Muốn khỏe, “hàng phòng thủ” phải mạnh

26/11/2009 10:41 GMT+7

“Hàng phòng thủ” tức là hệ miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể trước sự rình rập, dòm ngó của các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, vi sinh vật, độc chất...

Hệ miễn dịch của cơ thể là một cơ chế tuyệt vời. Thế nhưng khi cơ thể khỏe mạnh, chúng ta không hề biết rằng hệ miễn dịch phải làm việc cần mẫn như thế nào. Chỉ đến khi “long thể bất an” chúng ta mới nhận ra vai trò của “hàng phòng thủ”.

Để ý một chút sẽ thấy công trạng to lớn của hệ miễn dịch. Hãy tự hỏi vì sao vết thương của chúng ta mau lành? Tại sao chúng ta hắt hơi hoặc ho mỗi khi hít phải những phần tử lạ? Tại sao chúng ta nôn mửa mỗi khi ăn phải thức ăn bị nhiễm độc?

“Lực lượng bảo vệ” chuyên nghiệp

Cơ thể chúng ta được bảo vệ ở ba mức độ na ná như tiền vệ, trung vệ và hậu vệ. Hàng tiền vệ chính là lớp da bao bọc xung quanh, đồng thời tiết ra những chất có tác dụng chống lại vi sinh vật gây hại. Hàng tiền vệ cũng bao gồm dịch nhầy mũi, nước mắt... có tác dụng chống trả những phần tử xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

Nếu những vị khách không mời mà đến dùng mọi thủ đoạn để vượt qua hàng tiền vệ thì chúng sẽ gây kích ứng cơ thể. Lúc này hàng trung vệ sẽ ra tay, đáp trả bằng những phản ứng viêm. Cuối cùng, hàng hậu vệ sẽ tạo ra những đáp ứng miễn dịch, chống lại những phần tử xâm lăng chuyên biệt. Đây chính là vai trò của bạch huyết cầu.

Cấu tạo của hệ miễn dịch khá phức tạp. Hệ miễn dịch tác động lên tất cả các mô trong cơ thể để duy trì sự cân bằng trong hoạt động của những mô này. Các tế bào của hệ miễn dịch hoạt động không riêng lẻ. Chúng sẽ hòa vào hệ tuần hoàn máu để “báo cáo” với não, hoặc sẽ kích hoạt những sợi thần kinh gần đó để báo hiệu cho não nên "tùy cơ ứng biến"...

Ăn để phòng thủ

Ăn quá nhiều hoặc quá ít đều dẫn đến sự suy yếu cho “hàng phòng thủ”.

Những bữa ăn nhỏ chứa các loại protein, carbohydrates, chất béo thiên nhiên sẽ giúp kích thích quá trình chuyển hóa, giúp ổn định nồng độ đường huyết, duy trì năng lượng. Carbohydrates làm giảm những hormone được tiết ra những khi có stress như cortisol, adrenalin, nhờ đó làm giảm bớt viêm nhiễm. Các loại chất béo như Omega-3 là bạn chí cốt của hệ miễn dịch.

Các loại vitamin như A, C, E... cũng rất quan trọng trong việc củng cố chức năng của hệ miễn dịch. Ngoài ra cũng phải kể đến vai trò của kẽm. Kẽm được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong những phản ứng enzyme.

Một lượng kẽm thích hợp trong khẩu phần ăn sẽ rất có ích cho "hàng phòng thủ". Kẽm đồng thời cũng ức chế sự tăng trưởng của một số virus vốn rình rập "ăn cắp trứng gà" trước hàng rào phòng thủ. Dĩ nhiên cũng không loại trừ dòng virus cúm A/H1N1 đình đám hiện nay.

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.