Thông tư ‘bự’ hơn nghị định

18/06/2014 03:00 GMT+7

Hồi tháng 3.2014, Ủy ban Thường vụ QH đã “tuýt còi” 2 bản dự thảo luật Tổ chức tòa án và dự thảo pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án vì “chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Do không bị kiểm soát bởi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên dư luận chỉ phát hiện ra điểm mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác của Thông tư 01/2014/TT-CA của Chánh án TAND tối cao, khi nó đã có hiệu lực (ngày 16.6.2014).

Trong khi theo Nghị định 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Báo chí, nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”, thì Thông tư 01 yêu cầu ngoài thẻ nhà báo, phải có giấy giới thiệu công tác mới được tác nghiệp tại tòa.

Việc yêu cầu xuất trình thẻ hành nghề (thẻ nhà báo) để tổ chức hoạt động tòa được quy củ, nghiêm túc là điều cần thiết. Nhưng nếu nói như ông Phó chánh án TAND tối cao, rằng, cần yêu cầu “giấy phép con” là vì “thực tế có nhiều phóng viên, nhà báo tới tham dự các phiên xét xử của tòa án nhưng chỉ để nghe thông tin cho biết, chứ không tác nghiệp, viết bài đăng báo” thì quả là khó lọt tai. “Nghe” là một nghiệp vụ rất cần thiết của nhà báo để thu thập thông tin, và những thông tin thu nhận được có thể chưa đủ để “viết bài đăng báo” lúc này, nhưng lại có thể sử dụng hữu ích vào lúc khác.

Có hai việc cần phải bàn ở đây: Thứ nhất, nếu nhà báo vi phạm pháp luật, thương mại hóa, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật, cơ quan quản lý khác, tòa không nên và không cần phải “ôm” việc của người khác. Thứ hai, quan trọng hơn, ban hành thông tư mà trái với nghị định là vi phạm pháp luật. Càng khó chấp nhận khi nó được ban hành từ một cơ quan cầm chịch thực thi pháp luật. Chưa kể, hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí nói chung và hoạt động báo chí tại tòa nói riêng là hạn chế quyền được biết thông tin thật của người dân và công luận. Điều này trái với chủ trương công khai hóa, dân chủ hóa hoạt động bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Thực tế, gần đây, những dạng văn bản như công văn, chỉ đạo, thông tư của các bộ, ngành được ban hành mang tính cấm đoán nhiều hơn là giúp đỡ người dân sống và làm việc theo pháp luật. Và điều đó có nghĩa là, việc xây dựng nhà nước pháp quyền còn rất gian nan.

Đồng Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.