Dọc đường mưu sinh - Bài 3: Sống nhờ giếng cổ

17/12/2008 02:03 GMT+7

Đó là một trong những giếng cổ hơn 1.000 năm tuổi, và là nguồn sống của hàng trăm gia đình ở Hội An...

Chiếc giếng kỳ lạ

Tên là Bá Lễ, giếng cổ nằm trong một con hẻm nhỏ nhắn, mượt mà và im ắng của đường Trần Hưng Đạo, thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An, Quảng Nam). Chiếc giếng đầy rêu phong, cái thú vị nằm ở ngay trong lòng giếng cổ, những rêu phong, năm tháng hằn lên nét cổ kính rất riêng. Nước giếng Bá Lễ chưa bao giờ được sử dụng để tắm, để giặt, chỉ được sử dụng vào mục đích duy nhất phục vụ cho con người, đó là nấu nước uống và pha chế nấu các món ăn ngon. Nước giếng, được coi như thứ “nước thánh”, không ai được phí phạm vào những việc không hợp lý.

Theo những cụ già sống lâu năm ở vùng đất này kể lại, giếng nước này của người Chăm xưa. Chất liệu làm nên giếng cổ này, hệt như tháp Mỹ Sơn, cũng bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Các nhà nghiên cứu khảo cổ khẳng định, nó được sinh ra từ thế kỷ thứ VIII-IX.

Vào thời kỳ này, nước giếng Bá Lễ từng là một trong những loại hàng hóa khá độc đáo mà người xưa dành để bán cho các thuyền buôn Ba Tư, Ả Rập. Không bán lấy tiền, mà dùng để trao đổi lấy hàng hóa, sau đó hàng hóa này được đem ra phố bán lại cho người bản xứ. Ngay từ những ngày xa xưa đó, nước giếng Bá Lễ đã từng mang lại cho người dân sống trong vùng nguồn lợi lớn.

Cái tên Bá Lễ, xuất hiện tận sau này, khoảng vào thế kỷ XX, khi mà một người đàn bà tên là Bá Lễ, đã bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu hoàn toàn lại cái giếng cổ của người Chăm này, vì thấy được tầm quan trọng của cái giếng cổ với người dân trong vùng vào thời ấy. Nhờ vậy, giếng cổ được bảo tồn đến ngày hôm nay, giờ trở thành một nét văn hóa của người Hội An, và cũng là di tích lịch sử của thành phố Hội An bây giờ.

Không biết, có phải vì cái tích khá linh thiêng, hay vì thật sự giếng cổ đã mang đến cho người dân Hội An nhiều lợi nhuận từ vật chất đến tinh thần, nên càng ngày, giếng cổ Bá Lễ càng được trọng vọng. Có đến giếng vào những ngày lễ, tết, rằm, mùng một, mới thấy được sự tri ân mà người dân ở đây dành cho giếng cổ. Người đến tạ lễ với giếng cổ đông vui như hội. Sự kỳ lạ của giếng cổ, âu cũng là lẽ tất nhiên...

Vị ngon ẩm thực và kế mưu sinh

Người Hội An, không phải là làm “quá” lên những “chức năng” mà nước giếng Bá Lễ mang đến cho ẩm thực của vùng đất này. Một kiểm tra nho nhỏ, và kết quả, có đến 5-6 món ăn đặc trưng nhất của đô thị cổ này, đều không thể thiếu nước giếng Bá Lễ. Thiếu vị nước này, những đặc sản của Hội An hình như trở nên vô vị.

Đó là món cao lầu - một trong những “quốc hồn, quốc túy” của người Hội An. Nếu đem cao lầu đi một nơi khác để chế biến, thì mùi vị sẽ trở nên khác lạ, không còn hương vị đậm đà, không còn cái dẻo dai của sợi cao lầu. Những người làm cao lầu ở Hội An bật mí, sợi cao lầu được làm ra, phải có sự kết hợp từ nước giếng Bá Lễ, cùng với tro đốt của gỗ từ đảo Cù Lao Chàm thì sợi cao lầu mới dẻo, mới dai, mới thơm tho một cách thuần túy được.

Một món ăn khác, đó là 2 loại bánh: bánh bao và bánh vạc. Khách nước ngoài đặc biệt thích bánh vạc, và thậm chí còn đặt riêng cho nó một cái tên rất thơ “White Rose” (Hoa hồng trắng). Cả 2 loại bánh đều rất đặc trưng ở Hội An, khi “bồng” (nhồi) bột, phải dùng nước giếng cổ Bá Lễ để trộn trước khi bồng, thì bột mới thanh, mới dẻo và bánh mới có mùi vị thơm tho, riêng biệt.

 
Đôi vợ chồng gánh nước thuê 50 năm vẫn đeo đuổi nghề -Ảnh: Bảo Nguyên

Đặc biệt, món ẩm thực tốn hao rất nhiều giấy mực của các nhà báo, thi sĩ, nhà văn và cả giới họa sĩ, đó là món chè xí mà (còn có tên “chí mà phủ”). “Ông già xí mà” Ngô Thiếu, với hơn 60 năm bán loại đặc sản hiếm hoi này, đã quá nổi tiếng ở Hội An. Người ta bảo ông “chảnh” vì không chỉ việc chụp ảnh với ông bây giờ rất... khó, mà còn bởi, dù đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng ông nhất quyết, không bao giờ chịu hé răng tiết lộ bí quyết nấu chè xí mà ngon đến lịm người cho hậu thế.

Nhưng có một bí quyết, ông sẵn sàng tiết lộ, đó là nước nấu chè xí mà phải nhất định là nước giếng Bá Lễ. Và hàng chục món ẩm thực đặc sản khác của phố Hội, không thể thiếu vị ngon ngọt của giếng nước Bá Lễ. Vậy mới kỳ lạ...

Không chỉ “ban phát” cho người phố Hội vị ẩm thực đặc trưng, giếng cổ còn tạo cho hàng trăm gia đình cơ hội mưu sinh. Nói là hàng trăm thì cũng không quá, bởi chỉ riêng phục vụ cho các hàng quán nấu thức ăn bán, đã là rất nhiều rồi. Nhưng quan trọng ở chỗ, hàng chục gia đình, đã và đang sống dựa vào giếng Bá Lễ bằng nghề gánh nước thuê. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Đường và cụ bà Nguyễn Thị Mỹ, đều đã ngoài 70 tuổi, sống gắn bó gần 50 năm với nghề gánh nước thuê, và gánh nước giếng Bá Lễ.

Ông bà cụ, sau nhiều bài viết của báo chí, càng nổi tiếng nhiều hơn, đã trở thành một “di sản” của Hội An trong con mắt của du khách và những người làm du lịch. Và dường như, biết được giá trị của mình mới các gia đình sống ở phố Hội, nên giếng chẳng bao giờ biết cạn nước, dù ngày nắng hay mưa, mạch nước ngầm lúc nào cũng dồi dào tuôn chảy. Chiếc giếng cổ trông mộc mạc, đơn sơ, mà lại kỳ lạ đến không ngờ là vậy!

Bảo Nguyên

Bài 2: Người cắt tóc lấy tiền công theo giá vé số
>> Bài 1: Vá xe có bảo hành 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.