Văn hóa... đụng xe

28/12/2006 22:15 GMT+7

Đường Đồng Khởi, trung tâm của trung tâm Sài Gòn. Người phụ nữ độ tuổi ngoài ba mươi, ăn mặc rất mode, vóc người cao ráo, vẻ mặt thanh tú, chạy xe Honda @ trắng, chở cháu bé chừng năm tuổi phía trước. Một chiếc Future chở hai người đàn ông phóng rất nhanh, quệt vào chiếc @. Xe ngã, hai mẹ con rơi xuống đường. Nhiều người đi đường xúm lại, trong đó có cả du khách nước ngoài, kẻ bế cháu bé lên, kẻ đỡ người phụ nữ.

Vừa đứng thẳng dậy, thấy con trai không việc gì, lập tức người phụ nữ tuôn ra hàng tràng những câu chửi té tát, xối xả vào mặt người đàn ông chạy xe. Anh ta, chắc biết mình có lỗi, lúng túng cố tìm lời giải thích, nhưng không thể tìm đâu ra khe hở để chen vào giữa bài chửi có đầu có đũa, lên bổng xuống trầm của người đàn bà đẹp.

Những người đi đường định bênh vực người phụ nữ và phê phán cách chạy xe của người đàn ông đều ngẩn ra trước phản ứng quá dữ dội của chị ta. Sự động tâm ban đầu đã nhường chỗ cho sự e ngại và ngán sợ. Không ai nói ra câu nào, và họ lần lượt giải tán, để hai bên tự giải quyết với nhau.

Đây không phải trường hợp hiếm hoi trên những con đường đầy nghẹt xe cộ của chúng ta. Chạy xe hoặc dừng xe khi có đèn và va quệt nhau vì đường chật là chuyện cơm bữa. Vấn đề là sau đó người ta làm gì với nhau. Nhẹ nhất là lườm nguýt, ném ra một câu trả đũa, đại loại như "Đi kiểu gì vậy?", "Có biết luật chưa?"... Nếu tới mức ngã xe, gãy vỡ cái gì đó thì phản ứng sẽ đa dạng và cao trào hơn. "Có mắt không?", "Đi ăn cướp à?", "Muốn giết người hả?"... Anh chị hơn nữa thì xông vào nhau, sử dụng tay chân thay cho lời lẽ, tự trừng phạt đối phương chứ không cần chờ luật pháp...

Các kiểu hành xử chẳng mấy vui vẻ, đẹp đẽ này có thể xem là phản ứng cá nhân, tùy theo văn hóa ứng xử của từng người. Nhưng một mặt nào đó, nó phản ảnh văn hóa cộng đồng, phản ảnh môi trường tâm lý của xã hội. Những bực bội trong cuộc sống hằng ngày, sự mệt mỏi trong cuộc mưu sinh, những thất bại và những bế tắc... khiến người ta dễ cáu gắt thay vì tươi cười, dễ chấp nhặt thay vì bỏ qua, dễ làm những điều mà sau đó chính mình phải xấu hổ, hối tiếc...

Nếu cuộc sống vốn chẳng dễ thở, lại bị chúng ta làm cho khó thở hơn, thì người lãnh đủ cũng chính là chúng ta, không phải ai khác. Mỗi người một câu nói, mỗi người một hành vi, mỗi người một cung cách..., tất cả cộng lại sẽ thành môi trường sinh hoạt của xã hội, nơi chúng ta phải góp mặt mỗi ngày. Góp một nụ cười hay cái nhăn mặt đều do chính chúng ta quyết định. Góp sự dễ chịu hay sự khó chịu đều do chính chúng ta.

Bạn có đồng ý không?

Camera

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.