Câu đối “xà bần” ở đền Trạng Trình

17/06/2013 03:15 GMT+7

Bất chấp vẻ ngoài vàng son, câu đối tại đền thờ Trạng Trình (H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng) sai sót lộn xộn, xúc phạm danh nhân.

Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng đối với người dân ở đây rất quan trọng. Không chỉ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của TP, nơi đây còn thu hút du khách trong và ngoài nước. Khách Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đến chiêm bái khá nhiều. Đền nom khang trang, với nhiều hoành phi, câu đối được sơn son, thếp vàng. Trông là thế, nhưng những vàng, những son lại rất “xà bần” về ngữ nghĩa do bị viết nhầm.

 
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở khu di tích - Ảnh: Vũ Dũng

“Hiện tượng viết nhầm này đã diễn ra từ lâu”, một nhà nghiên cứu ở Viện Văn học cho biết. Cũng theo nhà nghiên cứu này, hồi tháng 5.2012, một số lỗi đã được khắc phục. Trong đó có việc chỉnh lại để chữ gió xuân “Xuân phong” không còn bị nhầm thành con rận mùa xuân “Xuân sắt” do thiếu một nét nữa. Tuy nhiên, sau khi sửa hai chữ trên, sai sót ở đây vẫn còn nhiều. Trong số đó, thậm chí có cả những lỗi sơ đẳng, chỉ cần biết chút ít chữ Hán, chữ Nôm là có thể nhận ra ngay.

Chẳng hạn, có câu “Hải tang tang hải, duy hữu Nguyễn tộc Trạng nguyên từ vô khuyết/Cổ kim kim cổ, đương cảnh danh tính hinh hương thiện bất vong”. Nghĩa là “Bể dâu dâu bể, chỉ có đền thờ Trạng nguyên họ Nguyễn là không hề mẻ sứt. Cổ kim kim cổ, họ tên ở chốn này thơm hương, tốt không quên”.

Trong câu thơ này, chữ “tính” (姓) với nghĩa là họ tên danh tính đã bị viết nhầm thành chữ “tính” (性) nghĩa là “tính tình”. Cách đối ở đây cũng không chỉnh. Các thanh điệu bằng trắc và cấu trúc ngữ pháp trong “câu đối” cũng không đối nhau. “Đây đúng là loại câu đối chắp vá quàng xiên. Hiển nhiên chỉ có người ít học mới sáng tác ra một câu đối nghĩa lý tù mù, sai nhiều như thế”, nhà nghiên cứu ở Viện Văn học cho biết.

“Nấu chín đền thờ, quả phúc đã hết”

Một câu đối khác ở phía ngoài khu vực thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng sai sót tương tự. Đó là câu “Trình quốc đại danh nam dữ bắc. Am hương thắng địa thục nhi từ”, nghĩa là “Đại danh của Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm vang dội cả phương nam lẫn phương bắc. Đất danh thắng ở làng Trung Am vừa là trường học, vừa là đền thờ”.

 
Chữ “Con rận mùa xuân” đã được sửa lại cho đúng là “Gió xuân” (trái).  Cặp câu đối, trong đó vế thứ 2 chữ “thục” là trường học bị sai thành nấu chín. Đây là lỗi viết sai do đồng âm - Ảnh: Trường Phong

Đáng tiếc, chữ “thục” (塾)  là “trường học” đã bị viết nhầm thành “thục” (熟) với nghĩa là “nấu chín”. Vế thứ hai của câu đối trở thành buồn cười. “Đất danh thắng là làng Trung Am vừa bị nấu chín, vừa là đền thờ? Thật khôi hài”, nhà nghiên cứu cho biết.

Nhưng chưa hết, lừng lững chính giữa am Bạch Vân còn có hoành phi viết ba chữ lớn: “Hối bất quyện”, nghĩa là dạy không biết mỏi mệt. Ba chữ này vốn lấy ý từ sách Luận ngữ. Trong Luận ngữ, Khổng Tử từng tự nhận mình: “Học không biết chán, dạy người không biết mệt”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đương thời là bậc danh sư, dùng ba chữ “Hối bất quyện” quả là xác đáng.

