Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Không trao thẩm quyền đặc biệt cho cảnh sát chống tham nhũng

15/12/2006 00:14 GMT+7

** Nhất trí bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính Ngày 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Pháp lệnh cho phép thành lập Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng thuộc Cơ quan CSĐT, Bộ Công an.

Theo các ủy viên UBTVQH, do tính chất của tội phạm tham nhũng và tình hình thực tế, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng chỉ bố trí ở cấp Bộ mà không triển khai theo ngành dọc đến công an cấp tỉnh, thành. Ở địa phương, việc phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm về tham nhũng tiếp tục giao cho lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tại địa phương. 

Trước đó, trong phần thảo luận, đã có ý kiến cho rằng, để hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả, "cần quy định thẩm quyền đặc biệt cả về tố tụng và hành chính cho Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng". Tuy nhiên, ý kiến chung trong UBTVQH cho rằng, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng không phải là cơ quan điều tra độc lập, mà là một bộ phận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cho nên, khi tiến hành các hoạt động điều tra, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên phải tuân thủ theo nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nếu quy định thẩm quyền đặc biệt cho Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng sẽ không phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Vì thế, để tránh những phức tạp do không thống nhất về quyền hạn điều tra trong hệ thống Cơ quan CSĐT, không nên quy định thẩm quyền đặc biệt cho cơ quan mới được thành lập này.

Các thành viên UBTVQH cũng đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết, quản chế hành chính "là một biện pháp hành chính mang tính lịch sử", được áp dụng ngay từ những năm đầu lập nước. Cho đến năm 1995, khi ban hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, biện pháp này được quy định đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 1997 đến nay có 197 đối tượng bị đưa vào diện quản chế hành chính. Theo Bộ trưởng Uông Chu Lưu, trong bối cảnh thực hiện cải cách tư pháp, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân, việc áp dụng biện pháp quản chế mà thực chất là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định bằng một quyết định hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia đã và đang đặt ra vấn đề có tính pháp lý cần được xem xét lại.

Theo thông lệ quốc tế, việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân được thực hiện bằng một quyết định tư pháp theo trình tự, thủ tục tư pháp để cho công dân có điều kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thông qua tranh tụng tại tòa. Hơn nữa, thực tế áp dụng biện pháp quản chế hành chính thời gian qua cũng có nhiều bất cập. Cho nên, theo ông, "việc bãi bỏ biện pháp này là cần thiết".

UBTVQH đã thống nhất sẽ cụ thể hóa việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính trong dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, dự kiến sẽ được UBTVQH xem xét thông qua tại phiên họp thứ 46 vào tháng 1/2007 sắp tới.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.