Tết: Đào, quất tăng giá gấp đôi

11/12/2008 11:14 GMT+7

Do một diện tích lớn đào bị chết sau trận lụt lớn vừa qua nên Tết này, người chơi đào có nguy cơ bị hét giá cao, giá những cành đào có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba năm ngoái.

Trên cánh đồng đào rộng ở La Cả, Phú Thượng, Nhật Tân..., ngoài những gốc đào còn phơi xác sau lũ, người dân trồng đào đang thấp thỏm, cầu cho thời tiết thuận lợi để số đào còn lại sẽ nở hoa đúng Tết.

Kẻ khóc người cười

Sau ngày sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, làng đào La Cả, xã Dương Nội, Hà Đông trở thành một trong những “vựa” đào lớn nhất Thủ đô. Tuy nhiên, với hơn 100 ha đào chuẩn bị cho dịp Tết này, hơn 60% diện tích đã bị mưa lũ “xóa sổ”.

Còn đào Nhật Tân thì thoát được nạn

Ông Đặng Đình Nhuộm, Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp La Nội cho biết: Đào La Cả tập trung ở hai thôn La Nội và Ỷ La. Đào hợp tác xã La Nội chiếm 75 ha với hơn nghìn hộ trồng đào; trong đó đào cành chiếm gần 70%, còn lại là đào thế. Sau đợt mưa lũ vừa rồi, số gốc đào còn sống sót chủ yếu nằm ở chân ruộng cao ở La Nội, riêng vùng trũng Ỷ La, số gốc đào chết úng khoảng 90%.

Theo ông Nhuộm, thời điểm này năm ngoái, người dân đang tuốt lá cho đào, nhưng năm nay người dân đang chần chừ. “Với cây còn sống sót, phải xem lực cây có khỏe không, nếu khỏe sẽ tuốt sớm để gò, uốn dáng cho cây; nếu yếu thì phải tuốt muộn hơn” - Ông Nhuộm nói.

Chị Nguyễn Thị Ngư (thôn La Nội) có 5 sào đào thì chết đến 3. Bên đống cành đào khô chuẩn bị mang về làm... củi, chị Ngư nói: “Tết này khốn khổ vì đào. Những năm trước, mỗi sào đào cành hàng năm tôi thu khoảng 20 triệu đồng, nếu đào thế đẹp thì phải đến gần trăm triệu đồng. Năm nay, còn mỗi 2 sào, nếu thời tiết thuận lợi thì may chăng được đôi đồng tiêu Tết”.

Ông Nguyễn Trung Trực, một trong những người đầu tiên đưa đào về trồng ở đất La Cả từ hơn chục năm trước, cho rằng, Tết năm nay khó tìm được đào đẹp. Số đào vớt vát được sau mưa sức sống yếu, sợ rằng đến Tết vẫn chưa được phục hồi như ý.

Mưa lũ như vừa qua cũng làm hàng chục héc ta đào Phú Thượng, Xuân La, Thường Tín... chết úng. Chỉ có vùng đào Nhật Tân (vùng bãi) ít bị ảnh hưởng; trong khoảng 30 ha đào chỉ thiệt hại khoảng 2 ha.

Anh Chu Đức Toản (phường Nhật Tân) cho biết, nhà anh có hơn 4 sào, gần 400 gốc, chủ yếu đào thế. Đợt mưa vừa rồi ít bị ảnh hưởng, do vùng bãi cao, gần sông nên thoát nước nhanh. Vườn đào nhà anh có nhiều gốc đẹp, lâu năm, có cây hơn 20 năm. Anh Toản cho hay, đào Nhật Tân năm nay đang đà thuận lợi. Với thời tiết như hiện nay, người trồng đào đang có cơ hội thắng lớn.

Cụ Nguyên Xuân Giang năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn tưới nước cho vườn đào hơn 500 gốc nhà mình. Cụ Giang nói từ nay đến Tết phụ thuộc vào ông trời. Đối với loại đào hột sai mắt, cánh mỏng thì gặp rét vẫn nở hoa, riêng bích đào có đặc trưng là nở cùng một lúc nên nếu gặp rét đậm thì ra Giêng mới thưởng thức được đào.

Làng đào La Cả sẽ trở thành “dĩ vãng”

Ông Đỗ Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Nội cho biết: Tết sang năm làng đào La Cả sẽ bị “xóa sổ”.

Trong 363 ha diện tích đất nông nghiệp ( trong đó hơn 100 ha đào) thì hơn 90% diện tích đã được quy hoạch vào 15 dự án lớn nhỏ phát triển hạ tầng đô thị, giao thông.

Nhiều dự án chiếm diện tích trồng đào lớn như Dự án đô thị Dương Nội (111ha), dự án đô thị Lê Trọng Tấn (83 ha)...

Đào, quất giá tăng gấp đôi

Nhiều hộ trồng đào ở Nhật Tân đang hứa hẹn có một năm thắng lớn khi nhiều “đối thủ” đã tan hoang sau mưa. Theo nhận định của dân chơi đào, năm nay giá có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Thắng (cụm 4, phường Nhật Tân) cho biết, những cành năm ngoái khoảng 50.000 đến 100.000 đồng thì Tết này ít nhất cũng lên đến 200-250.000 đồng/cành.

Các loại đào thế, gốc to đẹp dùng cho thuê khoảng 20 ngày trong dịp Tết được dân trồng đào chia làm ba loại chính; loại 1 có giá trên 10 triệu đồng/cây, loại 2 cũng tầm 7-9 triệu đồng/cây, loại ba xoàng cũng phải 2,5 triệu trở lên.

Theo ông Thắng, năm nay giá đào có thể tăng cao vì ngoài nguồn cung ít đi, người trồng đào còn phải bù các chi phí (phân bón, cây giống...) cao lên rất nhiều.

Tại làng đào La Cả, mấy ngày vừa qua, nhóm lái buôn đã “lượn” khắp làng đặt hàng. Theo anh Nguyễn Trung Thuận, xóm Hoàng Văn Thụ (thôn La Cả), năm nay đào sẽ đắt, giá trung bình đào cành “dễ nhìn” được khách trả tới 300.000 đồng/cành, gấp 3 lần năm ngoái. Đó là thời tiết thuận lợi, chứ từ giờ đến Tết, nếu gặp rét đậm, rét hại thì đào “mù” (không nở được- PV), lúc đó lại càng khan hiếm, giá đào sẽ đội lên cao nữa. Tôi có 3 sào đào thì mất gần 1 sào sau mưa. Mấy ngày này, nhiều lái buôn có vào hỏi nhưng tôi chưa dám bán, vì thị trường đang trong thế khan, đợi giá có thể tăng hơn nữa.

Thời gian này, dân trồng quất Quảng Bá, Tứ Liên cũng nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày Tết. Do nằm trong vùng đất cao nên quất Tứ Liên thiệt hại nhẹ hơn so với Quảng Bá.

Anh Nguyễn Văn Hồng (phường Tứ Liên) vui mừng vì sự “sống sót” của hơn  nghìn gốc quất đang hy vọng “trúng” lớn trong dịp Tết này.

“Quất năm nay cũng không nhiều, vì ở Quảng Bá và một số nơi như Hưng Yên, Bắc Ninh cũng bị mất nặng sau đợt mưa. Giáp Tết, mỗi gốc quất đẹp giá khoảng 3 triệu đồng, loại bình thường cũng phải 3-4 trăm nghìn”.

Theo Phạm Anh / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.