Tính thiết thực của lợi ích chiến lược

23/06/2013 03:00 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không quá lời khi đánh giá thỏa thuận mới đây với Trung Quốc về việc Moscow cung cấp dầu cho Bắc Kinh là “chưa từng có”.

Những con số trong thỏa thuận tự thể hiện trọng lực của chúng. Theo đó, trong 25 năm kể từ năm 2015, hằng ngày Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 300.000 thùng dầu (mỗi thùng 159 lít) và giá trị tổng thể của hợp đồng là 270 tỉ USD.

Đây không phải lần đầu tiên Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận mua bán dầu khí. Họ cũng chẳng phải đối tác duy nhất của nhau trên lĩnh vực này nhưng chưa bao giờ và với ai khác lại có hợp tác mức độ lớn như vậy. Thỏa thuận này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai, là một trong những lợi ích chiến lược chung được gây dựng trong quan hệ song phương. Nó ràng buộc 2 nước vào việc thúc đẩy quan hệ vừa tạo động lực phát triển quan hệ.

Điều đáng chú ý là lợi ích chiến lược này định hướng cả về lâu dài và rất thiết thực đối với cả hai. Nga cần đẩy mạnh xuất khẩu dầu khí, đa dạng hóa khách hàng. Càng có nhiều đối tác mới, đặc biệt là càng đẩy mạnh hợp tác năng lượng với Trung Quốc, Nga càng đề cao được vị thế trong quan hệ với Mỹ và EU nói chung và trên lĩnh vực năng lượng nói riêng.

Hơn nữa, những hệ thống tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt của Nga sang Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga đã được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, Trung Quốc dồi dào vốn đầu tư và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Đối với cả hai, lợi nọ cộng hưởng lợi kia và lợi trước mắt củng cố lợi lâu dài.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.