rất nhiều lợi thế để hưởng lợi từ dự án cầu Hữu nghị số 2 này. Tỉnh trưởng Mục Đa Hãn nói: "Hàng hóa Đông Bắc Thái xuất khẩu qua cảng Đà Nẵng sẽ ngắn hơn xuất qua cảng Laemchabang thuộc tỉnh Chonburi Thái Lan (cách  gần 1.000 km), nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được tạo ra cho người dân. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan lại cho rằng không chỉ phát triển nguồn khách du lịch qua tuyến đường này, mà các hãng xe loại 4WD và Pick up cũng đã bắt đầu gia tăng doanh số lẫn đầu xe bán ra phục vụ cho các tour Caravan trong hai năm qua.

Trong công nghiệp, đã có 17 doanh nghiệp Thái đầu tư tại Savannakhet trong tổng số 52 dự án FDI tại đây với số vốn trên 65 triệu USD trong các ngành may mặc, nông nghiệp, nguyên liệu giấy, chế biến thực phẩm, nhà máy đường, dịch vụ vận tải và thương mại. Trong đó có những dự án lớn trên 10 triệu USD. Tỉnh trưởng Mục Đa Hãn nói rằng một dự án Trame way đang được nghiên cứu để đầu tư nối Lào và Thái Lan nhằm tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa cho vùng Đông Bắc Thái. Tất cả những chuyển động ấy cho thấy  các nhà đầu tư Thái đang coi việc thông tuyến đường Liên Á này là một mối lợi không thể chậm chân. Ngay trong triển lãm chào mừng lễ thông cầu tại sân vận động mới ở Savannakhet, các gian hàng nông nghiệp, công nghiệp và thương mại của Thái Lan cũng chiếm phần quan trọng. Họ không chỉ đến để bán hàng mà còn giới thiệu cho nông dân Lào các phương pháp canh tác mía, cây nguyên liệu giấy...

Trong khi đó, các doanh nghiệp miền Trung Việt Nam đến Lào thì nhiều, ký cũng không ít các biên bản ghi nhớ về hợp tác, nhưng còn quá e dè, chậm chân. Nếu trừ đi các dự án hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo của Đà Nẵng (trị giá 14,5 tỉ đồng VN) trong những năm qua cho Savannakhet và các tỉnh Nam Lào, thì sự hiện hiện của người Việt trong con đường làm ăn tại Lào hãy còn quá nhỏ lẻ. Lãnh sự VN tại Savannakhet rất bận rộn trong việc sắp xếp các cuộc tiếp xúc cho các doanh nghiệp trong nước sang Lào, nhưng cho biết kết quả vẫn chưa có bao nhiêu. Ngay tại hội chợ nêu trên, chúng tôi cũng chỉ gặp vài chị người miền Trung, Đà Nẵng, Huế sang buôn bán quần áo, vài người dân Quảng Bình, Quảng Trị bán hàng rong ngoài cổng. Sự chậm trễ của doanh nghiệp Việt Nam trước một cơ hội lớn để hội nhập vùng như dịp này được coi là đáng tiếc.

Trương Điện Thắng
(từ Savannakhet)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.