Hũ gạo tình thương

27/02/2013 12:12 GMT+7

Giữa thời bình nhưng ở thôn Thanh Phước (xã Hương Phong, H.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vẫn thực hiện mô mình hũ gạo tiết kiệm thời chiến gần 3 năm nay.

Việc làm nhỏ

Chúng tôi về thôn Thanh Phước vào một ngày mưa. Thế nhưng, tại nhà máy xay xát, không khí vẫn tấp nập. Trong không khí bụi bặm cùng tiếng ồn rầm rầm của chiếc máy xay xát khiến ai cũng hối hả. Thế nhưng nhiều người mỗi khi xay gạo xong, không vội vàng cột bao ra về mà nhẹ nhàng lấy nắm gạo bỏ vào hũ gạo tình thương đặt ngay bên cạnh. Ai quên thì có người khác hoặc chủ nhà máy  nhắc nhở. Chị Nguyễn Thị Linh, một người đến đây xay xát cho biết: “Quen rồi, mỗi khi xay gạo xong là lấy nắm gạo bỏ vào hũ. Mỗi người mỗi ít, rứa mà hũ gạo nhanh đầy lắm”.

 Hũ gạo tình thương
Hũ gạo tình thương thôn Thanh Phước đã gần tròn 3 tuổi - Ảnh: Tuyết Khoa

Trong tiếng máy xình xịch, chị Phan Thị Gấm, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Thanh Phước kể, mô hình hũ gạo tình thương thôn Thanh Phước ra đời từ tháng 8.2010 do chi hội phụ nữ thôn Thanh Phước thành lập. Mô hình lấy ý tưởng từ hũ gạo tiết kiệm thời chiến nhằm giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn ở trong thôn. Hũ gạo được đặt ở hai địa điểm là hai nhà máy xay xát trong thôn, gồm nhà máy của chị Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị n.

Theo chị Gấm, ban đầu nhiều người vẫn e ngại vì thời này gạo cơm không thiếu, liệu việc làm có mang tính thiết thực, liệu có ai ủng hộ. “Lợi thế của thôn là nông nghiệp. Người ta có thể bỏ nắm gạo ủng hộ chứ kêu gọi bằng tiền bạc thì rất khó. Ủng hộ ít nhiều thì tùy tâm mỗi người. Thế nhưng, mô hình này đã đạt kết quả ngoài sức mong đợi của chúng tôi khi nhiều người trong làng cùng thực hiện”.

Ý nghĩa lớn

Chị Phan Thị Liên, chủ nhà máy xay xát, cho biết: “Ít nhiều ai cũng ủng hộ bởi tinh thần tương thân tương ái. Gọi là nắm gạo nhưng không ít người bỏ vào đó vài ba lon. Chút gạo không là bao nhưng tích góp lại thì giúp đỡ phần nào những mẹ già neo đơn, khó khăn để họ thêm ấm lòng giữa tình làng nghĩa xóm”.

Mỗi khi cuối tháng, hũ gạo lại được mở ra, danh sách giúp đỡ được 5 tổ trong thôn đưa lên. Trong đó, ưu tiên những mẹ già neo đơn. Việc ủng hộ tùy tâm mỗi người nên lượng gạo không ổn định. Tháng nào nhiều thì giúp đỡ được hai ba hộ, tháng nào ít thì giúp được một hộ. Mỗi lần như thế, mỗi hộ sẽ được trao 10kg. Số gạo lẻ còn lại sẽ được bán đi để dành tiền quỹ nhằm thăm viếng chị em phụ nữ đau ốm và dùng làm quà biếu các ngày lễ tết cho những hộ đặc biệt khó khăn.

Mệ Huỳnh Thị Khướu, 83 tuổi, sống cùng chồng đã 90 tuổi, cho biết: “Tuổi già sức yếu rồi. Cơm cháo qua ngày thôi nhưng ai giúp được chi thì mừng cái đó. Nhà không có ai đỡ đần nhưng thấy bà con làng xóm thăm hỏi, quan tâm mình, giúp mình gạo cơm nên cũng đỡ tủi”.

Chị Phạm Thị Lan, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên- Huế, nói: “Mô hình hũ gạo tiết kiệm thôn Thanh Phước là một phong trào hay mà phụ nữ Thanh Phước đã thực hiện tốt. Đây là một trong nhưng mô hình tốt của phong trào tiết kiệm đang được Tỉnh hội triển khai tại các chi hội phụ nữ”.

Tuyết Khoa

>> Giúp trên 600.000 hộ nghèo từ hũ gạo tình thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.