“Vua” nghiệp dư

16/12/2010 16:39 GMT+7

Hằng ngày, họ đến các sân đấu nghiệp dư tìm cơ hội làm “vua sân cỏ”, vừa để mưu sinh, vừa thỏa niềm đam mê bóng đá.

Trên 200 ngàn/trận

Tại sân vận động Phú Thọ (Q.11, TP.HCM), các trường ĐH thường tổ chức giải bóng đá cho SV vào chủ nhật hằng tuần. Với Lê Quang, 25 tuổi, đây là cơ hội để anh có việc làm. Việc làm mà anh Quang nói đó chính là được thuê làm “vua sân cỏ” cho mỗi trận đấu. Ngoài anh Quang, còn nhiều thanh niên khác, trong đó có không ít SV cũng “cầm còi” tại đây.

“Các trường không có sẵn trọng tài. Vì thế, mình chủ động tìm đến ban tổ chức giải, liên hệ để được bắt chính”, Hoàng Tùng, SV năm 4 trường ĐH Hùng Vương, người làm trọng tài cho các trận đấu được hơn 2 tháng nay, cho biết.

Theo tìm hiểu, sau mỗi trận bóng, mỗi trọng tài được nhận tiền công từ 200.000 đồng - 350.000 đồng. “Thù lao cũng dựa vào trận đấu bao nhiêu người và thời gian bao nhiêu phút. Nếu cầm còi ở sân 7 người, trận đấu khoảng một tiếng đồng hồ thì được 200.000 đồng, còn ở sân 11 người, trong thời gian lâu hơn thì thù lao cao hơn” - Tùng nói.

Cũng theo Tùng, tại đây thường xuyên diễn ra các trận đấu, tuy nhiên chỉ có những giải đấu của các trường ĐH, CĐ tổ chức mới cần đến trọng tài và thường diễn ra vào cuối tuần. Tùng “cầm còi” được khoảng 3-4 trận đấu/ngày, thu nhập trên 800.000 đồng/tháng. Theo suốt giải đấu vài tháng cũng có thu nhập đáng kể. Còn anh Quang, thù lao mỗi tháng dao động từ 2,5-3 triệu đồng. Hầu hết các trọng tài ở đây đều mong sao những giải đấu có nhiều đội tham dự, diễn ra trong thời gian dài để có nguồn thu nhập cho cuộc sống.

Anh Trần Dũng, 26 tuổi, đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa có việc làm, “cầm còi” gần 5 tháng nay, cho biết đây là công việc rất bấp bênh, nhiều khi đến sân nhưng chẳng có trận đấu nào diễn ra, coi như ngày đó nghỉ việc. Chính vì thế, các trọng tài đều săn lùng từ trường này đến trường khác, thậm chí nhận bao sô luôn các giải của các khoa trong một trường.

Vã mồ hôi

Vừa hoàn thành công việc “cầm còi” cho một trận đấu của trường ĐH Tôn Đức Thắng xong, Huy (25 tuổi) nằm dài ra sân thở hổn hển, lấy sức để 10 phút sau lại bắt đầu công việc cho trận kế theo. Huy tâm sự: “Đừng thấy tiền thù lao cao mà ham, vì công việc này rất mệt và không hề đơn giản tí nào. Đầu tiên phải mua trang phục trọng tài, mua còi, mua các thẻ vàng, thẻ đỏ cũng tốn một khoản tiền không nhỏ. Sau đó, mình phải tìm kiếm sách vở học luật bóng đá để có thể điều khiển được trận đấu. Rồi hằng ngày phải chạy bộ tập thể lực tốt mới có thể chạy khắp sân cả tiếng đồng hồ”. Huy còn kể lại những ngày đầu mới vào công việc chạy cả buổi trời, xong trận là mệt muốn xỉu, ăn uống nuốt không trôi.

Theo các trọng tài, chuyện cảm bệnh là thường xuyên vì luôn phải chạy ngoài trời nắng nóng, có khi các trận đấu muộn, 11 giờ trưa vẫn phải làm việc. Ngoài ra, áp lực công việc trọng tài cũng không hề nhỏ, vì các trận đấu bóng chỉ có một trọng tài, không có trọng tài biên, nên phải quan sát khắp sân, chạy theo sát những tình huống trên sân để có những quyết định đúng, nếu không sẽ bị khán giả phản ứng la ó, thậm chí chửi rủa, bị kêu “đồ đui, đồ mù”... Nhưng theo Huy, sợ nhất là những trận đấu có ẩu đả, khi đó các trọng tài phải lo chạy tháo thân để tránh đá, chai lọ.

Kéo tay áo, chỉ vào vết sẹo trên bả vai, Trung - trọng tài của sân cỏ nhân tạo Huy Lâm (Q.8) kể lại sự cố cách đây hơn một tuần: “Khi đó trận đấu căng thẳng, trên sân đều là những cái đầu nóng, đến lúc xảy ra va chạm, mình cố gắng giải hòa nhưng hai đội cứ lao vào nhau, mình phạt bên này thì bên kia gây sự. Hai đội cứ lao tới, bị đánh bầm dập cả người, bị ném vỏ chai bể, đi may vết thương tốn gần một triệu đồng trong khi tiền công chưa đến 300.000 đồng”. 

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.