Kịch bản không chiến Trung - Nhật - Kỳ 3: Mỹ tham chiến

07/12/2013 09:20 GMT+7

(TNO) Dù những chiếc F-15 đã nỗ lực tối đa, chiếc P-3C vẫn còn trong vòng nguy hiểm vì tốc độ vẫn chậm hơn nhiều so với các chiến đấu cơ Trung Quốc đang xả hết tốc lực để truy đuổi.

>> Kịch bản không chiến Trung-Nhật - Kỳ 1: Kế hoạch tác chiến
>> Kịch bản không chiến Trung - Nhật - Kỳ 2: Phục kích


Chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ - Ảnh: US Air Force 

F-22 Raptor bị bắn hạ

Các chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ và Nhật vẫn tin rằng F-22 sẽ xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho họ. Vì mỗi chiếc F-22 trang bị đến 6 quả tên lửa AMRAAM, nghĩa là người Mỹ có trong tay 12 tên lửa để tiêu diệt 5 chiến đấu cơ Trung Quốc.

Các phi công F-22 phóng 2 quả AMRAAM nhắm vào mỗi chiếc phi cơ địch. Trước khi khai hỏa, họ đã thực hiện một động tác không thật sự cần thiết và khá nguy hiểm là kích hoạt hệ thống radar AN/APG-77. Vì radar chủ động giúp bạn nhắm mục tiêu, nhưng đồng thời nó cũng làm bạn lộ diện trước phi cơ địch.

Nhưng bất ngờ là trong loạt phóng đầu, tất cả 6 quả tên lửa AMRAAM của Mỹ đều trật mục tiêu. Song 2 trong số 4 quả tên lửa trong loạt thứ hai đã trúng mục tiêu, loại khỏi vòng chiến 2 chiến đấu cơ Trung Quốc. Người Mỹ nhanh chóng khai hỏa 2 quả AMRAAM cuối cùng của họ. Một chiến đấu cơ J-10 bị bắn rơi và bốc cháy.

Hiện tại, Trung Quốc chỉ còn 2 chiến đấu cơ. Các chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ và Nhật tin rằng họ đã thắng trận. Nhưng sau đó, điều khó tin đã xảy ra: một trong 2 chiếc F-22 tàng hình đã phát nổ.

Các sĩ quan lực lượng đồng minh choáng váng bởi biến cố bất ngờ này vì họ tin vào sự ưu việt và bất khả chiến bại của những chiếc Raptor. Do vậy, khi chiến đấu cơ Trung Quốc phóng PL-12 nhằm vào F-22, họ đã không quá lo lắng, với niềm tin Raptor sẽ dễ dàng đánh bại chúng. Nói thẳng ra, ngay cả những chiếc F-15 không có khả năng tàng hình cũng đã đánh bại hầu hết các tên lửa nhắm vào họ.

Nhưng điều họ cần xem xét ở đây là phi cơ Trung Quốc đã có thể phát hiện máy bay tàng hình, có thể là do người Mỹ đã phạm sai lầm khi kích hoạt hệ thống radar của họ. Mặc dù tên lửa Trung Quốc kém chất lượng, nhưng các bộ cảm biến của Bắc Kinh do Nga thiết kế lại khá tốt. Dù tên lửa Trung Quốc có khả năng sát thương thấp, nhưng J-10 và J-11 đã phóng ít nhất một chục quả tên lửa nhằm vào một chiếc Raptor.

Báo cáo sau trận chiến

Trung Quốc thất bại trong vụ phục kích chiếc P-3C của Nhật. Máy bay tuần tra thoát được về căn cứ, theo kịch bản mô phỏng không chiến của tờ Foreign Policy.

Về phía quân đồng minh, tất cả mọi thứ - bao gồm thiệt hại 3 chiến đấu cơ đắt tiền và có khả năng là cả các phi công - đều là thứ yếu chỉ để bảo vệ chiếc P-3 và 12 thành viên phi hành đoàn của nó. Sáu chiếc trong tổng số 8 chiến đấu cơ Trung Quốc đã bị bắn hạ.

Đối với Bắc Kinh, năng lực tình báo kém cỏi đã dẫn đến tính toán sai lầm. Chỉ huy trưởng chiến dịch của Trung Quốc đã không hề biết Mỹ và Nhật có đến 4 chiếc F-15 và 2 chiếc F-22 trong khu vực tác chiến.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bắn hạ được 2 chiếc F-15 đầu tiên trong trận không chiến kể từ khi Eagle được đưa vào phục vụ trong năm 1970. Họ cũng đã tiêu diệt được một chiếc F-22 - loại chiến đấu cơ tốt nhất và đắt nhất từng được chế tạo.

Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật được huấn luyện tốt hơn so với Không quân Trung Quốc và được vũ trang không hề thua kém. Để có cơ hội chiến thắng, Bắc Kinh sẽ phải áp đảo đối phương với số lượng tuyệt đối. Đó cũng chính là yếu tố thuận lợi của Trung Quốc.

Trung Quốc có khả năng tập trung được một lực lượng đông đảo hơn nhiều trong bất kỳ cuộc xung đột bất ngờ nào ở Thái Bình Dương.

Trong khi Mỹ và Nhật chỉ dựa vào hai căn cứ không quân là Naha và Kadena - đều đặt tại Okinawa - để triển khai chiến đấu cơ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Còn Trung Quốc có một số lượng lớn các căn cứ không quân và hiện tại, đang xây dựng nhiều hơn. Đó là lợi thế khi phát động cuộc chiến ở sân nhà. 

Nhưng số lượng không phải là yếu tố quyết định. Cả Mỹ và Nhật đều dựa vào lợi thế công nghệ tiên tiến hơn để bù đắp vào quy mô nhỏ hơn về số lượng. Nhưng họ không nhất thiết phải phạm sai lầm như vậy.

Sự hiện diện của F-22 trong kịch bản cho thấy sự khác biệt đó. Bay với tốc độ 1.000 dặm một giờ, Raptor đã đến trong tích tắc. Và phía Trung Quốc đã không hề biết sự có mặt của họ cho đến khi người Mỹ bật hệ thống radar một cách thiếu thận trọng.

Kết luận từ trận không chiến mô phỏng trên cho thấy nếu Mỹ và Nhật thật sự muốn ngăn chặn một Trung Quốc ngày càng hung hăng, họ sẽ phải tìm cách gia tăng số lượng chiến đấu cơ của mình trong khu vực này.

Nguyên Giang

>> Nhật phát triển radar theo dõi chiến đấu cơ tàng hình
>> Mỹ biến chiến đấu cơ F-16 thành máy bay không người lái
>> F-22 Raptor đắt giá nhưng vô dụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.