Trúng độc đắc vẫn đi làm

20/12/2008 14:35 GMT+7

Nếu trúng số hơn 6 triệu USD, bạn sẽ làm gì? Liệu bạn có tiếp tục ở lại với công việc của mình hay “về hưu non” để hưởng thụ cuộc sống?

Với chị Jolaine Routson, người vừa qua một đêm biến thành triệu phú, câu trả lời không chút do dự là “tiếp tục làm công việc mà tôi vô cùng yêu thích”.

Chị Routson là một trong 15 người may mắn trúng số độc đắc tổng trị giá 207 triệu USD ở thành phố Piqua, bang Ohio (Mỹ) hồi tuần trước. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chị đang có một nghề nghiệp sang với thu nhập hậu hĩnh. Đằng này, người phụ nữ 46 tuổi chỉ là nhân viên bộ phận công viên và giải trí của thành phố, một công việc thầm lặng với mức lương vô cùng khiêm tốn.

“Tôi luôn nói sẽ không bao giờ nghỉ hưu ngay cả khi đến tuổi. Vì thế việc trúng số đối với tôi cũng chỉ như một dịp để nhìn lại mình thôi” - chị Routson bộc bạch. Và khi nhìn lại, điều chị thấy là “nhận ra mình có thể thật sự chăm lo cho bố mẹ già, những người đã làm lụng cực khổ để nuôi mình khôn lớn”. Hai em trai và một em gái của Routson cũng nằm trong danh sách những người đầu tiên chị nghĩ đến: “Gia đình tôi luôn là ưu tiên số 1, trước bất cứ điều gì khác”.

Thông thường mỗi lần có người trúng giải xổ số Mega Millions (tên của loại giải thưởng xổ số hàng trăm triệu USD) là báo chí Mỹ có dịp khai thác rình rang. Lần này cũng không ngoại lệ. Những người mới trúng số ở Ohio, trong đó có chị Routson, được báo chí đặt cho biệt danh “Fortunate 15” (15 người số đỏ), đã trở thành đầu đề của rất nhiều tờ báo địa phương và báo mạng. Tuy nhiên, câu chuyện của họ có phần khác, bởi trong 15 người trúng số thì hết 14 người là nhân viên của Sở Dịch vụ công thành phố Piqua.

Điều thú vị là ngay sau khi tin tức này lan truyền, Tòa thị chính và Sở Dịch vụ công thành phố Piqua đã bị quá tải trước những cuộc gọi và những người đích thân đến xin việc làm để thế chỗ các “nhân viên triệu phú”, song tất cả đều bị từ chối vì chưa có ai ra đi. Ông Fred Enderle, ủy viên phụ trách việc quản lý hành chính của hội đồng thành phố Piqua, cho biết đã quyết định cho các nhân viên may mắn của mình nghỉ phép vài hôm để suy nghĩ. Nhưng nhiều người khẳng định chắc như đinh đóng cột sẽ quay lại làm việc.

Anh Loyal Davis, nhân viên bộ phận vệ sinh đường phố, không cần thêm bất cứ ngày nào để quyết định ở lại. “Tôi yêu công việc của mình” là lý do mà Davis tiếp tục gắn bó với công việc anh đã làm trong tám năm qua. Xem ra sự kiện bỗng nhiên trở thành triệu phú không gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống của những người vốn đã quen với việc lao động mỗi ngày. Có chăng là số tiền hàng triệu USD sẽ giúp mỗi người toại nguyện điều mà cuộc sống tằn tiện vì thu nhập khiêm tốn bấy lâu nay cản trở họ.

Thật xúc động khi hầu hết đều nghĩ đến cha mẹ trước tiên. “Tôi sẽ chu cấp tử tế cho bố mẹ mình đến hết đời” - anh Davis tự hào nói, đầu đội chiếc mũ ông già Noel trong buổi lễ nhận giải. Anh cũng sẽ dùng tiền để mua cho mình một thứ mà anh chưa bao giờ có: một chiếc xe mới cáu. Còn anh Amos Steinbrunner, 30 tuổi, người trẻ nhất trong số những người trúng số lần này, vẫn chưa biết sẽ làm gì với số tiền “từ trên trời rơi xuống”, ngoại trừ việc dùng nó giúp đỡ người bố đến tuổi về hưu.

Đến nay chỉ có một người trong nhóm “Fortunate 15” nộp đơn xin nghỉ hưu sớm. Đó là chị Cindy Hershberger, 45 tuổi, đồng nghiệp của chị Routson. Dù vậy với chị Hershberger, đây là một quyết định vô cùng khó khăn. “Tôi thích công việc của mình lắm, thật sự là thế. Nhưng còn nhiều việc khác mà tôi muốn làm”.

Chị cho hay sẽ trích một phần tiền cho người mẹ đã về hưu của mình, dành thêm nhiều thời gian chăm sóc mẹ và làm từ thiện. “Thật tuyệt khi được gọi cho mẹ và nói: Mẹ ơi, con sẽ mua cho mẹ một căn nhà. Cảm giác thấy mình có thể giúp một ai đó mới thích làm sao” - người phụ nữ may mắn tâm sự.

Trước khi trúng độc đắc, nhóm “15 người số đỏ” đã góp tiền để mua vé số trong suốt năm năm qua, mỗi tuần mua hai lần. Lần này họ đã mua số 10, 16, 19, 27, 48 và số độc đắc là 25. Khi trúng giải, họ có hai lựa chọn: hoặc lãnh 207 triệu USD trong 26 năm, tức mỗi năm 7,9 triệu USD cho 15 người, hoặc lãnh một lần tiền mặt 142,7 triệu USD. Họ đã chọn phương án hai.

Sau khi trừ thuế, tổng số tiền còn lại hơn 100 triệu USD được chia cho 15 người, mỗi người được hơn 6 triệu USD. AP cho biết “15 người số đỏ” đã tặng 100.000 USD cho siêu thị Kroger - nơi họ mua những con số may mắn. Số tiền này đã được ban quản lý siêu thị tặng lại các tổ chức từ thiện ở Piqua.

Theo Thanh Trúc/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.