Cả làng đi “đâm” sen

08/08/2012 18:10 GMT+7

(TNO) Từ giáo viên tới y tá, từ cán bộ công chức về hưu tới bà bán rau ngoài chợ, cứ rảnh là thấy họ luôn tay với nghề “đâm” sen (lấy tâm sen), hình ảnh này trở nên quen thuộc những năm gần đây tại H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Mục sở thị một chuỗi các công đoạn để có được khoảng 30 ngàn tiền công/ngày từ nghề trên, chúng tôi bất ngờ trước sự kiên nhẫn, chịu khó của bà con nơi đây.

Nhận sen về người ta phải đãi sạch. Mọi việc sau đó gồm cắt phần đầu đen của hạt, lấy phần tâm xanh, để riêng từng phần, nếu hạt sen ẩm thì cần hong gió, phơi nắng tránh ẩm mốc... Chủ mối kiểm tra số lượng, chất lượng hàng sau đó người ta mới có thể nhận tiền công.

Dụng cụ làm sen cần dao sắc, những thanh tre được vót nhọn để lấy tâm sen. Người trong huyện vẫn kể về ông Trần Đức Liễu (74 tuổi, nguyên cán bộ phòng Giáo dục H.Tiên Lữ) như một nhà “phát kiến” lớn trong huyện khi năm 2006, lúc nghề sen mới về đội 2, xã Dị Chế, ông Liễu vô tình dùng kéo tỉa cây cảnh cắt đầu sen, không ngờ cho năng suất nhanh gấp đôi. Việc dùng kéo cho nghề sen từ đó mà lan nhanh ra toàn huyện.

Có dịp tới chợ Ché - thị trấn Vương mỗi sáng họp chợ, chúng tôi bất ngờ khi thấy bên mỗi hàng gạo, hàng rau là túi đồ nghề làm sen.

Các bà các cô mắt bán hàng, miệng mời khách, tay vẫn có thể “đâm” sen một cách chính xác 10 hạt như 10. Họ cho hay tranh thủ một ngày một mẹ và hai con cũng có thể làm xong 15 kg sen (tương ứng 75 ngàn).

Năm 2005 khi nghề sen mới về Hưng Yên chỉ lác đác vài gia đình nhận làm. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của cán bộ địa phương, toàn bộ 2 xã Dị Chế, An Viên ước chừng có 700 hộ gia đình làm nghề, chưa kể các xã Ngô Quyền, Hải Triều cũng tham gia.

Mức sống ở Tiên Lữ ngày càng nâng cao do người dân biết kết hợp việc nhà nông cùng buôn bán. Ngày càng nhiều nhà trong huyện xây nhà lầu, sắm sửa tiện nghi. Tuy nhiên, người dân vẫn chăm chỉ, cần cù kiếm thêm những khoản tiền nhỏ một cách đáng kinh ngạc.

Chị Nguyễn Thị Hường, một chủ bỏ mối sen khô xã Dị Chế cho hay mỗi đợt chị giao khoảng 3 tấn hạt sen khô cho khoảng 300 người, chỉ sau khoảng 2 ngày là có thể lấy lại sản phẩm.

Thù lao thông tâm sen những năm đầu tiên chỉ có giá 800 đồng/kg. Đến nay, mỗi cân hạt sen khô, bà con được trả 5.000 đồng. Mức giá mới khiến trẻ em nghỉ hè tranh nhau làm.

Chị Phạm Thị Hương - thị trấn Vương, một người giao sen cho biết cao điểm nhất của nghề sen từ tháng 8 đến cuối năm, lúc nông nhàn. Nhiều gia đình làm công chức nhà nước như giáo viên, y tá bệnh viện huyện, công nhân về hưu cũng tham gia nghề sen. Chuyện thầy giáo trường làng nghỉ hè nhận về hàng bao tải sen làm là quá bình thường ở Tiên Lữ.

Nhiều người trong xã nuôi con ăn học nên người nhờ nghề thông sen. Chị Hương dẫn ra trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Minh (48 tuổi, đội 2, xã Dị Chế). Hai con học phổ thông, một con học đại học, gia cảnh khó khăn, bà Minh cùng chồng rảnh là thông tâm sen, ban ngày chạy chợ, phụ xây, mỗi tháng gia đình thông được xấp xỉ 1 tạ rưỡi hạt sen khô được trả công gần 800 ngàn.

Chia sẻ với chúng tôi ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch UBND xã An Viên cho hay thông tâm sen ở Hưng Yên không phải nghề làm giàu, nhưng nó thích hợp ở nông thôn, giúp bà con sử dụng thời gian nông nhàn một cách hữu ích, đỡ được phần nào những chi tiêu trong cuộc sống.

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.