Buôn bè và những chuyện khác (kỳ 1) - truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung

10/12/2005 15:25 GMT+7

Một lần có việc đi công tác phải qua một thị trấn nhỏ nằm bên dòng sông Bứa, tự nhiên Nguyên thốt nhớ về ngày mới vào đời của mình với nghề buôn bè và mối tình đầu đẹp đẽ và đau buồn diễn ra ở bờ đê của dòng sông hoang dại này... Có lẽ người con gái ấy đã già hoặc cũng không còn sống nữa. Số phận của nàng hẩm hiu và bất hạnh như rất nhiều phụ nữ đẹp vùng nông thôn.

Ngày đó đã xa. Xa lắm rồi...

Ngày bắt đầu bước vào nghề buôn bè, Nguyên đã ghi cẩn thận vào cuốn sổ nhỏ. Một ngày trời rất nắng, cái nắng của tháng tư, nắng của mùa xuân chuyển sang mùa hạ. Khi bước xuống bè, Nguyên đã tình cờ nhìn thấy bóng mình dưới nước. Khuôn mặt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ. Nguyên lưu giữ lại hình ảnh của mình mãi mãi trong ký ức, về một thời mà mình có một vẻ đẹp thật dễ thương.

Chủ bè là Thân, anh rể Nguyên, người đàn ông cao lớn, râu quai nón rậm, trên hai cánh tay khắc hai con rồng chầu chạy tận về phía ngực, nơi có một cô gái khỏa thân nằm cuộn tròn như rắn. Người thứ hai là ông Thản, ngoài sáu mươi, nhưng thân hình còn rất vạm vỡ. Ông đã gắn bó với bè mảng hơn ba mươi năm. Hai anh em Khang con bác Thịnh, nhỏ con nhưng chắc nịch như nắm cơm. Trên bè còn có một người đàn bà chuyên làm việc bếp núc chợ búa.

Công việc của họ là lên N., nơi đầu nguồn chặt bương, luồng, vầu, nứa rồi kết bè thả về xuôi. Chặt tận gốc bán tận ngọn. Đó thực sự là một nghề vất vả và mạo hiểm.

Chuyến đi đầu tiên cho Nguyên một cảm giác vui sướng và kinh ngạc. Niềm hân hoan không diễn tả nổi thành lời. Leo lên bè mảng chảy về xuôi, Nguyên đã hét to lên, tiếng thét hòa vào sự mênh mông của đất trời và sông nước. Họ đi qua rất nhiều vùng đất êm đềm và bình yên, cũng có khi phải đối mặt với thác ghềnh dữ dội. Nguyên thấm ra một điều rằng đất nước mình thật đẹp và hùng vĩ. Những cánh rừng rậm rạp, những vùng núi điệp trùng, những làng bản của người dân tộc, những đầm lầy hoang vắng, những bình nguyên bát ngát và thẳm xanh. Đi qua một triền rừng Nguyên còn nhìn thấy cặp nai đang đứng ngơ ngác bên mép nước, vểnh tai lên nghe ngóng và nhìn chiếc bè với sự ngạc nhiên tột độ, cặp mắt thiên nhiên ngây thơ và trong suốt. Nguyên hân hoan nghĩ, với cái nghề này có thể đi khắp nơi trên đất nước.

Nhưng đến chuyến thứ ba Nguyên mới nhận ra rằng cái ước muốn của mình chỉ là ảo tưởng. Con sông ấy chỉ chảy qua những vùng đất cố định, đi mãi rồi cũng nhàm. Vẫn chỉ những dải đất ấy, những cánh rừng ấy, những bờ bãi ấy. Những miền đất họ đi qua đều hết sức hoang sơ. Làng mạc với những ngôi nhà bé tí teo, mảnh vườn con chật chội, mái rạ cũ kĩ buồn thảm. Vài huyện lỵ, ngầu đỏ bụi đường, lèo tèo hàng quán. Dọc sông, xóm làng thưa thớt, đa số chỉ có những miền hoang vắng. Và họ thì chỉ quanh quẩn trên bè nứa. Sự tẻ nhạt và đơn điệu khiến Nguyên tuyệt vọng. Nguyên mơ ước được đặt chân lên dải cát ấm ven sông, để đi sâu vào những bình nguyên xanh bát ngát, những quả đồi phơi mình đỏ au dưới nắng trưa, những vùng núi cao hun hút gió... Nguyên hỏi ông Thản: "Chú đã đi đến những đâu rồi?". Ông đáp: "Cả miền Tây Bắc rộng lớn này không nơi nào tôi lại chưa đặt chân tới". Nguyên kêu lên, giọng đầy thán phục: "Thích thật đấy!". Ông cười: "Cái sự đi này cũng vì mưu sinh cả thôi".

