Dạy đạo đức trong nhà trường: Nhồi nhét kiến thức “cao siêu”

22/04/2013 04:59 GMT+7

Văn phòng Chủ tịch nước đang thực hiện một cuộc khảo sát trực tiếp ở 15 tỉnh thành trên cả nước về việc dạy đạo đức cho học sinh. Đây là vấn đề được lãnh đạo nhà nước xem trọng hàng đầu trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo sắp tới.

Nội dung khó thuyết phục học sinh

 

Có bài yêu cầu các em học sinh tiểu học tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc. Khái niệm này đến giáo viên còn lờ mờ nữa là học sinh

Mai Nhị Hà
Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội

Không những thời lượng rất ít mà môn đạo đức, giáo dục công dân ở bậc phổ thông có nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế. Đây là thực tế mà ông Nguyễn Chí Thành, trợ lý Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, rút ra từ các cuộc khảo sát do đoàn của Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tại nhiều trường phổ thông.

Điều này cũng được chính những người thực hiện chương trình xác nhận. Bà Mai Nhị Hà, Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay: “Môn đạo đức chỉ chiếm thời lượng 1 tiết/tuần ở bậc tiểu học. Trong khi đó, chương trình lại thiết kế một bài học trong 2 tiết”.

Cũng theo bà Hà, thời lượng đã ít nhưng nội dung sách giáo khoa môn học này lại rất ôm đồm và có nhiều bài học không sát thực tế cuộc sống. Ví dụ, có bài “Hợp tác với học sinh quốc tế”, HS ở một số quận nội thành còn có thể có cơ hội thực hành, còn HS ngoại thành thì… chịu. Tương tự, có bài yêu cầu các em tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc. Bà Hà cho rằng khái niệm này đến giáo viên còn lờ mờ nữa là HS.

Bên cạnh đó, có những bài cần thiết nhưng khi đưa vào lại không đến nơi đến chốn. Bà Hà nêu ví dụ: “Có bài dạy các em phải chào hỏi, nhưng lại không hề dạy phải chào thế nào cho đúng lúc, đúng cách, đúng đối tượng…”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cũng chung nhận định: “Thời gian cho môn học đạo đức chưa đủ cho mỗi bài học, nhiều nội dung còn nghiêng về lý thuyết, giáo điều, khó thuyết phục HS trong quá trình giảng dạy”. Bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên, Hà Nội, cho rằng thực tế trong các trường học môn giáo dục công dân chỉ chiếm 3,4 - 3,7% thời lượng các môn học, trong khi vấn đề rèn đức, rèn người lại là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục đạo đức cho HS qua môn học này, nhà trường phải kết hợp với các bộ môn khác cùng các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể...

Ở bậc THPT, nhiều giáo viên chỉ ra nghịch lý khi HS lớp 11 và 12 không có tiết học đạo đức nào. Chương trình giáo dục công dân chỉ có ở lớp 10 (29 tiết/năm) mà rất nặng nề về kiến thức với 2 phần triết học và đạo đức gồm các nội dung trừu tượng, hàn lâm. Chẳng hạn như các phạm trù đạo đức cơ bản, khái niệm và các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng... Chính điều này làm HS thiếu hứng thú và hiệu quả giáo dục không cao. Đã vậy, trước dư luận xã hội, ngành GD-ĐT còn thường xuyên bổ sung rất nhiều nội dung “thời sự” theo kiểu hở đâu vá đó, như: giáo dục an toàn giao thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tham nhũng... vào môn giáo dục công dân.

Dạy đạo đức trong nhà trường: Nhồi nhét kiến thức “cao siêu”
Việc giảng dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử trước cuộc sống cho học sinh vẫn còn bị xem nhẹ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngơ ngác khi đối diện cuộc sống thật

Một trong những kỹ năng cơ bản mà môn học này hướng tới là người học biết vận dụng kiến thức đã học để nhận xét, đánh giá các hiện tượng, các sự kiện, các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống phù hợp với lứa tuổi; biết lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp… Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, do quá tham nhồi nhét các kiến thức cao siêu, những bài học nặng tính rao giảng lý thuyết nên HS vẫn ngơ ngác khi phải đối mặt thực tiễn cuộc sống, dẫn đến việc thiếu khả năng ứng xử thích hợp.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, băn khoăn: “Đưa nhiều thứ vào môn giáo dục đạo đức trong nhà trường nhưng dường như lại chưa có chiều sâu nên HS vẫn thiếu những kỹ năng để vượt qua những tình huống khác nhau của cuộc sống”. Ông Thống chia sẻ: “Năm học vừa qua, vụ việc khiến chúng tôi suy nghĩ mãi là phản ứng quá mức của một nữ HS ngoan của Trường THCS Tiền Phong, H.Mê Linh. Chỉ vì mất khoản tiền quỹ lớp 500.000 đồng để chúc mừng các thầy cô nhân dịp 20.11, nữ sinh này đã quyết định tự tử. Nếu nhà trường, gia đình sớm tiếp cận được suy nghĩ của HS đó để đưa ra những biện pháp định hướng khắc phục đúng đắn thì chúng ta đã không mất đi một HS ngoan”.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn Hà Nội, phụ trách Phòng Tư vấn học đường Trường THCS Ngô Sỹ Liên, khẳng định: “Vấn đề là HS đang ở độ tuổi chưa ổn định về tâm lý nhưng lại tập trung quá nhiều cho việc học kiến thức mà thiếu văn hóa ứng xử, cách đối mặt với những điều không may của cuộc sống”. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc dạy đạo đức theo hướng tạo cho người học có những ứng xử thích hợp trước các tình huống trong cuộc sống chứ không phải là những khái niệm khô khan, bà Trần Thị Hải Yến, Trường THCS Alpha (Hà Nội), nhận định: “Bài học chỉ có ích khi chính HS thấy điều đó là cần thiết chứ không phải tất cả đều phải học một bài nặng tính rao giảng đạo đức như nhau”.

Trước thực tế này, bà Lý Thị Lương và nhiều giáo viên khác  đề nghị môn đạo đức không nên dạy quá nhiều bài học lý thuyết như hiện nay, mà phải hướng đến những điều thực tiễn, có giá trị mới đạt hiệu quả. 

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.