Mối đe dọa chung trên biển Đông

21/06/2014 09:00 GMT+7

Theo giới chuyên gia, các bên liên quan đến tranh chấp trên biển Đông cần cho thế giới thấy rằng tham vọng của Trung Quốc là mối nguy chung.

 Tàu chiến TQ hiện diện gần giàn khoan nằm phi pháp trong vùng biển VN - Ảnh: Hoàng Sơn
Tàu chiến TQ hiện diện gần giàn khoan nằm phi pháp trong vùng biển VN - Ảnh: Hoàng Sơn

Ngày 20.6, tại Đà Nẵng đã khai mạc hội thảo quốc tế chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức. Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo có cùng chung nhận định là sau khi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN, Trung Quốc (TQ) đã và đang có thêm nhiều động thái làm gia tăng căng thẳng và đáng quan ngại hơn nữa là không có dấu hiệu cho thấy nước này sẽ dừng lại.

Trả lời Thanh Niên bên lề hội thảo, luật gia Hoàng Việt (Đại học Luật TP.HCM) nói: “Giới nghiên cứu đã cảnh báo ngay từ năm 2010 là tham vọng bá quyền của TQ đối với các vùng biển là vô cùng lớn. Nếu chỉ phản đối bình thường thì chưa đủ để TQ dừng lại. Chúng ta cần cộng đồng thế giới cùng chung tay hành động để buộc Bắc Kinh dừng lại. Vấn đề ở đây là: khi nào cộng đồng quốc tế mới thấy được TQ là mối nguy chung?”. Đồng quan điểm trên, Giáo sư Carl Thayer cho rằng với việc gửi “bản tuyên cáo lập trường” lên TTK LHQ Ban Ki-moon vào ngày 9.6 về giàn khoan Hải Dương-981, TQ muốn cô lập VN trong cuộc chiến thông tin.

Trên thực tế, khi trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 30.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định khu vực TQ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên biển Đông, với 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu qua đây. Do đó, Thủ tướng chỉ rõ nếu không giải quyết việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của VN, chỉ một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Ngày 20.6, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng New Zealand John Key cũng nhấn mạnh TQ và các bên khác cần giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, tránh các hành vi làm gia tăng căng thẳng có thể ảnh hưởng tới lưu thông hàng hải và thương mại, theo Reuters.

Cần đưa vụ giàn khoan ra HĐBA

Giáo sư Thayer cho rằng các nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa và kêu gọi HĐBA LHQ đem vấn đề này ra bàn bạc nghiêm túc và thấu đáo. Rất có khả năng Bắc Kinh sẽ dùng tư cách Ủy viên thường trực tại HĐBA để phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào lên án hành vi của mình tại biển Đông. “Thế nhưng, dù có như vậy thì ít ra các cuộc tranh luận về tính nghiêm trọng của vụ giàn khoan cũng đã được tiếp tục. Và từ đó, cộng đồng quốc tế có quyền yêu cầu TQ rút giàn khoan”, ông Thayer nói.

Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ - châu Á Jerome Cohen thì đề xuất VN sử dụng các công cụ pháp lý cho cộng đồng quốc tế thấy rõ VN luôn tuân thủ các phương thức hòa bình nhằm giải quyết bất đồng, đối trọng với một TQ luôn ra rả về quyền lực mềm và chính sách “trỗi dậy hòa bình” nhưng hành động hoàn toàn ngược lại.

Các chuyên gia khác không tham gia hội thảo nhưng luôn theo dõi sát sao những diễn biến trên biển Đông cũng đã đưa ra nhận định. Giáo sư Joseph Nye, cha đẻ học thuyết “Quyền lực mềm”, nói với Thanh Niên: “Những động thái gần đây của TQ sẽ phá hủy hình ảnh một quốc gia hòa bình mà họ muốn theo đuổi, khiến các quốc gia bị ảnh hưởng càng xích lại gần nhau”.

Trung Quốc đưa 4 giàn khoan xuống biển Đông

Ngày 20.6, Reuters đưa tin TQ đang triển khai 4 giàn khoan dầu xuống biển Đông, gần 2 tháng sau khi nước này đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN.

Theo đó, giàn khoan Nam Hải 9 đến vị trí thăm dò tại vùng biển đảo Nam Du Lâm trong thềm lục địa của TQ vào ngày 20.6. Hai giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 sẽ được đưa đến vùng biển nằm giữa phía nam TQ và quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát, còn giàn khoan Nam Hải 4 sẽ nằm gần bờ biển TQ.

Reuters dẫn thông báo từ Cục Hải sự TQ cho rằng tất cả 3 giàn khoan này sẽ đến các vị trí hạ đặt vào ngày 12.8. Tuy 4 giàn khoan mới không xâm phạm chủ quyền của nước khác, nhưng giới quan sát cho rằng động thái triển khai ồ ạt này vẫn là “bước đi chiến lược” nhằm tăng cường ảnh hưởng, đẩy mạnh khai thác trên biển Đông cũng như “thị uy” các bên tranh chấp khác.

Minh Trung

Mỹ - Philippines tập trận gần Scarborough

Theo Reuters, hải quân Mỹ và Philippines sẽ tiến hành cuộc tập trận chung mang tên CARAT 2014 với một số hoạt động bắn đạn thật gần bãi cạn đang tranh chấp Scarborough từ ngày 26.6.

Dự kiến, sẽ có 5 tàu chiến tham gia cuộc tập trận kéo dài 1 tuần với Mỹ, gồm tàu khu trục USS Halsey, tàu tấn công đổ bộ USS Ashland, tàu cứu hộ USNS Safeguard, trong khi phía Philippines cử 2 tàu tuần duyên BRP Ramon Alcaraz và BRP Emilio Jacinto. Mục tiêu tập trận lần này là tăng cường khả năng phối hợp của lực lượng tấn công đổ bộ, triển khai các sứ mệnh đặc biệt và tấn công trên biển giữa hải quân hai nước.

Theo một số nguồn tin, địa điểm diễn tập nằm cách đội tàu công vụ TQ đang phong tỏa Scarborough khoảng 80 hải lý.

Thụy Miên

An Điền

 >> Trung Quốc có thể kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào Trường Sa
 >> Trung Quốc sẽ kéo thêm 3 giàn khoan ra biển Đông vào tháng 8
 >> GS Carl Thayer: Cần đưa vấn đề giàn khoan ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
 >> Đã có phương án đối phó với giàn khoan Nam Hải 9
 >> Trung Quốc sẽ còn đưa bao nhiêu giàn khoan nữa ra biển Đông?
 >> Trung Quốc tung giàn khoan thứ 2 ra biển Đông
 >> Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam
 >> Thêm 2 tàu quét mìn Trung Quốc xuất hiện ở giàn khoan Hải Dương-981
 >> Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển giàn khoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.