Tuy nhiên, chữ “hối” (誨) nghĩa là “dạy” trong hoành phi trên đã bị viết thành  “hối” (悔) trong từ “hối hận”. Do đó, “Dạy không biết mệt” thành ra “Hối hận không biết mệt - Hối hận không nguôi”. Việc ca ngợi trở thành sỉ nhục danh nhân.

Qua chùa Song Mai bên cạnh, vốn cũng thuộc quần thể di tích này, hoành phi câu đối cũng có hiện tượng sai sót tương tự. Câu đối mé ngoài tam quan viết có ý rằng phía nam dựng am Bạch Vân, hai ngọn hun đúc nên khí anh tú; phía bắc sông Hàn chảy, một dòng lẫm liệt uy linh.

Tuy nhiên, chữ “chung” (鍾) có nghĩa là “chung đúc” bị viết nhầm thành “chung” (終) có nghĩa là “cuối cùng”. Do đó, ba chữ “chung tú khí” nghĩa là hun đúc nên khí tinh anh đã “quay 180 độ” thành ra khí anh tú đã chấm dứt.

Cũng theo “cảm hứng nổi loạn” của những hoành phi câu đối trên, câu đối “Hai ngọn Tốn bút hun đúc nên quả phúc/Một dải sông Hàn nuôi dưỡng tâm hoa” cũng bị sửa cho sai thê thảm. Người ta đã nhầm chữ phong tước thành niêm phong, chữ chung với nghĩa hun đúc thành cuối cùng. Theo đó, vế đối này nghĩa là: “Tốn bút, cả hai đều bị niêm phong, quả phúc đến đây là hết”.

“Trên đây chỉ là một vài trường hợp sai sót chữ nghĩa tiêu biểu tại di tích này mà tôi đã chứng kiến. Song đó cũng chưa phải là tất cả”, nhà nghiên cứu cho biết.

Đáng lo ngại nhất, những du khách Trung Quốc, Đài Loan, hay Nhật Bản, Hàn Quốc đều biết chữ Hán. Khi tới thăm di tích, nhận ra các sai sót như trên thì hình dung về nền văn hiến của nước nhà sẽ ra sao. Khi đó ngay cả quốc thể cũng khó mà còn toàn vẹn. “Với câu đối, hoành phi như ở di tích trên, có thể tóm lược lại là: Trạng Trình hối hận khôn nguôi, hỏi xem quả phúc bao đời còn không? Muôn năm thánh cũng khốn cùng, bọn ta lên thứ còn mong nỗi gì?”, nhà nghiên cứu đau đáu.

Ý kiến:

Thiếu hiểu biết

Việc viết sai chữ trong di tích là khá phổ biến. Đây là những biểu hiện cụ thể và sống động cho sự đứt gãy văn hóa khi từ bỏ văn tự truyền thống. Nó cũng thể hiện sự tắc trách, thiếu hiểu biết trong quản lý, trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa hiện nay. (TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Nên hạ xuống

Chữ Hán trong các hoành phi câu đối mới làm ở các di tích bị viết xấu và sai có nhiều lý do. Có thể do thợ đục xấu, cũng có thể do người viết xấu, viết sai. Một kiểu sai thường thấy là sai do từ đồng âm. Một âm như vậy nhưng có nhiều chữ Hán khác nhau. Đây cũng là trường hợp sai ở di tích Trạng Trình. Nên hạ xuống sửa lại dù tốn kém. (Ông Đinh Thanh Hiếu, Phó chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, ĐH KHXH-NV)

Trường Phong - Trinh Nguyễn

>> Đền thờ vua Hùng ở Cà Mau
>> Khánh thành đền thờ Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán
>> Nhiều học sinh viếng đền thờ Chu Văn An
>> 84 tỉ đồng nâng cấp đền thờ Vua Hùng
>> Đền thờ Bác Hồ ở Pắc Bó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.