Sẽ không thi tốt nghiệp như hiện nay

19/06/2014 08:00 GMT+7

Cuối giờ chiều 18.6, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí xung quanh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và những chuẩn bị để tiến tới một kỳ thi quốc gia.

Cuối giờ chiều 18.6, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí xung quanh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và những chuẩn bị để tiến tới một kỳ thi quốc gia.

 Thi tốt nghiêp THPT
Thí sinh tại TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kết quả chưa sát với chất lượng thật sự

* Bộ có khẳng định kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay có đúng thực chất hay không? Tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX tăng đột biến, có nơi tăng tới 40% so với năm trước, Bộ có nhận xét, đánh giá gì về hiện tượng này?

- Trước hết phải đánh giá rằng năm nay thi cử nghiêm túc hơn năm trước nên tỷ lệ tốt nghiệp cũng phản ánh sát chất lượng hơn năm trước. Cá nhân tôi thấy rằng kết quả này vẫn chưa sát được với chất lượng thật sự 100%, chắc là vẫn có chỗ để có thể làm nghiêm túc hơn. Do vậy, Bộ sẽ phân tích kết quả của kỳ thi năm nay để thực hiện kỳ thi năm sau phản ánh chất lượng ngày càng đúng hơn, kể cả GDTX và giáo dục phổ thông.

 

Kết quả này vẫn chưa sát được với chất lượng thật sự 100%, chắc là vẫn có chỗ để có thể làm nghiêm túc hơn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

* Sau kết quả thi năm nay, dư luận lại đặt vấn đề có nên bỏ kỳ thi này hay không? Ý kiến của Bộ GD-ĐT về điều này?

- Tôi có thể trả lời rằng bỏ thì không nhưng nhất định sẽ không thi như hiện nay mà phải đổi mới để nó ngày càng phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục, ngày càng khách quan hơn nhưng cũng ngày càng đơn giản, đỡ tốn kém đến một mức độ nhất định. Tôi nói là “đỡ” vì đã thi là nhất định phải tốn kém. Đã thi là phải có áp lực nhưng áp lực để cố gắng chứ không phải áp lực để quá tải. Áp lực này có thể đến với học sinh, đến với nhà tổ chức, đến với xã hội… nên sẽ cố gắng để giảm những áp lực không cần thiết.

* Cách ra đề thi môn văn có sự thay đổi lớn nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Vậy Bộ đã phân tích kết quả thi môn văn để có thể đánh giá được hiệu quả của việc đổi mới ra đề và chất lượng của thí sinh?

- Môn văn đến thời điểm này chưa phân tích được vì chưa có số liệu cụ thể, nhưng sau kỳ thi này Bộ sẽ phân tích, đánh giá, nhận xét toàn bộ về kỳ thi, trong đó có việc đánh giá về đề thi, điểm thi và thông qua đó đánh giá là coi thi có nghiêm túc hay không.

Đề thi có thể tốt, có thể chưa tốt. Nhìn chung dư luận đánh giá là tốt nhưng tôi tin rằng sang năm đề thi sẽ còn tốt hơn năm nay. Có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu đổi mới đúng hướng nhưng có đáp ứng được đúng yêu cầu mà chúng ta mong muốn hay chưa thì có thể trả lời là chưa.

“Tiến tới một kỳ thi thì phải chống tiêu cực”

* Trong chương trình hành động của Chính phủ có nội dung hướng tới sẽ tổ chức một kỳ thi duy nhất sử dụng cho xét tốt nghiệp THPT, là một trong những căn cứ quan trọng để tuyển sinh ĐH, CĐ. Sau đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ thấy đã có thể khẳng định thực hiện một kỳ thi duy nhất bắt đầu từ năm học sau được chưa? Để thực hiện một kỳ thi duy nhất, Bộ cần phải chuẩn bị những vấn đề gì?

- Đúng là sẽ tiến tới có một kỳ thi chung dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Tôi xin nói là sẽ có một kỳ thi chung chứ không phải chỉ còn một kỳ thi. Nghĩa là các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh, có thể dựa vào nó toàn bộ nhưng cũng có thể chỉ dựa vào từng phần, trường có thể có cách thức kiểm tra đánh giá thêm để tuyển sinh thế nào cho phù hợp nhu cầu tuyển sinh, nhu cầu đào tạo của các trường ĐH. Năm nay, đã có một số trường dùng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh rồi. Nhưng chúng ta sẽ tiến tới thực hiện kỳ thi này ngày càng hoàn thiện hơn, ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi với hai mục đích.

