Người nặng lòng với lúa giống

16/01/2014 08:40 GMT+7

Gần 20 năm gắn bó với ruộng đồng, ông Lê Văn Chưởng (66 tuổi, ngụ ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh, H.Châu Thành, Trà Vinh) đã phục tráng thành công giống lúa Cửu Long 8, cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn mỗi năm.


 Ông Tư Chưởng đang kiểm tra sâu bệnh trên cánh đồng lúa giống - Ảnh: Nguyễn Đức

Khôi phục giống lúa chất lượng cao

Sau giải phóng, ông Tư Chưởng về công tác tại Phòng Nông nghiệp H.Châu Thành. Đến năm 1977, ông được huyện cử đi học khóa trung cấp cơ khí của tỉnh để về quản lý trạm máy kéo. Năm 1985, huyện điều động ông qua làm Chủ nhiệm Hợp tác xã 1.5. Hoạt động một thời gian thì hợp tác xã giải thể. Đến năm 1995, khi mới 47 tuổi, ông xin nghỉ việc về nhà làm ruộng. “Vào thời điểm đó, bà con nông dân mạnh ai nấy làm. Lúa giống thì tạp nham, kém chất lượng, năng suất thấp; trong khi chi phí đầu vào lại cao khiến người trồng không thu được lợi nhuận bao nhiêu. Tôi bắt đầu nghĩ cách làm ra nguồn lúa giống chất lượng để phục vụ bà con”, ông Tư Chưởng chia sẻ.

 

5 năm liền, ông Tư Chưởng được nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2010, ông vinh dự 3 lần ra Hà Nội tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, Đại hội Hội Nông toàn quốc và Đại hội Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tặng chân dung Bác Hồ và nhận danh hiệu “Bông lúa vàng Việt Nam - Thương hiệu và chất lượng” do Bộ NN-PTNT trao tặng.

Theo ông Tư Chưởng, vào năm 1995, ở Trà Vinh chưa có nơi nào sản xuất lúa giống chất lượng cao. “Lúc đó trên thị trường có đến 7 - 8 loại lúa giống. Tôi phải sàng lọc, xác định loại giống nào đang được tiêu thụ mạnh để tìm giống chủ lực. Cuối cùng, tôi quyết định chọn giống Cửu Long 8 bởi đặc tính ngắn ngày, kháng được sâu bệnh, năng suất cao và nhiều người ưa chuộng”, ông Tư Chưởng kể.

Trong vòng 5 năm (từ năm 1995 - 2000), ông đã phục tráng thành công giống lúa Cửu Long 8. Với năng suất trung bình 5 tấn/ha vào thời điểm đó, 40 tấn lúa giống do ông làm ra không kịp bán.

Cùng nông dân làm giàu

Sau khi phục tráng thành công, ông Tư Chưởng xin chính quyền địa phương thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa giống trên 8 ha đất của gia đình. Năm 2008, Tổ khuyến nông sản xuất lúa giống đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được thành lập, gồm 40 thành viên với diện tích 36 ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, các tổ viên đã trúng đậm ngay từ vụ đầu tiên. Qua kết quả trên, bà con đã thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn lúa giống chất lượng cao trong sản xuất; từ đó kiến nghị thành lập Tổ sản xuất lúa giống với diện tích 21 ha.

Ông Tư Chưởng cho biết bình quân mỗi năm, Tổ sản xuất lúa giống của ông cung ứng ra thị trường khoảng 450 tấn lúa, chủ yếu cho nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Gieo sạ bằng nguồn lúa giống do tổ ông cung cấp, bình quân sản lượng đạt từ 7 tấn/ha trở lên, trừ đi chi phí, nông dân thu lợi khoảng 50 triệu đồng/ha. “Chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và sản lượng phân bổ cho từng thành viên trong tổ, còn giá thành đầu ra đều do tập thể biểu quyết. Sau khi định giá xong, Ban quản trị sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm mọi rủi ro với bà con. Trước và sau mỗi mùa vụ đều có tổng kết, rút kinh nghiệm trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương”, ông Tư Chưởng nói.

 
Những phần thưởng ông Tư Chưởng được nhận thời gian qua - Ảnh: Nguyễn Đức

Ngoài điều hành Tổ sản xuất lúa giống, hằng năm, ông còn đứng ra quyên góp, xuất tiền mua quà, xây nhà tình thương cho các hộ nghèo, neo đơn trong huyện.

Nguyễn Đức

>> Giống lúa chịu mặn, năng suất cao
>> Viện lúa ĐBSC cung cấp 60 - 70% giống lúa cả khu vực
>> Đột phá về giống lúa chống hạn
>> Sản xuất thành công giống lúa “siêu chịu mặn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.