Bài toán nhân lực trước giờ mở cửa thị trường bán lẻ

23/12/2008 10:29 GMT+7

Lotte Mart - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc - vừa xuất hiện tại VN vào trung tuần tháng 12 có lẽ là nhà bán lẻ nước ngoài cuối cùng có mặt cận kề giờ G nhất (1.1.2009 - thời điểm VN mở cửa hoàn toàn cho các DN bán lẻ 100% vốn nước ngoài). Sau thời điểm này, kịch bản nhân lực ngành bán lẻ sẽ ra sao?

Nhận diện

Hiệp hội Bán lẻ VN cho biết, năm 2007, VN có hơn 400 siêu thị và trung tâm thương mại, hơn 2.000 cửa hàng tiện ích. Dự kiến, năm 2010 con số trên sẽ tăng tương ứng 60% và 100%.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan  - Tổng Thư ký hội - một trong những điểm yếu của nhân lực bán lẻ là: "Sự thiếu chuyên nghiệp trong làm việc thể hiện ở 3 cấp độ nhân lực sơ - trung - cao".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bổ sung: "Chỉ có khoảng 4-5% được đào tạo bài bản, hơn 50% nhân lực chưa qua đào tạo, tâm lý bán hàng còn mang nặng tính ban phát, ngoại ngữ yếu...".

Ở bậc sơ cấp, điều dễ nhận thấy là đội ngũ bán hàng ít có tính ổn định. "LĐ vẫn coi bán hàng là một công việc không lâu dài, nguyên nhân chính bởi mức lương chưa hấp dẫn" ông Bùi Công Kỳ - GĐ Cty Sơn Kim Hà Nội - đánh giá.

Trong khi đó, nhân viên quản lý bậc trung và cao cấp lại thiếu trầm trọng, ông Trần Mạnh Cảnh - Phó TGĐ Hapro - chia sẻ, DN bán lẻ VN khó khăn trong việc tuyển, giữ NV quản lý trung - cao cấp vì nguồn cung hạn hẹp, mức lương không thể cạnh tranh được với DN bán lẻ nước ngoài.

Một thế mạnh hiếm hoi, theo ông Cảnh là: "Các DN VN am hiểu văn hóa của người VN, nên ít nhiều có cách ứng xử gần gũi tạo sự thân thiện trong việc quản lý nhân sự".

Phục kích giờ G, nhiều DN bán lẻ nước ngoài đã xuất hiện tại VN như: Metro, Bourbon, Parkson... Hàng loạt đại gia khác sắp xuất hiện, trong đó có "người khổng lồ" Wal-mart. Câu hỏi với thị trường nhân lực bán lẻ được để ngỏ.

Kịch bản mở?

Nhiều dự đoán khác nhau về sự bùng nổ của thị trường bán lẻ VN, kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt về nhân sự. Bà Đinh Thị Mỹ Loan dự báo: "VN vẫn chỉ là thị trường tiềm năng, thu nhập người dân mới chỉ dưới 1.000 USD/năm, hệ thống bán lẻ chủ yếu ở các đô thị lớn. Bởi vậy, thời điểm 1.1.2009 sẽ chưa có sự đổ bộ rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài".

Theo nhiều chuyên gia, thị trường nhân lực bán lẻ VN sẽ có sự phân khúc và định hình theo nhiều kiểu khác nhau. Một trong những xu hướng rõ rệt nhất là việc chuyển hóa nhân lực bán lẻ theo kiểu "đổi chủ": Các nhà bán lẻ nước ngoài với kinh nghiệm, vốn lớn sẽ thâu tóm các chuỗi bán lẻ nhà bán lẻ VN nhỏ. Nhân lực bán lẻ sẽ được tiếp cận với một mô hình quản lý bài bản chuyên nghiệp hơn nhưng cũng khắc nghiệt hơn.
 
Xu hướng xuất hiện sự phân khúc nhân lực bán lẻ sẽ rõ rệt hơn, một đội ngũ nhân lực trung - cao cấp chuyên nghiệp, nhưng cũng có sự "câu kéo" dữ dội bởi lương, chế độ phúc lợi giữa các DN bán lẻ lớn. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ sẽ xuất hiện nhiều loại hình bán lẻ mới như: Bán hàng qua mạng, bán qua coupon...

Điều này sẽ dẫn đến một đội ngũ nhân lực mới, am hiểu kỹ năng bán hàng, CNTT và ngoại ngữ.

Một số điểm yếu của nhân lực bán lẻ VN:

- Chậm thay đổi tư duy bán hàng theo xu thế mở cửa. 
- Kỹ năng bán hàng, am hiểu hàng hóa chưa sâu.
- Thiếu khả năng ngoại ngữ.
- Trình độ nhân sự quản lý bậc trung và cao cấp còn yếu, đặc biệt là khả năng phân tích số liệu và dự báo thị trường.
- Chưa có nguồn cung cấp nhân lực chất lượng ổn định.

V.K tổng hợp

Theo Hoàng Mạnh/Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.