"Xã hội XHCN là xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh"

08/11/2007 01:12 GMT+7

Sáng 7.11, tại Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7.11.1917 - 7.11.2007).

Đến dự Lễ kỷ niệm có  Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; cùng với các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ; Phó chủ tịch Quốc hội; các vị lão thành cách mạng; đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương và nhân dân thủ đô Hà Nội đã đến dự. Đến dự lễ kỷ niệm còn có GS.TS Buianov, Trưởng đoàn đại biểu Hội hữu nghị Nga - Việt và một số cán bộ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam.

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, sau khi phân tích ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: "Đối với Việt Nam, tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã chiếu sáng con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các nhà cách mạng nước ta đã bằng mọi cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng XHCN vào nước ta... Những hoạt động phong phú ấy đã dẫn đến sự ra đời của nhiều tổ chức cộng sản, và đến năm 1930 hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt đầy khí phách của cách mạng Việt Nam. Từ đó trở đi, cách mạng nước ta đã trải qua những chặng đường chiến đấu lâu dài với bao gian lao và thử thách, có lúc cao trào, có lúc thoái trào, để đến năm 1945 tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, dân tộc ta lại phải tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước nối tiếp nhau, kéo dài suốt 30 năm và cuối cùng đã giành thắng lợi hoàn toàn, đánh thắng hai đế quốc to, quét sạch quân xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta được sự đồng tình và ủng hộ của bè bạn khắp năm châu, trong đó có Liên bang Xô viết và đến lượt nó, thắng lợi của cách mạng Việt Nam lại góp phần thúc đẩy và cổ vũ các phong trào cách mạng trên thế giới".

Tổng bí thư nói tiếp: "Lịch sử không ngừng tiến về phía trước. Cách mạng XHCN là khám phá lớn, sáng tạo lớn, cũng là hiện thực lớn của lịch sử. Tuy nhiên, do bản chất và ý nghĩa sâu xa của nó và cũng như nhiều cuộc cách mạng khác, cách mạng XHCN không thể tiến lên một cách dễ dàng, bằng phẳng mà phải trải qua nhiều thách thức, có những lúc phải trải qua bước quanh của lịch sử. Chúng ta tự hào và vui mừng về thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước XHCN khác, đồng thời không khỏi đau buồn trước những biến cố diễn ra vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, ngay chính trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười, dẫn đến sự tan rã của Nhà nước Liên Xô đồng thời với sự tan rã của nhiều nhà nước XHCN khác ở Đông u, kéo theo thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.  Song, chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã không cáo chung vào cuối thế kỷ 20 như các thế lực thù địch từng mơ tưởng. Thực tế đã chứng minh: đây chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội hiện thực, chứ không phải sự sụp đổ của bản thân chủ nghĩa xã hội với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản trong tiến trình lịch sử. Trên thế giới ngày nay, vẫn đang trụ vững và phát triển không ngừng nhiều nước XHCN gồm hàng tỉ dân, trong đó Trung Quốc và Việt Nam đã và đang thực hiện thành công cải cách, mở cửa và đổi mới. Ở nhiều nước, các lực lượng XHCN vẫn tồn tại và kiên trì phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của mình và vì lợi ích của nhân dân. Các dân tộc vẫn tiếp tục tiến lên trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập và phát triển, vì các quyền dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hiện tượng mới nhất từ những năm đầu thế kỷ 21 đang thu hút sự chú ý toàn cầu là tại các nước châu Mỹ - Latinh, các lực lượng cánh tả đã liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử, nắm được chính quyền, trong đó nhiều nước công khai tuyên bố đi theo con đường phát triển XHCN".

Tiếp đó, Tổng bí thư đã nêu bật những thành tựu và kinh nghiệm của công cuộc đổi mới ở nước ta và khẳng định: "Xã hội XHCN mà nhân dân ta phấn đấu xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới"... (Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.