Không cần “dũng cảm” để tôn vinh tác phẩm hay

06/10/2012 03:05 GMT+7

Sau khi Hội Nhà văn Hà Nội công bố Giải thưởng 2012, có một số ý kiến cho rằng Hội Nhà văn đã “dũng cảm” khi trao giải thưởng cho 2 tác phẩm Xem đêm và Lolita.

“Sự ngạc nhiên” sau những trầm luân

Có lẽ, một số ý kiến nói trên đã ngụ ý khi nói về tập thơ Xem đêm của cố nhà thơ Phùng Cung, người bị đi tù 12 năm sau khi công bố truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh cách đây nửa thế kỷ. Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18.7.1928 tại Vĩnh Yên, năm 1945 ông tham gia cách mạng, năm 1949 lên chiến khu Việt Bắc tham gia công tác văn nghệ. Năm 1954, Phùng Cung về sống tại Hà Nội và hoạt động văn nghệ cho đến ngày bị bắt giam vào năm 1961, năm 1973 ông được ra tù và qua đời năm 1997. Viết về nhà thơ Phùng Cung, cố nhà thơ Phùng Quán đã nói: “Sau ngày hòa bình lập lại, truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung với bức minh họa tuyệt đẹp của họa sĩ Bùi Xuân Phái đã làm xôn xao làng văn ngày đó. Bắt đầu từ truyện ngắn này anh đã mang thân vào cái nghiệp văn, ở anh cũng đáng coi là nghiệp chướng. Sau 12 năm cách ly đời thường, được trả tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ: Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán!”.

Năm 1995, tập thơ Xem đêm của Phùng Cung được NXB Văn hóa Thông tin in và đến năm 2011 được NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty văn hóa Nhã Nam tái bản có bổ sung một số thơ trong di cảo của ông. Năm 2012, Xem đêm được trao giải Thành tựu thơ của Hội Nhà văn  (HNV) Hà Nội.

Viết về Xem đêm, cố nhà thơ Hoàng Cầm cho rằng: “Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích, cô đọng mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập Xem đêm. Có thể nói đây là tư liệu quý giá cả về đời sống lẫn ngôn ngữ nhân dân vùng trung du Bắc bộ rộng lớn trước đây. Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu”. Cũng nhận định về Xem đêm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch HNV Hà Nội, cho biết: “Giải thành tựu không nằm trong hạng mục giải thường xuyên của HNV Hà Nội, nhưng tùy vào hoàn cảnh từng năm xét thấy có tác phẩm đáng trao thì hội sẽ có quyết định riêng. Năm nay tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung đã được trao giải Thành tựu thơ là rất xứng đáng. Nhà thơ Phùng Cung đã sống cuộc đời mình nhiều trầm luân, khổ ải, nhưng chính vì thế mà thơ ông lại đưa đến sự ngạc nhiên lớn cho người đọc”.

Ban Chấp hành HNV cũng nhận xét: Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân nén trong từng câu chữ. Xem đêm được xuất bản lần đầu năm 1995, năm 2012 được tái bản bổ sung, là một bằng chứng thuyết phục cho thơ đích thực và sức sống của thơ.

Không cần “dũng cảm” để tôn vinh tác phẩm hay
Bìa 2 tác phẩm Xem đêmLolita

Bỏ qua những lỗi gây tranh cãi

Cùng thế hệ với cố nhà thơ Phùng Cung, dịch giả Dương Tường năm nay cũng được trao giải thưởng HNV cho bản dịch tiểu thuyết Lolita (tác giả V.Nabokov). Theo nhận định của HNV Hà Nội, Lolita là bản dịch một tác phẩm thuộc hàng nổi tiếng nhất, gây tranh cãi nhất của văn học thế giới thế kỷ 20, và cũng là một tác phẩm khó dịch nhất. Dịch giả Dương Tường đã có một sự nghiệp dịch thuật to lớn, có nhiều thành công trong lĩnh vực này, nhưng ông đã phải dành hai năm liền cho cuốn tiểu thuyết lớn của V. Nabokov và một số lỗi trong bản dịch này không hề làm mất đi vẻ đẹp, chiều sâu ý tưởng của văn phong Nabokov và có thể coi đây là bản dịch hay nhất của Dương Tường.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng nhận định: “Bản dịch Lolita tuy còn một số chỗ gây tranh cãi về cách dịch, cách hiểu văn bản, nhưng đây là một bản dịch trực tiếp từ tiếng Anh công phu, tâm huyết, có thể coi là tác phẩm dịch “để đời” của dịch giả, đem lại cho độc giả một kiệt tác của văn chương thế giới ở mức cao nhất có thể”. Được biết, Dương Tường đã phải soạn tới 500 chú thích ở dưới 430 trang dịch Lolita. Và khi cuốn sách phát hành đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận xét: “Với tài năng, đam mê và văn đức trong sáng, Dương Tường trong lĩnh vực dịch thuật đã để lại dấu ấn mà rất ít dịch giả chuyên nghiệp Việt Nam có được. Tôi thích cách sống và làm việc của ông, lặng lẽ, kỹ lưỡng, không khoa trương, không nề hà làm công việc cực nhọc là hiệu đính bản dịch kém của người khác. Trong Lolita có 3 lỗi đang gây tranh cãi về cách dịch mấy đoạn văn của Nabokov. Theo tôi những lỗi ấy không làm sai lệch ý văn của Nabokov và quá nhỏ so với 430 trang dịch rất công phu của Dương Tường trong Lolita”.

Ban Chấp hành HNV Hà Nội cũng nhận định lần xét giải năm 2012 này là “được mùa” những tác phẩm xứng đáng, có chất lượng, có tiếng vang vào giải; vì thế giải thưởng 2012 của HNV Hà Nội hy vọng sẽ có tác động tốt đến đời sống văn học của thủ đô và cả nước hiện nay. Là một ủy viên Ban Chấp hành HNV xét giải thưởng này, tôi xin khẳng định HNV chỉ trao giải thưởng văn học cho tác phẩm hay chứ chưa cần phải “dũng cảm”.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.