Hàng ngày, biết bao chuyến bè thả về xuôi. Sau mỗi chuyến lên thượng nguồn, đường đi cứ ngày một xa mãi và những cánh rừng trở nên thưa thớt và hoang vắng. Cái chữ mưu sinh hóa ra thật nhọc nhằn. Rừng đang chảy máu, hãy bảo vệ rừng! Khẩu hiệu trong nhà trường Nguyên đã học đến thuộc làu, nhưng bây giờ khi đối mặt với nó mới cảm thấy bất lực và viển vông. "Khi con người đói khát thì chỉ nghĩ tới bản thân anh ta, miễn sao cho có thể tồn tại trước đã... Những cơn lũ hung dữ, nhiều bản làng nhà cửa bị xóa sổ ngay sau cơn lũ. Thiên nhiên gào thét đòi con người trả món nợ rừng. Con người biết đấy, nhưng bóc rừng để ăn đã trở thành một quán tính. Vả lại, nếu không bóc rừng ra thì lấy gì ăn?". Lời ông Thản bình thản, thậm chí hơi khôi hài nhưng nghe ra chua chát. Ông là một con người nói năng rất có bản lĩnh và sâu sắc.

Mỗi bến sông họ đi qua đều đem lại cho cả đoàn một niềm hưng phấn. Bởi chỉ nơi đó họ mới thấy rõ rệt bóng dáng cuộc sống, nơi họ có thể dừng lại đôi phút buông những lời chòng ghẹo mấy người ra sông giặt giũ. Cánh đàn ông mê nhất là được thấy phụ nữ tắm sông, người họ ngâm trong nước mà cánh đi bè ai cũng biết rằng không hề có chút áo quần - đó là thói quen của những người đàn bà ở bến sông. Có thể nhận ra các cô gái chưa chồng trong đám phụ nữ ấy: họ tắm với cả quần áo trên người. Khi lên bờ họ lủi vào một bụi cây gần đó thay quần áo, bộ đồ ướt nước bó chặt lấy người để lộ những đường cong chắc khỏe. Mỗi khi bè dừng ở bến sông B., vào buổi chiều, bao giờ họ cũng được chứng kiến một đoàn thôn nữ ra sông tắm. Có lần Khang đã tương một nắm sỏi không biết gã thủ sẵn từ đâu vào bọn họ. Đám con gái chửi bới om xòm váng cả mặt nước. Những khuôn mặt tròn trĩnh đầy vẻ căm phẫn. Phụ nữ ở B. có thiên hướng mặt tròn. Khang nhe răng cười: "Được Khang này để mắt, khoái chết bà lại còn làm bộ!". Những phút giây thư giãn trần tục ấy như những viên sỏi thả rơi tõm xuống mặt hồ phẳng lặng. Cuộc sống cứ thế lê thê trong nhọc nhằn và sự tẻ nhạt, chán chường.

