Làm “thượng đế” ở Mỹ

09/11/2012 03:05 GMT+7

Trong chuyến đi gần 20 ngày của nhóm chúng tôi, quỹ thời gian dành cho shopping chiếm không ít. Gần như mỗi tiểu bang chúng tôi đặt chân tới từ Missouri, New York, Conecticut, California, Nevada… đều phải shopping. Cuối cùng, sau hành trình chúng tôi đúc kết: “Làm thượng đế ở Mỹ quả là sướng!”.

Ngay lần đầu tiên mua sắm ở một trung tâm thương mại, chúng tôi đã học được khẩu hiệu “Không có gì mua rồi mà không trả lại được”. Cuối tháng 9, tôi cùng Tammy Thuy (một người bạn ở Mỹ) đến cửa hàng Dillard’s ở Missouri. Vào mùa khuyến mãi nên nhân viên bán hàng, thu ngân ở đây bận rộn luôn tay. Tammy Thuy chỉ vào 1 chiếc áo nói: “Chị vừa mua nó 44,99 USD, chưa mặc, giờ giảm giá chỉ còn 19,9 USD. Mai ta sẽ trả lại nó”. Sáng hôm sau, tôi cùng Tammy Thuy đến trả áo. Tưởng rằng sẽ bị mắng té tát vào mặt vì chưa mở hàng đã trả đồ, nhưng cô nhân viên vẫn nhận áo và trả lại tiền trong vui vẻ. Chuyện khác, một lần vào cửa hàng American Eagle ở Nevada, cô bạn trong nhóm chúng tôi chọn mua vài chiếc quần jeans ở dãy hàng được giảm 40%. Khi thanh toán thì không được giảm. Thấy khách hàng thắc mắc, nhân viên ở đây kiểm tra và cho biết bảng báo giảm 40% để nhầm vị trí. Tất nhiên điều sung sướng là trước khi tháo tấm biển “sale off 40%” đem đi đặt đúng chỗ, số hàng hóa này vẫn giảm như quảng cáo và cô bạn tôi tiết kiệm được gần 100 USD.

 Làm “thượng đế” ở Mỹ
Ảnh: Lê Nga

Chưa hết, vào giữa chuyến hành trình, tôi đến Fry’s Electronics ở California mua một chiếc máy ảnh Canon SX40 giá 345 USD. Một tuần sau quay lại, chiếc máy này giảm còn 279 USD. Trong khi tôi thở dài tiếc rẻ thì anh bạn Việt kiều đi cùng nhanh nhảu ra xe tìm hóa đơn rồi dẫn tôi vào quầy chăm sóc khách hàng. Tại đây, có 4 khách hàng khác đang đổi, trả hàng. Đến lượt chúng tôi, anh nhân viên nhận hóa đơn kiểm tra trên hệ thống và ít phút sau chúng tôi ra về với 81 USD (tiền chênh lệch và thuế. Ở Mỹ mua gì cũng phải trả thuế) được hoàn trả. Tất cả mọi việc diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài phút và nhân viên không hề thắc mắc hay hoạnh họe lý do. Cũng như chúng tôi, tất cả những người rời quầy chăm sóc khách hàng đều tỏ ra rất vui vẻ vì được đáp ứng tối đa nhu cầu.

Ở Mỹ gần như không có khái niệm "Hàng mua rồi miễn trả lại". Tùy theo loại sản phẩm mà các công ty có chính sách trả lại hàng khác nhau. Có nơi quy định sản phẩm trả lại phải trong tình trạng chưa sử dụng, còn nhãn mác, có hóa đơn; nhưng cũng có nơi không yêu cầu. Ở các cửa hàng như Dillard, Hechts, JC Penny, TJ Mark, Marshalls Store hay ở Wal Mart hay K-Mark…, thông thường thời gian trả lại từ 30 - 60 ngày. Riêng cửa hiệu Costco (chuyên bán hàng giá sỉ) cho phép trả các sản phẩm điện tử trong thời hạn 6 tháng. Thông tin đổi trả hàng in đầy đủ, rõ ràng ở mặt trước hoặc mặt sau hóa đơn hoặc dán trên sản phẩm. Vấn đề còn lại chỉ là đọc được tiếng Anh để hiểu chúng.

Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn nhưng luôn tuân theo tiêu chí “khách hàng là thượng đế”. Chính vì vậy, shopping ở đây trở thành thú vui vì thượng đế luôn là người… hưởng lợi. Sau cùng, điều thú vị là trước khi chia tay nước Mỹ, nhóm chúng tôi chất đầy hàng hóa cả ký gửi lẫn xách tay, mặc dù khi đến Mỹ, mỗi người chỉ mang theo có vài bộ quần áo. 

Lê Nga

>> Hoãn trình luật Đầu tư công, mua sắm công
>> Mua sắm giá rẻ mỗi ngày trên Thanh Niên
>> Xả súng tại trung tâm mua sắm ở Canada
>> Cháy trung tâm mua sắm ở Qatar, 19 người chết
>> Khai trương trung tâm mua sắm tiện ích
>> Nữ hoàng Anh bất ngờ đi mua sắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.