Dân nuôi tôm… so bì

14/11/2012 14:33 GMT+7

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản năm 2012 tuy có tăng, song kim ngạch chỉ đạt 6,2 tỉ USD, thấp hơn chỉ tiêu 6,5 tỉ USD đặt ra hồi đầu năm.

Vì sao ngành thủy sản “hụt hơi” không đạt được mục tiêu xuất khẩu? Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, như: dịch bệnh tràn lan; giá con giống, thức ăn tăng trong khi giá bán sụt giảm khiến người nuôi nản lòng... Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là trong khi cả 2 đối tượng nuôi chiến lược phục vụ xuất khẩu là cá tra và tôm sú cùng gặp khó khăn, thì chính sách hỗ trợ thiệt hại lại không công bằng, khiến người nuôi tôm ở vùng bán đảo Cà Mau “so bì” với người nuôi cá ở ven sông Tiền, sông Hậu.

Cụ thể, công văn số 1149/TTg-KTN (ngày 8.8.2012) của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 5294/NHNN-TD của Ngân hàng nhà nước (NHNN) chỉ đề cập đến điều chỉnh lãi suất và giãn nợ 24 tháng cho các đối tượng là các hộ gia đình, trang trại, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu - nghĩa là con tôm sú không nằm trong diện này. “Đây là một bất lợi và thiệt thòi nặng nề cho người nuôi tôm. Bởi người nuôi cá tra tuy bị thua lỗ nhưng ít nhiều cũng còn bán được cá để gỡ gạc; trong khi hàng chục ngàn người nuôi tôm sú bị thiệt hại trắng do dịch bệnh, lại không được chính sách hỗ trợ gì”, ông Trần Khắc Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, bức xúc.

Vùng bán đảo Cà Mau (gồm 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) có tổng diện tích nuôi tôm lên đến hơn 430.000 ha, chiếm 90% diện tích nuôi tôm của cả khu vực ĐBSCL. Trong vụ tôm 2011-2012, riêng tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 36.000 ha tôm nuôi bị chết (do bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng teo và hoại tử gan…), thiệt hại lên đến 4.000 tỉ đồng. Tình trạng tôm chết hàng loạt trên diện rộng không chỉ khiến các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tôm sú ở ĐBSCL điêu đứng vì thiếu nguyên liệu mà nguồn đầu tư của người nuôi tôm cũng gần như kiệt quệ. Số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có nguy cơ phá sản cũng đang gia tăng. Tại Cà Mau, trong số hơn 30 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu lớn thì chỉ khoảng một nửa hoạt động hiệu quả, có đơn hàng xuất khẩu thường xuyên; số còn lại gặp không ít khó khăn và khoảng 1/3 số nhà máy có nguy cơ phá sản. Hơn 40.000 công nhân ở Cà Mau rơi vào hoàn cảnh khó khăn do công việc bị đình trệ, đời sống bấp bênh.

“Mong rằng Chính phủ - mà cụ thể là NHNN - sớm xem xét và có giải pháp hỗ trợ cho người nuôi tôm ở vùng bán đảo Cà Mau. Ít  ra, họ cũng phải được hỗ trợ vay vốn, giãn nợ như người nuôi cá tra”,  ông Trần Khắc Tâm kiến nghị.

Cao Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.