Dòng sông thực ra không hề có sự bình yên ngay cả vào mùa nước cạn. Không ít lần họ gặp những thây ma trôi sông. Đám đàn ông đứng ra mạn bè ngó nhìn xác người trương phình, có xác đã bốc mùi thối inh. Với con mắt bình thản, họ có thể xác định được độ tuổi của nạn nhân, dựa vào quần áo có thể đoán được đó là một người đàn bà chết vì bội tình hay là bị tai nạn. Những cái chết trên sông gây cho Nguyên ấn tượng kinh hoàng. Tại sao lại không vớt họ lên - một lần Nguyên hỏi. Anh Thân bảo, mày muốn trong đám này ai là người thế chỗ cho cái xác đó? Dân sông nước không vớt người chết sông vì sợ họ sẽ phải thế chỗ cho linh hồn kẻ xấu số đó.

oOo

Hai bè nứa kết lại với nhau, lờ lững trôi trên sông. Trên đó dựng tạm bợ hai cái chòi, một là đại bản doanh, một chuyên để nấu nướng, kiêm chỗ ở của cấp dưỡng. Trong đó đầy ắp thực phẩm dự trữ: gạo, bí đỏ, khoai tây, đồ khô... Những bữa ăn thiếu rau xanh và thịt tươi diễn ra liên tục, chỉ khi nào bè đi qua khu chợ ven sông mới có dịp bù lại bằng những nồi rau xanh ngon lành. Chị Thái -  một phụ nữ sạch sẽ, ngăn nắp, nấu ăn ngon và chu đáo. Buổi đầu vào bếp phụ chị, Nguyên kinh ngạc nhìn nồi rau, nồi cơm: "Chị nấu cho những ai ăn nữa thế?". Chị ngó mặt Nguyên tủm tỉm cười: "Đi bè ăn khỏe lắm, không như khi cậu còn đi học đâu!". Nguyên lẩm bẩm: bằng ấy người mà ăn nồi to như nồi cám nấu cho một bầy lợn nái! Cơm được xới ra những chiếc bát loa lớn, nồi canh và nồi thức ăn mặn để ở giữa, mọi người ngồi bu xung quanh, ăn ngốn ngấu với tốc độ chóng mặt. Những con người lực lưỡng ăn uống nhồm nhoàm, say mê và hung tợn vét hết những gì còn sót lại trong các nồi. Mỗi người năm bảy lượt xới. Nhìn nó ngắc ngoải với tô cơm duy nhất trong khi mọi người đã đứng cả dậy, Khang xoa bụng cười và ợ lên một cách thỏa mãn: Thằng nhóc này đúng là đồ công tử bột mì!

Ăn xong, cánh đàn ông nằm xỉa răng tanh tách, Nguyên phụ với chị Thái rửa bát. Chị xua tay: con trai mà làm những việc này nó hèn người đi. Cứ vào kia nghỉ ngơi. Nguyên bảo, em vẫn rửa bát mà. Em làm hết mọi việc có thể, kể cả gặt giũ cho mẹ. Chị nhìn nó ngạc nhiên: Thật sao? Được, nhưng lấy vợ về thì đừng có mà làm mấy việc đó, vợ nó khinh. Hàng xóm lại cười cho thì chết. Nó ngó quanh, rụt rè hỏi: "Này, chị! Thế đi vệ sinh mạnh mạnh một chút thì lại phải lên bờ à?". Chị cười rũ: "Cho xuống sông, xuống sông hết! Rồi lại lấy nước sông ăn à? Nghề sông nước, làm gì được chọn lựa môi trường sống? Chịu khó gạn đục khơi trong thôi".

Sau bữa ăn chiều là cả một khoảng thời gian buổi tối dài lê thê của sự nhàn rỗi. Chiếc cát-sét kẽo kẹt phát ra những bản nhạc vàng buồn thảm, Nguyên nghe thấy phát ớn, nhưng đó là phương tiện giải trí duy nhất có trên thuyền. Nghe mãi thành quen, đâm ra mỗi khi đài hỏng lại thấy buồn buồn, thiêu thiếu... Thậm chí lúc cao hứng, Nguyên cũng hát theo. Có những cái ta không thích nhưng sống lâu với nó thì dần dà cũng tự dưng chấp nhận nó như một điều tất yếu của cuộc sống, những điều chướng tai gai mắt diễn ra thường xuyên thì cũng thành quen, thấy nó thành ra bình thường... Khi ông Thản thắp lên ngọn đèn Hoa Kỳ treo ở đầu lán thì cũng là lúc chị Thái rang xong mẻ lạc, xách bình rượu ra giữa bè. Mỗi người làm một chén hâm lại khí thế rồi bắt đầu chia bài. Tất cả lao vào cuộc sát phạt cho tới giờ giới nghiêm của nhóm: mười hai giờ đêm. Tiền chạy vòng quanh từ túi người này đang túi người kia. Người sung sướng, kẻ thất vọng, cay cú. Những chiếc may ô cáu ghét đẫm mồ hôi được nhét trong quần đùi trở thành những chiếc bao đựng tiền. Kẻ thắng thì cười nói oang oang, người thua cay cú xoa đầu xù to như tổ quạ, liên mồm văng tục. Duy có một điểm giống nhau là trên mặt họ đều lộ vẻ căng thẳng và ham hố. Nguyên ngồi bẻ lái ở cuối bè, ngáp muốn rách miệng.