Nghị quyết 29 có nói rõ là tiến tới kỳ thi đánh giá phải sát, đúng với chất lượng thật và được xã hội thừa nhận. Ở đây quan trọng nhất là được xã hội thừa nhận, trường ĐH, CĐ có dùng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh hay không. Đấy là một hình thức mà xã hội thừa nhận. Còn để tiến tới được một kỳ thi như vậy thì tất nhiên phải chống tiêu cực thì mới đảm bảo khách quan, công bằng.

* Vậy theo ông khâu nào là quan trọng cần tập trung để thực hiện một kỳ thi đó?

- Phải chú ý đến rất nhiều việc thì kỳ thi mới đúng như nguyện vọng của chúng ta. Thứ nhất đề thi phải phản ánh được yêu cầu đánh giá phẩm chất và năng lực người học chứ không phải chỉ có đơn giản là nhìn xem học sinh học được bao nhiêu, được kiến thức gì như hiện nay.

Thứ hai là đề thi đó phải có tác dụng phân hóa tốt, người giỏi phải được điểm cao, người yếu phải được điểm thấp. Hiện nay đề thi cũng đã bắt đầu đáp ứng được điều đó nhưng cố gắng làm cho nó tốt hơn. Làm thế nào để kỳ thi phản ánh khách quan thì phải tính tiếp những việc như đơn vị nào đứng ra tổ chức thi; ai làm nhiệm vụ coi thi; ai làm nhiệm vụ chấm thi; ai làm nhiệm vụ ra đề? Nói chung là rất nhiều công việc phải lo, phải chuẩn bị. Chúng ta sẽ học kinh nghiệm của quốc tế, sẽ phát huy kinh nghiệm của chúng ta. Bộ sẽ xây dựng các phương án, xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành. Kể cả sẽ mời chuyên gia quốc tế về để họ hướng dẫn cho. Sau đó trình Chính phủ phê duyệt, nếu đạt yêu cầu sẽ triển khai.

* Một trong những giải pháp chống tiêu cực mà các chuyên gia đề xuất là lắp camera trong phòng thi. Một số doanh nghiệp về công nghệ thông tin cũng cho rằng họ sẵn sàng hỗ trợ ngành giáo dục để có thể kiểm soát được kỳ thi này qua hệ thống camera, miễn là họ có một cơ chế hành lang pháp lý để thực hiện. Bộ có tính đến việc này?

- Chống tiêu cực thì cần rất nhiều giải pháp, từ khâu tổ chức dạy học đến ra đề, đến tổ chức thi. Tôi không nói về một giải pháp giáo dục mà tôi nói nhiều giải pháp khác nhau. Và việc lắp camera trong phòng thi, nói thật là điều đó đã được cân nhắc đến sát nút kỳ thi năm nay rồi mới quyết định là chưa làm được việc đấy.

98,99% học sinh tốt nghiệp

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT: Đến chiều 18.6.2014, đã có 60 sở GD-ĐT báo cáo kết quả tốt nghiệp về Bộ. Tỷ lệ khối THPT là 98,99% (năm 2013 là 98,97%). Khối GD thường xuyên là 88,91% (năm 2013 là 78,08%).

Tuệ Nguyễn (ghi)

 Tuệ Nguyễn - Vũ Thơ

 >> Bộ GD - ĐT khẳng định 'kết quả thi tốt nghiệp THPT đã thực chất hơn
>> Thêm 3 tỉnh công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT
>> Vĩnh Long, Bình Thuận công bố kết quả thi tốt nghiệp
>> Thêm nhiều tỉnh công bố điểm thi tốt nghiệp THPT
>> Lâm Đồng: Hơn 100 bài thi tốt nghiệp THPT bị điểm liệt
>> Tỉnh đầu tiên công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT
>> Chấm thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh yếu kỹ năng đọc hiểu
>> Đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.