Hỗ trợ du lịch

16/06/2013 03:15 GMT+7

Năm 1995, ngành du lịch Việt Nam chỉ đóng góp 3,21% vào GDP. Ngày 13.6, trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong chiến lược du lịch thì năm 2015 đóng góp của ngành du lịch vào GDP chung vào khoảng 6 - 7%; đến năm 2020 mục tiêu thu hút 10,5 triệu lượt du khách…

Năm 1995, ngành du lịch Việt Nam chỉ đóng góp 3,21% vào GDP. Ngày 13.6, trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong chiến lược du lịch thì năm 2015 đóng góp của ngành du lịch vào GDP chung vào khoảng 6 - 7%; đến năm 2020 mục tiêu thu hút 10,5 triệu lượt du khách…

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm ngoái cũng đề ra những chỉ tiêu phát triển cụ thể. Chẳng hạn, đến năm 2020, du lịch Việt Nam đạt tổng thu 372.000 tỉ đồng, tương đương 18,5 tỉ USD, chiếm 7% GDP cả nước; tạo việc làm cho 2,9 triệu lao động. 6 - 7% không phải là tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu GDP của Việt Nam bởi nền công nghiệp du lịch chỉ mới được xây nền tảng ở Việt Nam từ những năm 1990 của thế kỷ trước, khi những đoàn khách Pháp đầu tiên vào TP.HCM. Thời điểm đó, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch hầu như không có gì. Dần dà, ngành du lịch đã định hình và du khách quốc tế biết đến Việt Nam như một điểm đến mới mẻ của châu Á. Tiếp sau khách Pháp, là thị trường khách Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và đến nay, đã có khách du lịch của hàng chục nước khác đến Việt Nam. Mặt khác, khi kinh tế phát triển, người dân trong nước đã có thể tích lũy được tài sản, nên đi du lịch nhiều hơn.

Đi kèm với sự phát triển nhanh chóng đó, ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với những thách thức của việc phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, xử sự văn minh, hiếu khách, trung thực…để môi trường du lịch thực sự thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, ngành du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mà ở đó, bản thân các doanh nghiệp du lịch phụ thuộc hoặc nhận sự hợp tác với rất nhiều ngành. Đơn cử như giá tour du lịch ở Việt Nam quá cao. Nguyên nhân là do các ngành không có liên kết. Ở Thái Lan, giá tour thấp cũng nhờ họ có sự kết hợp chặt chẽ. Các trung tâm mua sắm chi trả tiền thuê xe ô tô chở du khách cho các hãng lữ hành; ngược lại, các hãng phải có nhiệm vụ đưa khách vào đây. Chi phí vận chuyển đóng góp khá lớn vào cơ cấu giá tour, vì thế, một khi loại bỏ chi phí này, du lịch Thái Lan tạo ra lợi thế hơn hẳn nhờ bớt được chi phí này. Đó là chưa kể giá vé máy bay của nhiều hãng đến Thái cũng liên tục khuyến mãi, giảm giá; các điểm tham quan luôn có chính sách ưu đãi cho du khách theo đoàn...

Để xử lý tình trạng chèo kéo, cướp giật tài sản du khách hay lừa đảo khách mua hàng, khách đi taxi…ở nước ta, bản thân ngành du lịch không thể làm xuể, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành công an, ngành công  thương, chính quyền các địa phương…Các nước trong khu vực đã thành lập cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách và bảo vệ hình ảnh du lịch, hay rộng hơn là bảo vệ hình ảnh quốc gia. Chúng ta cũng cần triển khai mô hình tương tự. Các doanh nghiệp phục vụ du lịch cần được quản lý, giám sát thường xuyên để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách, về cả vật chất lẫn tinh thần. Một khi đã có phối hợp đồng bộ và hiệu quả của các ngành chức năng liên quan, du lịch Việt Nam sẽ phát huy được tiềm năng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần. 

N.T.Tâm

>> Bộ trưởng VH-TT-DL trả lời chất vấn: Chưa xoáy vào các trọng tâm
>> Bộ trưởng VH-TT-DL: Du lịch Việt Nam vẫn... đẹp trong mắt du khách!
>> Khách du lịch quốc tế đều muốn quay lại Việt Nam
>> Tình nguyện viên du lịch
>> Thành lập đội thanh niên hỗ trợ khách du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.