- Làm một ván, mày!

Khang hích vào vai Nguyên khi cậu đến gần chiếu bạc. Nguyên cười, lắc đầu:

- Tôi thì đào đâu ra tiền để chơi?

- Chưa có thì chơi chịu. Anh em trên một chiến hào, chạy đi đâu mà sợ?

- Để cho nó yên!

Anh Thân không nhìn hai người, cau mặt lại với giọng nói như ra lệnh. Khang cười hề hề ghé sát tai Nguyên:

- Tao quên mày còn đang tuổi bú tí. Chú mày không chơi thì chịu khó làm chân điếu đóm vậy.

Khang rất đắc ý vì đã gài Nguyên vào công việc nhàm chán quanh chiếu bạc. Sau này Nguyên ngẫm ra rằng, hạ nhục người khác là thú vui của một số người.

Nhìn mặt Khang, Nguyên cảm thấy tơm tởm. Cái mặt chiều ngang rộng hơn chiều dài, đầu húi cua để lộ cái trán ngắn củn. Khang là đứa láo toét và tinh tướng nhất mà Nguyên từng gặp trên đời này. Trên thuyền, y chỉ sợ mỗi anh Thân. Khi có anh, y luôn tỏ ra mẫn cán, chăm chỉ còn khi vắng mặt chủ, gã chỉ nằm ườn như đống thịt thối, sai phái tất cả mọi người trên thuyền. Gã đặc biệt thích hạ nhục người khác, đó là một niềm vui thích của Khang, và hiện Nguyên biết mình trở thành nơi để y chĩa mũi công kích vào. Điều làm Nguyên điên tiết nhất là gã luôn miệng gọi Nguyên là thằng nhóc bú tí mẹ, công tử bột mì. Chị Thái bảo: "Một điều nhịn, chín điều lành, em à. Phải gạn đục khơi trong mà sống".

Đây là câu nói quen thuộc của chị Thái. Nó làm Nguyên thấm đẫm một nỗi buồn mơ hồ. Tự dưng mình lại rơi vào cái thế giới xa lạ này khi mình mới 18 tuổi, vừa bước khỏi ghế nhà trường. Những ước vọng, những mối tình áo trắng tinh khiết đã bị mờ đi bởi niềm ham muốn làm giàu. Để làm gì? Để cứu gia đình. Trong phút chốc, chàng công tử học trò bỗng liên tưởng mình thành một dũng sĩ đầu đội trời chân đạp đất, đi tìm chân lý sống cho những người thân yêu. Cuộc đời rẽ hắt sang hướng khác nhưng phơi phới niềm tin và hy vọng. Nguyên đã từng như thế.

- Tại sao chị lại đi bè?

Một lần, Nguyên hỏi chị trong khi đang cùng chị nhặt rau. Chị mỉm cười, mắt nhìn vào xa vắng. Câu chuyện của chị như một giấc mơ buồn. Chị đã mất hết tất cả khi người chồng của mình mải mê cờ bạc.

- Em có tưởng tượng được không, gã đốn mạt tới mức xúc trấu đổ vào bồ thóc giống, đem thóc đi bán để lấy tiền đánh bạc. Gã ăn cắp cả tiền nộp học của con để đánh bạc. Con nó nuôi một con lợn đất, nhịn mấy xu quà sáng để cho vào lợn, cũng bị gã móc mất. Gã gán cả nhà cửa, tất cả...

