Hàng trăm ngàn trường hợp khó cấp sổ đỏ

09/08/2013 11:50 GMT+7

Theo yêu cầu của Quốc hội, đến cuối tháng 9.2013 các địa phương phải hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu. Tuy nhiên, tại TP.HCM còn 130.000 trường hợp có nguy cơ không được cấp giấy.

Theo yêu cầu của Quốc hội, đến cuối tháng 9.2013 các địa phương phải hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu. Tuy nhiên, tại TP.HCM còn 130.000 trường hợp có nguy cơ không được cấp giấy.

Mua đất 2 lần

Vướng mắc phổ biến và gây bức xúc nhất hiện nay của nhiều người dân là họ bỏ tiền mua đất nông nghiệp theo giá thị trường, nhưng khi chuyển mục đích sang đất ở lại tiếp tục phải đóng tiền sử dụng đất (SDĐ) theo giá thị trường.

 Hàng trăm ngàn trường hợp khó cấp sổ đỏ
Trong lúc một số người dân vui mừng khi làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn còn hàng ngàn người khác đang có nguy cơ không được cấp giấy - Ảnh: Đình Sơn

Anh Thanh nhà ở Q.5, TP.HCM bức xúc khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho căn nhà rộng 68 m2 ở H.Bình Chánh. Theo hướng dẫn, anh phải nộp tiền SDĐ vượt hạn mức cho toàn bộ căn nhà này. Cán bộ thuế giải thích, theo quy định về hạn mức đất ở, mỗi người chỉ được hưởng một thửa đất hay một căn nhà. Do anh đã có một căn hộ chung cư nên phải đóng thuế toàn bộ căn nhà nói trên. “Cộng cả hai căn nhà của tôi lại cũng dưới hạn mức cho phép của TP là 200 m2. Trong khi cả 2 căn nhà tôi đều phải đóng tiền SDĐ. Như vậy là quá vô lý nên tôi vẫn chưa đi làm GCN”, anh Thanh nói.

Những trường hợp được các tổ chức nhà nước giao đất từ trước năm 1993 hiện cũng đang vướng, không cấp GCN được khi luật Đất đai năm 2003 miễn tiền sử dụng, còn Nghị định 88 lại yêu cầu đóng 40% tiền SDĐ. Điển hình như trường hợp ông Lê Văn Bôn (1040/85 Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, Nhà Bè) là cán bộ công nhân viên của Nhà máy 51 Hải quân (Bộ Quốc phòng) được cấp 208 m2 đất tháng 6.1993. Năm 2009, khi ông và 71 hộ gia đình ở khu vực nộp giấy tờ để làm GCN thì H.Nhà Bè yêu cầu phải đóng 40% tiền SDĐ, tức khoảng 85 triệu đồng. Tuy nhiên, do luật Đất đai quy định trường hợp này không phải đóng tiền SDĐ nên nhiều hộ dân tại đây vẫn ghi nợ để tiếp tục kiến nghị không đóng khoản tiền này.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết còn khoảng 183.000 trường hợp phải cấp giấy trong đó khó khăn nhất là 130.000 trường hợp nhà đất của người dân theo quy định là không đủ điều kiện cấp GCN cần phải xử lý, lập hồ sơ quản lý. Hiện còn khoảng hơn 2.200 GCN phải cấp cho các tổ chức kinh tế sử dụng đất sản xuất kinh doanh; 1.000 GCN cho các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan hành chính, sự nghiệp; hơn 6.000 ha đất nông lâm trường và 4.831 khu đất với tổng diện tích khoảng 34.000 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ nay đến cuối năm cũng cần phải được cấp GCN.

Không nên thu tiền SDĐ

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong số 130.000 trường hợp vướng quy định không được cấp giấy thì có đến 70% rơi vào trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004 và nhà tạo lập trước quy hoạch. Để giải quyết, UBND TP đã kiến nghị cấp GCN cho 3 trường hợp gồm:  sử dụng nhà, đất sau ngày 15.10.1993 và trước thời điểm công bố quy hoạch; trường hợp chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp; đối với trường hợp xây nhà không phép, sai giấy phép sau ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.5.2009 cũng cấp GCN nếu phù hợp quy hoạch, không có tranh chấp, nhà được phép tồn tại (chỉ công nhận phần diện tích xây dựng phù hợp quy hoạch - PV).

Về chính sách tiền SDĐ, một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình cấp GCN, một chuyên gia cho rằng, đất nhà nước thì nên định giá bán, ai có nhu cầu thì mua. Còn đất của người dân tự tạo lập, khi cấp giấy không nên thu tiền. Khi sử dụng, người dân phải đóng thuế đất phi nông nghiệp. Ví dụ, có một căn nhà mỗi năm đóng 300.000 - 400.000 đồng, còn có từ căn nhà thứ 2 vượt hạn mức đất ở thì mỗi năm đóng 10 triệu hoặc 20 triệu đồng. Như vậy, người dân sẽ phải sử dụng đất hiệu quả, còn nhà nước mỗi năm cũng có một nguồn thu ổn định. Chính sách hiện nay giống như bán đất. Nhà nước thu một cục, đến một lúc nào đó hết đất xem như nhà nước cũng không còn nguồn thu. Không những thế, chính sách thu tiền SDĐ như hiện nay cũng không công bằng, khi người ít đất cũng phải đóng tiền như người nhiều đất. Ở nước ngoài, thu tiền SDĐ, người càng nhiều đất đóng thuế càng cao.

Thống nhất với quan điểm trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã kiến nghị Chính phủ thu tiền SDĐ khi cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân sẽ thu theo bảng giá đất đối với cả diện tích đất trong và vượt hạn mức đất ở (không tính hệ số K - PV) vì cần đặt mục tiêu hàng đầu là hoàn thành cấp GCN trong năm 2013. Ngoài ra, cần giảm mức thu tiền SDĐ để khuyến khích người dân tích cực kê khai đăng ký đất đai theo quy định.

Theo các chuyên gia, nếu Chính phủ đồng ý cấp GCN cho các trường hợp này với số tiền SDĐ hợp lý sẽ giúp cho hàng trăm ngàn người dân bớt khó khăn, không còn bức xúc. Bởi nếu không cấp giấy, do nhu cầu bức xúc về nhà ở, người dân vẫn cắt đất mua bán giấy tay, trong khi nhà nước không quản lý được, làm khó thêm cho người dân. 

Đình Sơn

>> Thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
>> Trưng mua quyền sử dụng đất
>> Khuyến khích dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất
>> Hết năm 2013 cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
>> Tiếp tục giao quyền sử dụng đất thêm 20 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.