Mua sắm trong những ngày cận Tết: Nhiều nỗi lo!

20/12/2007 10:16 GMT+7

(TNO) “Còn hơn một tháng nữa là đến Tết, bây giờ chuẩn bị mua các mặt hàng có thể dự trữ được để phục vụ Tết là vừa, nếu không, nếu nguồn hàng thiếu, giá cả tăng cao vào những ngày cận Tết” - anh Nguyễn Hữu Khánh, nhà ở Gò Vấp, TP.HCM, lo xa khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề hàng hóa phục vụ mua sắm những ngày cận Tết.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đó cũng là tâm lý của nhiều người. Về vấn đề này, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị như thế nào để những ngày cận Tết, hàng hóa không tăng giá quá cao và đảm bảo được chất lượng?

Hàng có đủ, giá có tăng?

Theo Sở Thương mại TP.HCM, tình hình lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố thời điểm này đang sôi động, với việc các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, các siêu thị, hộ kinh doanh đang tăng sản lượng, nhập thêm hàng chuẩn bị phục vụ Tết.

Cụ thể, các doanh nghiệp tại TP. HCM đã chủ động dự trữ trên 6.000 tấn hàng chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm của người dân. Các mặt hàng được dự trữ chủ yếu như: thịt gia súc, gia cầm, thủy cầm, rau sạch, thực phẩm chế biến, đường, gạo...


Bia được dự trữ trong kho hàng của một cơ sở kinh doanh - Ảnh: Đ.T

Tham gia thị trường Tết có 6 đơn vị chủ lực gồm: Công ty Thương mại và Chế biến Phú An Sinh dự trữ hơn 1.000 tấn thịt gia cầm (khoảng 500.000 con gà); Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ dự trữ gần 1.000 tấn thịt gia cầm và thủy cầm (với 340.000 con gà và 200.000 con vịt); Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn dự trữ trên 950 tấn hàng nông sản và lương thực; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn dự trữ khoảng 160 tấn thịt lợn/ngày; Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn tăng cường khoảng hơn 350 tấn đường/ngày bán với giá thấp hơn giá bán buôn trên thị trường từ 500 - 600 đồng/kg; Hệ thống Co.opMart Sài Gòn dự trữ hơn 3.000 tấn khoảng 20 mặt hàng thiết yếu như: gạo, lạp xưởng, hàng đông lạnh, chả lụa, bia, đường, bánh, kẹo mứt... (kinh phí khoảng 152 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ Tết Đinh Hợi 2007)...

Một cán bộ của Sở Thương mại nhận xét: “Hiện nay, các doanh nghiệp hầu như đều có mạng lưới phân phối rộng khắp nên có thể điều phối nguồn hàng khi cần thiết. Với việc chuẩn bị khá chu đáo từ các doanh nghiệp, Tết Nguyên đán 2008 này, nguồn hàng sẽ không thiếu”.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, vấn đề mà người mua sắm quan tâm nhất là giá cả. Việc này, theo dự báo của ngành thống kê, trong những ngày cận Tết, giá cả hàng hóa trên thị trường tiếp tục tăng. Bởi ngoài việc ảnh hưởng của giá cả hàng hóa trên thế giới; việc giá cả tăng là do tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra.

Việc giá xăng trong nước đồng loạt tăng 1.700 đồng/lít là một áp lực lớn cho các doanh nghiệp vì chi phí sản xuất và giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường sẽ tăng làm giá cả hàng hóa trên thị trường không thể không “leo thang”.

Công ty Sữa Vinamilk đã thông báo từ ngày 15.12 sẽ điều chỉnh giá các loại sữa bột, sữa tươi và sữa đặc tăng thêm 5% so với đầu tháng mặc dù từ đầu năm đến nay công ty đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá các mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa tươi. Cụ thể, so với đầu tháng 12, giá sữa tươi bịch giấy, trọng lượng 250ml của Vinamilk đã tăng 20.000 đồng thùng/loại 50 bịch, giá bán lẻ hiện là 3.900 đồng/bịch (tăng 300 đồng/bịch).

Một trong những mặt hàng tăng giá đạt kỷ lục được dự báo là thịt heo. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, nguồn heo hơi trong dân rất hiếm. Hiện ở TP, nguồn heo hơi trong dân gần như không còn. Việc này sẽ kéo giá heo hơi tăng lên nhiều. Hiện tại, giá heo hơi đã là 32.000 đồng/kg, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2006.


Thịt heo - mặt hàng được dự đoán tăng kỷ lục trong những ngày cận tết - Ảnh: Đ.T

An toàn vệ sinh thực phẩm - Liệu người tiêu dùng có yên tâm?

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã chủ động phối hợp với công an các quận, huyện và các ngành chức năng xây dựng và tiến hành thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết. Trong đó chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập lậu, phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá, không niêm yết giá hoặc bán không theo giá niêm yết và các hành vi gian lận thương mại khác.

Lực lượng QLTT cũng sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng công an, hải quan, thanh tra chuyên ngành y tế, nông nghiệp... kịp thời xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Khách hàng xem  thời hạn sử dụng của các mặt hàng nước trái cây và bánh ngọt - Ảnh: Đ.T

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp. Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết, hiện tại các cơ quan chức năng cũng đang ráo riết vào cuộc. Ngành thú y tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế tối đa việc mua bán thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch.

Năm nào cũng vậy, đến gần Tết là giá cả hàng hóa lại tăng cao. Điều đó đã gây khó khăn cho những gia đình không đủ kinh tế để mua sắm hàng hóa phục vụ Tết. Thêm nữa, trong thời gian này, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại thi nhau được tung ra thị trường. Đồng thời, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang là vấn đề nóng khi chúng ta vừa trải qua dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Trong khi thực tế, lực lượng QLTT, kiểm tra VSAT thực phẩm còn khá mỏng. Vì vậy, liệu người tiêu dùng có yên tâm khi mua hàng phục vụ Tết? Vấn đề này xin nhường câu trả lời lại cho các cơ quan chức năng.

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.