Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 1: 1.001 nhầm lẫn dở khóc dở cười

02/07/2013 08:15 GMT+7

(TNO) Một người lấy chồng đã được hai năm, “sinh hoạt” vợ chồng bình thường, nhưng mãi vẫn không có con. Đến khi đi khám hiếm muộn và xét nghiệm gen, chị mới biết mình mang bộ nhiễm sắc thể quy định giới tính… nam.

>> Chuyện hy hữu: Bé trai có... tử cung

Lấy chồng xong mới biết mình là… nam

Mới đây, Bệnh viện Bình dân (TP.HCM) đã nhận “khắc phục sự cố” cho một bệnh nhân nữ, lấy chồng hai năm mới biết mình là… nam.

Chị P.T.T.N. (24 tuổi, ngụ An Giang), lấy chồng đã được hai năm, “sinh hoạt” vợ chồng bình thường nhưng mãi vẫn không có con. Chị N. quyết định đi kiểm tra sản phụ khoa, điều trị hiếm muộn. Thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân không có tử cung mà lại có… hai tinh hoàn ẩn. Thế là, từ bệnh viện phụ sản, bệnh nhân được chuyển qua khám tại Khoa Nam học, Bệnh viện Bình dân. Xét nghiệm gen và các xét nghiệm xác định giới tính đều cho kết quả: Bệnh nhân mang bộ nhiễm sắc thể quy định giới tính… nam (46XY).

Bệnh nhân cho biết, chị hoàn toàn không có kinh nguyệt từ khi 14 - 15 tuổi cho đến nay. Tuy nhiên, ngoài bất thường đó, mọi đặc điểm cơ thể của chị N. hoàn toàn bình thường như những người phụ nữ khác. Thậm chí, chị N. khá xinh đẹp, ba vòng chuẩn. Thế nên bệnh nhân hoàn toàn không lưu tâm đến việc mình không có kinh nguyệt và cũng cảm thấy thoải mái với một chút "trục trặc" đó. 

“Đây là trường hợp lưỡng giới giả nam”, thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình dân, cho biết. Bệnh nhân có hình dạng bên ngoài là nữ nhưng mang bộ nhiễm sắc thể nam.

Các bác sĩ đã giải thích, phân tích và hỏi ý kiến bệnh nhân cũng như gia đình. Cuối cùng, cả hai vợ chồng quyết định “vợ chồng vẫn yêu thương nhau và chấp nhận không thể có con (do bệnh nhân không có tử cung)” và “bệnh nhân hài lòng với cuộc sống nữ”. Thế nên, các bác sĩ đã cắt bỏ hai tinh hoàn ẩn để “trả” cho chị N. về... giới tính nữ.

Trai hóa gái, gái hóa trai

Bé T.M.N. (5 tuổi, ngụ Đồng Nai), có tên gọi và khai giới tính đều là nam, đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) do gia đình không thấy tinh hoàn của bé đâu.

Tuy nhiên, khám, xét nghiệm thì các bác sĩ tìm mãi cũng chẳng thấy cơ quan sinh dục nam của bé mà thay vào đó lại phát hiện bộ phận sinh dục… nữ.

Cuối cùng, kết quả xét nghiệm gen khẳng định bé mang nhiễm sắc thể 46XX - tức bộ nhiễm sắc thể giới tính nữ - bé hoàn toàn là con gái. Cả gia đình lúc ấy mới... té ngửa.

Gia đình bé N. cho biết, khi sinh ra, bé có bộ phận sinh dục ngoài được nhìn thấy phình to nên ai cũng nghĩ bé là con trai.

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, bác sĩ khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, đây là dị tật phì đại âm vật. Nguyên nhân là do tuyến thượng thận tăng sinh tiết ra hoóc-môn làm “cô bé” phát triển lớn như “cậu bé”. Thế nên, bé mới bị lầm lẫn là… con trai.

Các bác sĩ đã phẫu thuật lại âm vật và điều chỉnh hoóc-môn cho bệnh nhi để bé trở lại đúng là con gái.

 
Các trường hợp bất thường về giới tính cần được can thiệp để sửa lỗi sớm - Đồ họa: Nguyên Mi

Trong khi đó, trường hợp của bé N.L.N.K. (14 tuổi, TP.HCM) hoàn toàn ngược lại. Thấy con gái đã học lớp 8, đến tuổi dậy thì, nhưng lại không có biểu hiện gì ra dáng… con gái, gia đình hơi lo lắng, tưởng con dậy thì chậm. Đến một hôm, thấy con trở giọng “khàn khàn” và mọc “trái khế” ngay cổ, phụ huynh mới thấy bất thường,  đêm con đến khám tại Bệnh viện Bình dân (TP.HCM).

Cuối cùng, bác sĩ phát hiện ra "cô bé" N.K. là… nam hoàn toàn. N.K. mang nhiễm sắc thể 46XY của phái mạnh.

Sự nhầm lẫn giới tính của "cô bé" suốt 14 năm đều chỉ bởi N.K. bị dị tật lỗ tiểu thấp thể nặng. Dị tật này khiến đầu “cậu bé” của N.K. quặp, bị bìu che khép lại. Thế nên từ khi sinh ra, “cậu bé” bị xác định là “cô bé”.

N.K. được nhanh chóng điều trị để trở về đúng giới tính chuẩn của mình như “đấng tạo hóa” quy định.

“Tạo hóa” cũng nhầm

Bé N.T.T.C (7 tuổi, ngụ Long An) được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vì nghĩ rằng bé bị thoát vị buồng trứng.

Cô bé để tóc dài, xinh xắn, có giọng nói, tính cách hoàn toàn con gái. Nhưng khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ không tìm thấy buồng trứng đâu, mà lại phát hiện ra hai tinh hoàn ẩn. Xét nghiệm nhiễm sắc thể, bé mang cặp nhiễm sắc thể 46XY - tức “mã vạch” nam giới.

Đây lại là một “bé cái nhầm” của “tạo hóa” trong quá trình “nhào nặn” giới tính cho trẻ trong thai kỳ.

Bác sĩ Thạch cho biết dù bé C. mang nhiễm sắc thể quy định giới tính là con trai nhưng lại không “hấp thụ” hoóc-môn nam tính, mà chỉ chịu ảnh hưởng của hoóc-môn nữ tính. Đây là một trường hợp lưỡng giới.

Khi được hỏi “con thích là con trai hay là con gái”, bé C. nói  bé thích là con gái. Với hình thể, tất cả các biểu hiện bên ngoài hoàn toàn nữ tính, cùng với sự chọn lựa của bé và gia đình, các bác sĩ đã cắt bỏ hai tinh hoàn ẩn để bé được hoàn toàn là... bé gái. (còn tiếp)

Viên An

>> “Hoán cải” lại giới tính cho một em bé
>> Cấm chuyển giới nếu khuyết tật giới tính do tâm lý
>> Tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường
>> Bí ẩn sinh vật 7 giới tính
>> Khi học sinh nghiên cứu về giới tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.