Đứa con chị chết vì bệnh nặng không có tiền thuốc men. Chị đã nhảy xuống sông tự vẫn nhưng khi đó đúng là đêm anh Thân buồn chán sau một vụ mất trắng, đang ngồi ở bờ sông. Anh đã cứu chị, sau khi lập một nhóm đi bè mới đã đưa chị cùng đi. Cuộc đời của chị gắn bó với sông nước từ đấy.

oOo

Khi đánh bạc cạn sạch túi, đám đàn ông bèn tụ tập lại trên bè thi đánh võ. Nguyên đặc biệt mê những bài quyền tinh tế của ông Thản, loang loáng dưới trăng. Cách dụng võ cũng thể hiện được tính cách của anh hùng hay tiểu nhân. Đó là lời của ông Thản mà mãi sau này khi bôn ba sông nước nhiều, Nguyên mới nghiệm ra. Bài quyền của anh Thân mang nét phóng túng, hào hoa, hội tụ sức mạnh của một mãnh thú, ngược lại, cách đi quyền của ông Thản lại kết hợp được cái ung dung tự tại, sự thâm trầm của một con người nội tâm và từng trải.

Người trên bè kể rằng, ông Thản xưa kia rất giỏi vịnh xuân, tung hoành ngang dọc bắc nam. Chuyện của ông Thản cũng là một cuốn tiểu thuyết hay. Trước kia ông rất đẹp trai. Một vẻ đẹp mạnh mẽ của cơ bắp cộng với sự trầm buồn, bí ẩn chất chứa trong đôi mắt sâu. Đám bạn cùng trang lứa nể vì ông. Ông đã tình cờ lọt vào mắt xanh của một cô gái con nhà quyền quý. Cô tìm mọi cách để lấy lòng người con trai giang hồ này. Đám cưới và nhiều năm dài chung sống, họ vẫn chưa tan hết niềm vui ái ân. Nhưng rồi đến một ngày kia, Thản nhận thấy mình đã bị suy yếu về võ công, anh quay ra tập lại. Và bi kịch bắt đầu. Khi Thản tập luyện thì khả năng tình dục suy giảm. Vợ buồn bã và dần dần không chịu nổi, quay ra trách móc chồng. Người đàn ông cố gắng cân bằng giữa võ công và chuyện chăn gối nhưng vợ ông là một phụ nữ mạnh khỏe, sức vóc hơn người, chuyện ân ái đòi hỏi hàng ngày rất mạnh mẽ. Trước lòng tham vô đáy của vợ về khoản dục tình, nhiều bận lấy cớ đi công chuyện, ông trốn đến nhà bà con vài ba bữa để chuyên tâm vào luyện võ. Cho tới một ngày phát hiện ra lòng chung thủy của vợ không còn, ông lặng lẽ bỏ nhà ra đi và không bao giờ quay lại nơi đó nữa. Mọi người nói, chẳng có nỗi đau đớn nhục nhã nào bằng việc một người đàn ông nhìn thấy gã nhân tình trên giường ngủ của mình. Nhưng ông Thản đã biết kiềm chế mình. Có người bảo ông ngu, nhưng anh Thân thì cho đó là một hành động kiềm chế bản năng tuyệt vời của một vị thánh.

Đến lượt Nguyên và ông Thản gác đêm, Nguyên lại nằn nì ông Thản dạy võ. Thấy Nguyên thật thà, ngoan ngoãn, ông nhận lời. Càng luyện Nguyên càng thấy nó tinh túy. Hai thầy trò tập cho đến khi mệt nhoài. Họ cho bè trôi từ từ theo dòng nước, chỉ việc lái nó đi. Nguyên nằm ngửa mặt nhìn trời, khoan khoái để cái lạnh của sương đêm thấm vào da thịt và háo hức dỏng tai nghe ông Thản kể chuyện sông nước, chuyện đi bè. Đi bè, không chỉ đơn thuần lên mạn ngược kiếm mấy cây nứa, cột lại thành bè thả về xuôi bán. Ngữ ấy là buôn bán cò con. Giấu dưới bè nứa là hàng chục, có khi cả trăm mét khối gỗ quý hiếm. Vậy nên rất cần người có sức khỏe để chống chọi với những đoạn sông ghềnh thác và đẩy được bè mỗi khi mắc cạn. Hơn nữa, có thể đối phó với bọn cướp sông.

oOo

Xưa kia, nghề buôn bè rất thịnh, là một nghề hốt bạc nhưng nguy hiểm. Nó không chỉ nguy hiểm bởi việc khai thác trên rừng, bởi ma thiêng nước độc mà nguyên nhân đáng sợ nhất là nạn cướp bóc. Mỗi khi gặp cướp thường là mất trắng nếu không có sự chuẩn bị kịp thời. Chính vì vậy đi bè thường là người có võ nghệ. Bây giờ nạn cướp bóc đã được dẹp yên, miền sông nước không còn sôi sục như xưa nữa. Có một thời, cả miền sông Bứa này những chủ bè khi nghe danh của Tứ rái cá đều run sợ. Gã dẫn đầu một băng cướp thiện chiến. Bè nào gặp y thì hầu như đều thiệt hại nặng nề, nếu không đổ máu đã là may rồi. Vì thế các chủ bè phải tụm lại với nhau mỗi chuyến đi để bảo toàn được người và của.

Năm đó, Thân là chàng trai hai mươi bảy tuổi, trở về sau song sắt nhà tù. Anh tập hợp được một nhóm người và thử vận may bằng nghề sông nước đầy nguy hiểm này. Đám trai trẻ ấy ra đi với một quyết tâm ghê gớm. Nhưng họ không được sự bao bọc của các chủ bè lớn nên phải đi riêng lẻ và họ nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của Tứ rái cá. Chiếc bè của họ đang trôi êm đềm trên sông, bỗng nhiên chững lại như gặp một vật cản, đám người ngã chúi về phía trước. Một sợi dây chão chăng ngầm qua khúc sông hẹp, hai đầu nối với hai chiếc cọc, mỗi đầu cọc treo một thau nhôm. Khi chiếc cọc rung lên, hai thau nhôm rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Trong chớp mắt, những bóng người lao vút xuống đất và xuất hiện trên bè nứa của họ như những con quỷ nước. Những gã trai giang hồ, họ đã bỏ hết mọi hy vọng vào chuyến hàng này, đó là cơ hội cuối cùng giúp họ trở thành những con người tử tế trong xã hội. Họ đã chiến đấu với tất cả sức lực và bản năng sinh tồn. Trận chiến thảm khốc, máu hai bên đổ xuống đỏ loang ra cả một khúc sông. Cuối cùng họ đã là những người chiến thắng khi Thân hạ được Tứ rái cá. Anh sau này kể lại, anh bị dính một nhát dao vào bả vai, máu phụt ra như cầu vồng. Nghiến răng nén cơn đau, anh xông vào tên tướng cướp giáng một nhát chém. Anh không biết mình chém nhát cuối cùng vào đâu, chỉ biết Tứ rái cá rú lên một tiếng kinh hoàng, ôm mặt ngã nhào xuống sông. Ngày hôm sau, hai vợ chồng chủ lò gạch ở một làng gần sông đã tìm thấy một người nằm sấp bất tỉnh trong vũng máu phía đống gạch sống, khi lật lại, người vợ ôm mặt thét lên và ngã phịch ra đất, cái thai tám tháng xổ ra ngay tại chỗ. Khuôn mặt nạn nhân thật khủng khiếp: bằng tịt, sũng máu, mắt mũi mồm là những lỗ tròn. Dân làng ven sông đã cưu mang nạn nhân mà không ai nghĩ rằng đó lại là một tên tướng cướp khét tiếng. Khi khuôn mặt lành da, hắn lẳng lặng đi khỏi làng. Về sau không biết hắn đi đâu. Băng cướp cũng được xóa sổ từ đó.

(Còn nữa)

N.H.D

(Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo trên Thanh Niên cuối tuần số ra ngày 18/12/2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.